Già hóa dân số ở Nhật Bản và khó khăn trong tăng trưởng trở lại

Thứ Hai, 05/12/2022 09:28 AM (GMT+7)

Các chuyên gia xã hội học của Nhật cho rằng, Nhật Bản trong tương lai khó lòng tăng trưởng dân số vì nhiều lý do, bao gồm có tốc độ suy giảm dân số nhanh trong khi tỷ lệ sinh thấp suốt nhiều năm.

Cụ thể, sau khi dao động quanh mức tăng trưởng bằng 0 vào cuối những năm 2000, dân số Nhật bắt đầu giảm dần từ năm 2010, với tốc độ nhanh hơn trong những năm gần đây. Với việc tự phá vỡ kỷ lục suy giảm dân số hằng năm của chính mình trong 10 năm qua, đất nước mặt trời mọc đã giảm 644.000 người trong giai đoạn 2020-2021. Dân số Nhật tính đến ngày 1-1-2022 là 125,93 triệu người. Ðáng lo là dân số nước này vào năm 2065 còn được dự báo sẽ chỉ còn 88 triệu người - nghĩa là giảm 30% trong 45 năm tới. Theo bà Tsuya, đà suy giảm dân số nhanh chóng của Nhật chủ yếu là do có mức sinh thấp liên tục. Tỷ lệ sinh của phụ nữ xứ hoa anh đào đã giảm từ giữa những năm 1970, đạt tổng tỷ suất sinh (TFR) vào khoảng 1,3 con/người vào đầu những năm 2000. Nguyên nhân chủ yếu là do ngày càng nhiều phụ nữ ở độ tuổi sinh nở lý tưởng (25-34 tuổi) ngại kết hôn. Như ở giai đoạn 1975-2020, tỷ lệ phụ nữ độc thân từ 25-29 tuổi đã tăng từ 21% lên 66%, trong khi nhóm phụ nữ từ 30-34 tuổi còn tăng mạnh hơn, từ 8% lên 39%.

Nguyên nhân dẫn đến già hóa dân số ở Nhật Bản

Một phần lý do khiến phụ nữ xứ Phù Tang chần chừ trước việc kết hôn và sinh con là vì cơ hội kinh tế của họ đã được cải thiện nhanh chóng. Tỷ lệ phụ nữ theo đuổi việc học đại học tăng nhanh vào cuối những năm 1980 và đạt 51% vào năm 2020, trong khi tỷ lệ phụ nữ trẻ đi làm cũng tăng đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ phụ nữ từ 25-29 tuổi đi làm tại nước này đã tăng gần gấp đôi - từ 45% vào năm 1970 lên 87% vào năm 2020. Theo báo cáo về giới năm 2022 của Chính phủ Nhật, 25,4% phụ nữ ở độ tuổi 30 và 26,5% nam giới cùng độ tuổi nói rằng họ không muốn kết hôn. Tương tự, hơn 19% nam giới ở độ tuổi 20 và 14% nữ giới không có kế hoạch kết hôn.

Một nguyên nhân khiến tỷ lệ kết hôn giảm cũng là do gánh nặng công việc gia đình theo quan niệm truyền thống vẫn còn đặt lên vai phụ nữ, trong khi sự đóng góp của nam giới trong công việc gia đình vẫn còn rất thấp. Việc phải gánh vác phần lớn vai trò chăm sóc gia đình trong bối cảnh cơ hội kinh tế mở rộng đã khiến cho khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình trở nên rất khó khăn đối với những phụ nữ đã kết hôn. Thực trạng này cũng làm giảm sự hứng thú trước hôn nhân của nhiều người độc thân Nhật.

T15-a1

Hiệu quả của các biện pháp tăng dân số chưa hiệu quả

Lo ngại về những hậu quả kinh tế và xã hội mà mức sinh thấp kéo dài và tốc độ già hóa dân số nhanh có thể gây ra, Chính phủ Nhật đã khởi động một loạt chương trình giải quyết mức sinh thấp từ giữa những năm 1990. Trọng tâm ban đầu là hỗ trợ người lập gia đình nuôi dạy con cái, thông qua việc tăng cường cung cấp các dịch vụ chăm trẻ và ủng hộ sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Vào cuối những năm 2000, các nỗ lực nhằm tăng trưởng dân số của Chính phủ Nhật đã dần toàn diện hơn, bao gồm các chính sách hỗ trợ nuôi con dài hạn từ tuổi sơ sinh cho đến trưởng thành. Nhưng bất chấp những chính sách liên tục và toàn diện đó, Chính phủ Nhật không đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ sinh, mà chỉ có thể ngăn tỷ lệ sinh giảm thêm nữa. Như trong năm 2021, tỷ lệ sinh của Nhật vẫn ở mức 1,3 con/phụ nữ.

Trong khi đó, số người chết ở Nhật Bản dự báo sẽ tăng trong vài thập kỷ tới do nhóm dân số lớn tuổi ngày càng đông thêm. Theo số liệu năm 2021, Nhật là đất nước có dân số già nhất thế giới, với 29% số người trên 65 tuổi. Thực trạng đó đồng nghĩa nước này không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường các nỗ lực nhằm duy trì và tăng tỷ lệ sinh. Ðể làm được điều này, Giáo sư Tsuya cho rằng chính phủ nên giúp phụ nữ và các cặp vợ chồng cân bằng giữa công việc và vai trò gia đình để giảm bớt các chi phí kinh tế và xã hội nặng nề liên quan đến sự suy giảm dân số. Thị trường lao động cần phải thân thiện hơn với gia đình, trong khi cần giảm bớt gánh nặng chăm sóc gia đình cho phụ nữ. 

Vũ Thị Phương Dung

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...