Hạt củ đậu chứa chất gì mà gây ngộ độc?

Thứ Tư, 22/01/2020 09:13 PM (GMT+7)

Ăn hạt củ đậu luộc ở nhà bà ngoại, 2 cháu bé nhập viện Đa khoa Phú Thọ trong tình trạng hôn mê, da tái lạnh.

Bác sĩ Cao Việt Hưng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Trung tâm Sản Nhi cho biết, ngoài phần củ được dùng làm thực phẩm, phần thân, lá, hoa, quả của cây củ đậu đều có chứa rotenon - một chất rất độc thường được dùng làm chế phẩm thuốc trừ sâu.

Khi được hấp thu vào cơ thể, rotenon gây ức chế hô hấp của tế bào gây tăng sinh lactate nhiễm toan hóa máu, tăng hình thành các gốc oxy hóa tự do và gây chết tế bào. Sau khi ăn khoảng 30 phút đến một giờ, người bệnh có thể xuất hiện các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, ý thức lơ mơ. Ở mức độ nặng hơn, rotenon gây ức chế thần kinh khiến người bệnh rơi vào hôn mê, co giật, ngừng thở, ngừng tim dẫn tới tử vong nhanh chóng.

hatcudau

Hạt củ đậu chứa độc tính.

Đặc biệt, ngộ độc rotenon trong hạt củ đậu không có thuốc giải độc đặc hiệu và các triệu chứng có thể tiến triển rất nhanh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong trong 2-5 giờ sau khi ăn phải chất độc.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế nếu phát hiện con mình ăn phải các loại quả, hạt lạ mà có biểu hiện bất thường.

Theo bố hai bệnh nhi, anh đưa 2 con trai từ Hà Nội đến Phú Thọ thăm nhà bà ngoại. Hai bé ăn hạt củ đậu luộc trong lúc tự chơi. Chiều 18/1 bé nhỏ mệt mỏi, quấy khóc và nôn ra nhiều hạt củ đậu nhưng không biết hạt củ đậu có độc tố rất mạnh nên gia đình không đưa đến viện.

Tuy nhiên, chỉ vài tiếng sau, bé 3 tuổi đột nhiên ngất xỉu, tay chân duỗi, gọi hỏi không có đáp ứng nên nhanh chóng được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Thanh Thủy.

Bé sau khi được cấp cứu tích cực, đặt ống nội khí quản kết hợp sử dụng các thuốc vận mạch được chuyển đến Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ.

Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng toan hóa máu nặng. Theo bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhi bị ngộ độc hạt củ đậu rất nặng.

Bé được lọc máu liên tục, sử dụng các thuốc vận mạch liều cao kết hợp với kháng sinh. Sau 3 ngày điều trị tích cực, ngày 21/1, sức khỏe bé ổn định, tỉnh táo, được rút máy thở.

Riêng bé 6 tuổi khi nhập viện cũng nôn ra nhiều hạt củ đậu. Do được cấp cứu kịp thời nên tình trạng sức khỏe của bé nhanh chóng ổn định và được xuất viện ngay sau đó.

Ngô Thị Hồng Duyên

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....