Giải đáp những thắc mắc của các bà mẹ đang cho con bú

Thứ Ba, 02/06/2020 06:30 PM (GMT+7)

Để giúp các bà mẹ hiểu rõ hơn về việc cho con bú như thế nào là đúng cách, tạo sự tự tin và vững vàng hơn trong việc thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ.

cho-con-bu-2

Đối với nhiều bà mẹ, đặc biệt là những bà mẹ có con lần đầu tiên đã gặp không ít khó khăn khi cho trẻ bú. Nhiều vấn đề nảy sinh như: nên cho bé bú khi nào, cách bế bé ra sao, làm thế nào để mẹ và bé thoải mái nhất trong suốt bữa ăn của bé yêu?...

Để giúp các bà mẹ hiểu rõ hơn về việc cho con bú như thế nào là đúng cách, tạo sự tự tin và vững vàng hơn trong việc thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ.

Mẹ không thể biết em bé uống được bao nhiêu sữa mỗi lần bú. Tuy nhiên, mẹ có thể nói khi nào em bé bú đủ nếu biết những dấu hiệu sau:

-Cơ thể mẹ bắt đầu sản xuất nhiều sữa từ 2-4 ngày sau sinh. Nếu sau sinh 4 ngày mà sữa của mẹ không đủ, em bé sẽ bị đói sau mỗi cử bú, mẹ nên tư vấn bác sĩ. Trong vài giờ đầu sau sinh, lượng sữa non của mẹ rất quý giá, có thể giúp trẻ miễn dịch hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Vì thế, mẹ nên cố gắng tận dụng nguồn sữa này.

- Em bé biết tìm đúng vú mẹ và mút nhịp nhàng trong ít nhất 10-15 phút mỗi cử bú. Mẹ sẽ nghe tiếng em bé nuốt đều đặn trong khi bú. Trong lần bú đầu tiên, nên giữ tư thế bú của bé cho đến khi trẻ hút hết sữa. Khi bé bắt đầu mút yếu hơn, nuốt ít hơn, hoặc bắt đầu chợp ngủ, mẹ có thể vỗ ợ cho bé hoặc thay tả để đánh thức bé, và chuyển bé sang vú bên kia.

Thông thường, trẻ sẽ bú được nhiều sữa hơn nếu bú cả hai bên vú. Ngay khi vú thứ nhất được rút hết sữa, bắt đầu cho bé bú sang vú bên kia. Bằng cách này, cả hai vú sẽ cùng được kích thích tiết sữa và cùng được làm trống.

- Em bé của mẹ sẽ bú nhiều hơn 8 lần/ngày. Cho trẻ bú những lúc trẻ có dấu hiệu đói như: thức giấc khi đang ngủ (bị đánh thức bởi đói), đưa tay vào miệng mút, quay đầu tìm vú, mút miệng và lưỡi. Khóc là dấu hiệu muộn của đói, và em bé của mẹ sẽ không bú tốt sau khi khóc quá lâu. Trong vài tuần đầu, mẹ thường mong em bé của mình sẽ đòi bú mỗi 3 giờ với một khoảng nghỉ dài khoảng 5 giờ giữa cử bú đêm. Thực tế là trẻ sơ sinh bú ít hơn 8 lần/ngày hoặc ngủ nguyên đêm rất có thể không bú đủ sữa, vì vậy mẹ nên đánh thức bé để cho bú.

Nếu trẻ không tuân theo cữ bú tiêu chuẩn, bạn có thể dựa vào nhu cầu của trẻ để cho bú. Không ép bé liên tục làm nảy sinh tâm lý sợ hãi khiến trẻ bỏ bú.

-Em bé của mẹ có vẻ hài lòng sau khi bú và sẽ ngủ ngay sau đó. Trẻ sau khi bú mẹ mà vẫn còn thấy đói (sẽ khóc, mút ngón tay hoặc muốn ngậm núm vú giả) nghĩa là chưa đủ sữa. Mẹ nên tư vấn bác sĩ để có phương pháp kích thích sữa hoặc cho sữa bổ sung.

-Vú mẹ sẽ cảm giác căng đầy trước mỗi cử bú và xẹp sau khi bú.

-Trẻ sẽ đi tiểu 6 lần/ngày hoặc hơn ngay khi sữa mẹ về đủ. Nước tiểu thường không màu. Khi trẻ hơn 3 ngày tuổi, nước tiểu của bé có thể có màu gạch bẩn dính tả nếu bé bú không đủ sữa.

- Phân của em bé màu xanh, dẻo (gọi là phân su) cho đến 4-5 ngày tuổi. Sau 5 ngày, nếu phân bé vẫn còn màu xanh sẫm hoặc màu nâu, nên đi khám bác sĩ.

- Trẻ có thể đi tiêu 4 lần/ngày hoặc nhiều hơn. Nhiều trẻ bú mẹ són phân mỗi lần cho bú trong suốt 3-4 tuần đầu sau sinh.

-Ngay sau khi sữa mẹ về đủ, trẻ bú mẹ sẽ tăng cân nhanh, ít nhất 30g/ngày trong 2 tháng đầu. Tăng cân là dấu hiệu tốt nhất cho biết bé bú đủ sữa. Nếu trẻ không tăng cân có thể mẹ không đủ sữa hoặc mẹ cho bé bú không đúng cách.

Cho con bú như thế nào là đúng cách

Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới:

- Cho bé bú ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh để tận dụng sữa non, kích thích sữa non xuống sớm, và giúp co hồi tử cung cho mẹ.

- Cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Bú mẹ hoàn toàn là chỉ bú mẹ mà thôi, ngay cả nước cũng không cho bé uống.

- Bắt đầu cho bé ăn dặm từ tháng thứ 6 và tiếp tục cho bú sữa mẹ đến 24 tháng.

- Cho bú theo nhu cầu của bé, tức là không hạn chế thời gian và độ dài của mỗi bữa bú.

- Nếu bé ốm không bú được thì vắt sữa và cho bé ăn bằng thìa hoặc cốc.

Hướng dẫn bà mẹ giúp trẻ ngậm bắt vú đúng

- Chạm vú vào môi trên bé  .

- Đợi đến khi miệng bé mở rộng.

- Đưa miệng bé vào vú sao cho môi dưới của bé ở dưới núm vú

Những điều cần lưu ý khi cho bé bú

- Cho bé bú ngay sau sinh. Nhiều bà mẹ nghĩ rằng mới sinh thì chưa có sữa. Thực sự sữa non đã có từ những tháng cuối thai kỳ. Trẻ cần bú sữa non đó, không nên vắt bỏ sữa non. Sữa non màu hơi vàng đục, có rất nhiều kháng thể nhờ vậy giúp trẻ chống lại bệnh tật.

- Cho bé bú theo nhu cầu. Thời gian cho con bú tùy theo bé, cho bé bú đến khi nào no, tự rời vú mẹ sau khi bú xong một bên, nếu bé chưa đủ no thì chuyển sang vú bên kia.

-  Khi bé bị bệnh, ngay cả khi bé bị tiêu chảy, vẫn tiếp tục cho bé bú mẹ.

- Trong trường hợp trẻ đẻ non, yếu không mút được vú mẹ, hoặc trường hợp mẹ ốm nặng, mắc một số bệnh không cho con bú được cần phải vắt sữa vào cốc và cho trẻ ăn bằng thìa.

- Nên cho trẻ bú kéo dài 24 tháng hoặc có thể lâu hơn, không cai sữa cho trẻ trước 12 tháng.

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....