"Hai vạch"- Chưa chắc đã có thai

Thứ Bảy, 30/05/2020 08:55 AM (GMT+7)

Một số trường hợp bị chậm kinh, thử que thử thai cho kết quả hai vạch nhưng khi siêu âm, bác sĩ không phát hiện túi thai.

que-thu-thai

Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM - cho rằng hiện tượng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu do nồng độ nội tiết hCG và thời gian dùng que thử quyết định.

Que thử thai hoạt động như thế nào?

Khi phôi bám vào và làm tổ trong nội mạc tử cung bên trong buồng tử cung, một số ít trường hợp bên ngoài tử cung, nhau thai sẽ phát triển và tiết ra một loại nội tiết gọi là hCG.

Nội tiết hCG có thể đi vào máu thai phụ và một số được tiết ra trong nước tiểu. Nếu tìm thấy hCG trong máu hoặc trong nước tiểu, người phụ nữ đó có thể đã mang thai. Thai càng lớn, nồng độ hCG trong máu và nước tiểu càng tăng lên.

Khi nồng độ hCG trong nước tiểu vượt qua một mức độ nhất định, trên que thử thai sẽ xuất hiện 2 vạch màu đỏ đậm sau khi nhúng vào nước tiểu.

Nếu không có hCG trong nước tiểu hoặc có nhưng nồng độ thấp, 2 vạch màu đậm trên que thử thai sẽ không xuất hiện. Bác sĩ lưu ý chỉ que thử thai hiện 2 vạch đậm mới gọi là dương tính và có khả năng đã mang thai.

Bác sĩ Tường cho biết khi phụ nữ đã có thai, sau 4 tuần kể từ ngày có kinh đầu tiên của lần hành kinh gần nhất (tức thai 4 tuần tuổi), que thử đã có thể cho hai vạch. Tuy nhiên, ít nhất 1-2 tuần sau đó, siêu âm mới có thể nhìn thấy túi thai trong buồng tử cung, lúc này thai khoảng 5-6 tuần tuổi.

Đến khi thai 6-7 tuần tuổi, siêu âm mới thấy được tim thai. Do đó, khi que thử thai hai vạch nhưng thai còn quá nhỏ, siêu âm sẽ chưa thấy.

Khoảng 20-25% trường hợp phát hiện thai qua que thử. Tuy nhiên, thai phát triển bất thường, dẫn đến hư và sẩy thai sớm trước khi có thể thấy được trên siêu âm. Ngoài ra, có thể phôi thai thay vì bám và làm tổ trong buồng tử cung thì bám lạc chỗ. Phôi bám bên ngoài tử cung thường là bên trong vòi trứng nên siêu âm không phát hiện hoặc khó phát thiện.

Một số bệnh nhân được bác sĩ cho tiêm thuốc có chứa hCG vài ngày trước đó hoặc tự mua để tiêm. Từ đó dẫn đến có hCG trong nước tiểu. Lúc này, thử que có thể dương tính nhưng thật sự không có thai, khi siêu âm sẽ không thấy túi thai.

“Một số ít trường hợp, trong nước tiểu có một số tạp chất có thể làm que hiện 2 vạch, nhưng thật sự không có thai, gọi là dương tính giả”, bác sĩ Tường nói thêm.

Thời điểm dùng que thử thai cho kết quả tin cậy nhất là ít nhất sau 4 tuần kể từ ngày có kinh đầu tiên của lần hành kinh gần nhất. Thời điểm này chính xác với người có kinh đều theo chu kỳ 28 ngày. Nếu chu kỳ kinh dài hơn thì thử trễ hơn. Nếu chu kỳ quá dài hoặc không đều thì khó xác định ngày thử que chính xác.

Theo bác sĩ Tường, trong trường hợp thử que thấy dương tính sau đó siêu âm không thấy túi thai, tốt nhất nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra và tư vấn phù hợp, không tự ý mua thuốc sử dụng.

Khi đi khám, bác sĩ chuyên khoa có thể hỏi kỹ lại bệnh sử, cho thử lại hCG trong máu hoặc siêu âm lại 1-2 tuần sau. Ngoài ra, nếu nghi ngờ, bác sĩ có thể theo dõi tiếp để loại trừ khả năng thai ngoài tử cung.

Cách sử dụng que thử thai

Thực tế, không ít bạn gái dùng que thử thai sai cách dẫn đến kết quả sai lệch. Thông thường, việc sử dụng que thử thai có các bước cơ bản như sau:

- Bước 1: Lấy nước tiểu cho vào cốc.

- Bước 2: Xé bao nhôm đựng que thử thai.

- Bước 3: Cầm que thử thai trên tay theo hướng mũi tên chỉ xuống.

- Bước 4: Cắm que thử thai vào cốc đựng nước tiểu sao cho mặt nước tiểu không ngập quá mũi tên.

- Bước 5: Chờ 5 phút bắt đầu đọc kết quả.

 Sau 5 phút, lằn vạch ngang màu hồng sẽ hiện ra trên que thử thai báo hiệu cuộc thử nghiệm đã hoàn tất. Nếu vạch hồng thứ hai hiện ra dưới vạch hồng đầu tiên, đó là kết quả bạn đã có thai. Nếu không có vạch hồng thứ hai hiện ra, bạn không có thai. Nếu không thấy có vạch nào, có thể que thử bị hư hỏng hoặc nước tiểu không đảm bảo. Các bạn nên thử lại vào lần khác bằng một que thử mới.

Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....