Hà Nam: Mục tiêu trọng tâm của công tác Dân số 2023 là giảm tỉ lệ sinh tiến tới mức sinh thay thế

Thứ Ba, 27/12/2022 01:16 PM (GMT+7)

Năm 20222, tỷ suất sinh ở Hà Nam là 15,04‰ (giảm 0,12‰ so với cùng kỳ năm 2021). Số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 2.372 trẻ, bằng 18,1% tăng 0,6% so với cùng kỳ 2021 (năm 2021 là 17,5%).

Năm 2022, công tác dân số trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh và các đơn vị trong ngành tích cực tham mưu, chỉ đạo điều hành, tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực.

ha-nam

Bà Tạ Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hà Nam cho biết, trong năm 2022, Chi cục đã ban hành các kế hoạch hướng dẫn thực hiện công tác dân số và phát triển năm 2022: Kế hoạch triển khai thực hiện hoạt động các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số; Kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục về công tác dân số và phát triển; Kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác dân số và phát triển; kế hoạch giám sát Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ năm 2022; kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm, hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11/7; kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới 26/9, Ngày quốc tế Người cao tuổi 01/10 và Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10...

Thời gian qua, ngành dân số tỉnh Hà Nam triển khai đồng loạt nhiều giải pháp và đã đạt được kết quả tích cực:

Tổng số trẻ em sinh ra năm 2022 là 13.075 trẻ, trong đó số bé trai là 6.850, số bé gái là 6.229.

Tỷ số giới tính khi sinh toàn tỉnh năm 2022 là 110 bé trai/100 bé gái (giảm 0,2 điểm % so với năm 2021). Tỷ suất sinh là 15,04‰ (giảm 0,12‰ so với cùng kỳ năm 2021). Số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 2.372 trẻ, bằng 18,1% tăng 0,6% so với cùng kỳ 2021 (năm 2021 là 17,5%).

Với công tác kế hoạch hóa gia đình, năm 2022 toàn tỉnh đã vận động được 50.813 người thực hiện biện pháp tránh thai đạt 110,5% kế hoạch năm. Gói dịch vụ phòng, chống viêm nhiễm đường sinh sản có 70.177 lượt phụ nữ khám, trong đó phát hiện và điều trị cho 31.500 phụ nữ. 100% phụ nữ mang thai đến trạm y tế được khám và cung cấp thông tin, tư vấn về chăm sóc trước, trong và sau khi sinh.

Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh”, kết quả đã thực hiện sàng lọc trước sinh cho 8.777 bà mẹ mang thai đạt 63,7%; sàng lọc sơ sinh cho 5.432 trẻ (tăng 1.552 trẻ so với cùng kỳ) tương đương 40,1%.

Với Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh” duy trì sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau phát triển kinh tế ở các xã, phường, thị trấn, thông qua đó nâng cao nhận thức của các gia đình về hậu quả của việc sinh nhiều con và đặc biệt là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ y tế để không sử dụng khoa học công nghệ thực hiện các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, các cặp vợ chồng sinh con một bề không sinh thêm con và không lựa chọn giới tính khi sinh.

Tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác dân số và phát triển

Thực hiện Đề án "Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi", toàn tỉnh duy trì sinh hoạt 66 CLB "Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi" tại 66 xã, phường, thị trấn. Thông qua các hoạt động của đề án, sức khỏe thể chất và tinh thần của người cao tuổi ở địa bàn triển khai đã được cải thiện một cách đáng kể. Về mô hình “Truyền thông chuyên biệt cho vị thành niên, thanh niên”, đã duy trì hoạt động của mô hình truyền thông chuyên biệt cho vị thành niên, thanh niên tại các xã, phường, thị trấn. Mô hình “Lồng ghép nội dung về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trong các trường THCS”, duy trì sinh hoạt CLB truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và tiếp tục duy trì triển khai hoạt động “Góc thân thiện” tại 6 trường THCS thuộc 2 huyện Bình Lục và Lý Nhân.

Tuy nhiên, hoạt động dân số vẫn còn những khó khăn nhất định. Việc đầu tư kinh phí hoạt động cho công tác dân số còn hạn chế dẫn tới việc triển khai thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn. Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ KHHGĐ chưa được triển khai đúng tiến độ. Phương tiện tránh thai miễn phí được cấp vẫn còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân số ở cơ sở có nhiều biến động. Những khó khăn này tác động phần nào đến một số chỉ tiêu, như các biện pháp tránh thai lâm sàng tỷ lệ còn thấp so với chỉ tiêu giao. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao (18,1%). Tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao (110 bé trai/100 bé gái).

Tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023

Năm 2023, mục tiêu của ngành Dân số tỉnh là tiếp tục huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông, vận động, giáo dục. Phấn đấu đạt mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tiếp tục ổn định tổ chức bộ máy dân số - KHHGĐ cấp xã; thôn, tổ dân phố.

Để thực hiện mục tiêu trên, tiếp tục triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới và các văn bản của tỉnh về công tác dân số và phát triển. Triển khai hiệu quả Chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ năm 2023. Cùng với đó, tích cực triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện các Quyết định ban hành Chương trình dân số và phát triển đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh tới cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch dân số, chú trọng triển khai hoạt động nâng cao chất lượng dân số, giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên có hai con”; lợi ích của kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; giá trị, quyền bình đẳng của trẻ em gái và không thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi; kỹ năng thực hành về các vấn đề liên quan đến tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng truyền thông cho đội ngũ cán bộ dân số và cán bộ truyền thông, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên các ngành, các cấp trong tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai cung cấp các dịch vụ KHHGĐ, hàng hóa sức khỏe sinh sản cho người dân tại các xã triển khai Chiến dịch.

Chỉ tiêu kế hoạch 2023

- Chỉ tiêu cơ bản: Giảm tỉ suất sinh 0,08‰. Giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 0,3%. Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên 7,8‰. Tuổi thọ trung bình 75,1 tuổi.

- Chỉ tiêu chuyên môn: Giảm tỉ số giới tính khi sinh 0,4 điểm phần trăm. Tỉ lệ người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại 67,4%. Tỉ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh 30%, tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc 40%. Tăng thêm 10% tỉ lệ người cao tuổi được chăm sóc dự phòng toàn diện, khám sức khỏe định kỳ, được điều trị tại các cơ sở y tế. Tăng thêm tỉ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn là 5%. Tổng số người mới thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại 45.969 người.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...