Hải Dương: Xóa dần hủ tục ảnh hưởng đến chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh

Thứ Ba, 13/12/2022 09:30 AM (GMT+7)

Hải Dương từng là địa phương điểm nóng về mất cân bằng giới tính khi sinh, khi số trẻ em trai ra đời chênh lệch nhiều hơn trẻ em gái. Tuy nhiên, hiện tượng này đã được cải thiện đáng kể khi chính quyền từ Trung ương, cấp tỉnh đến địa phương quyết liệt vào cuộc.

Qua tìm hiểu thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến việc mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hải Dương khó giảm. Trong đó, có nguyên nhân thuộc hệ tư tưởng khó bỏ như "trọng nam, khinh nữ". 

Trong nhiều năm, địa phương này là một trong những tỉnh thuộc top đầu trong cả nước về mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh (MCBGTKS). Trong khi đó, các ngành chức năng đã triển khai khá nhiều biện pháp nhằm cân bằng tỉ số này.

Con số thống kê của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Hải Dương cách đây 5 năm (2015), tỷ số giới tính khi sinh của Hải Dương trong 8 tháng đầu năm 2015 là 118,47 bé trai/100 bé gái trong khi trước đó 1 năm là 113,78 bé trai/100 bé gái. Con số này vượt xa so với tỉ số thông thường theo tiêu chuẩn bảo đảm cân bằng tự nhiên là 104-106 bé trai/100 bé gái.

Ngoài ảnh hưởng của hệ tư tưởng cũ thì sự phát triển về khoa học kỹ thuật cũng "tiếp tay" cho việc lựa chọn giới tính khi sinh. Khi điều kiện kinh tế được tốt hơn nhiều người mong muốn mọi thứ sẽ theo đúng ý mình, kể cả giới tính của con cái.

‎Tâm lý có con trai bằng được của một bộ phận không nhỏ người dân chính là rào cản lớn nhất trong nỗ lực giảm MCBGTKS. 

Khi tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh xuất hiện thì hệ quả về lâu dài sẽ rất lớn. Theo Tổng cục Thống kê, cấu trúc dân số trong những thập kỷ tới sẽ mang dấu ấn của việc lựa chọn giới tính khi sinh hiện tại, với quy mô dân số nam vượt trội trong một thời gian dài. 

Hiện tượng MCBGTKS sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. Nam giới sẽ bị dư thừa và sẽ đối mặt với khó khăn khi tìm kiếm bạn đời. Từ đó có thể xảy ra hiện tượng trì hoãn hôn nhân hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân. Điều này sẽ tác động ngược lại hệ thống gia đình trong tương lai. Thậm chí nó còn có những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

z3955400

Trong kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Hải Dương cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ số giới tính khi sinh giảm còn 112 bé trai/100 bé gái và giảm xuống còn 109 bé trai/100 bé gái vào năm 2030. Để mục tiêu này thành hiện thực, cùng với thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật về chính sách dân số liên quan đến kiểm soát tỉ số giới tính khi sinh thì mỗi người dân cần thay đổi tích cực nếp nghĩ của mình, loại bỏ gốc rễ nguyên nhân làm MCBGTKS. 

Để giảm thiểu tình trạng này, TP Hải Dương đã triển khai mô hình "Giảm thiểu MCBGTKS" tại 21 xã, phường có nguy cơ cao. Hoạt động chính là tăng cường tuyên truyền, tư vấn trực tiếp và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; cung cấp thông tin qua tổ chức hội thảo, nói chuyện chuyên đề về dân số - KHHGĐ.

Thực hiện mô hình đã thành lập và duy trì Câu lạc bộ Phụ nữ không sinh con thứ ba, tổ chức được hàng trăm buổi truyền thông trực tiếp, buổi sinh hoạt câu lạc bộ phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, giảm thiểu MCBGTKS. Trung tâm cũng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của thành phố đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về giới và giới tính khi sinh. Biên soạn, nhân bản và cung cấp các ấn phẩm truyền thông; lắp đặt pa-nô, khẩu hiệu tuyên truyền về giới tính khi sinh tại địa điểm trung tâm… 

Từ công tác tuyên truyền giáo dục từng bước thay đổi hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, nhằm giảm tỷ lệ MCBGTKS, nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố. Đến nay, chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh ở địa phương này đã giảm rõ rệt. 100% các cặp nam, nữ trước khi kết hôn được tuyên truyền, tư vấn về giới và giới tính khi sinh. Nâng cao chất lượng dân số về thể lực, trí tuệ và tinh thần; bảo đảm cân bằng tỷ số giới tính khi sinh.

Sự quyết liệt vào cuộc của các cấp và ngành dân số địa phương đã tạo dư luận xã hội mạnh mẽ, phê phán hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, đồng thời nêu gương cá nhân, dòng họ, thôn xóm, khu dân cư không vi phạm các quy định về lựa chọn giới tính thai nhi. Qua đó, dần loại bỏ can thiệp giới tính thô bạo đưa giới tính khi sinh dần về mức cân bằng của tự nhiên. 

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...