Hậu sản và những vấn đề cần biết cho phụ nữ sau sinh

Chủ Nhật, 17/07/2022 02:20 PM (GMT+7)

Dù bạn là bà bầu sắp sinh hay phụ nữ mới sinh thì đều cần tham khảo những lời khuyên về các vấn đề hậu sản dưới đây.

Thời kì hậu sản kéo dài 6 tuần sau sinh. Đây là thời gian mà cơ thể người mẹ sẽ dần trở về trạng thái bình thường như trước khi sinh, đặc biệt là cơ quan sinh dục. Mặc dù vậy, đây cũng là một giai đoạn rất khó khăn vì người mẹ đang phải chịu nhiều thay đổi về thể chất (mệt mỏi, đau đớn, căng thẳng), xã hội và tâm lý do sự thay đổi nội tiết tố, đồng thời phải học cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Trong đó, các vấn đề thường gặp nhất, bao gồm:

Sản dịch

Sản dịch sau sinh là dịch chảy ra từ âm đạo sau khi mẹ hoàn thành ca sinh. Trong sản dịch bao gồm máu, các mô từ lớp niêm mạc tử cung và có thể lẫn cả các vi khuẩn.

Khi nhau thai bong ra khỏi tử cung, nó khiến cho các mạch máu tại nơi tiếp xúc giữa nhau thai và tử cung bị mở ra và lượng máu này chảy vào tử cung rồi chảy ra ngoài qua âm đạo.Sau khi nhau thai được xuất ra khỏi cơ thể, tử cung sẽ co bóp để đóng các mạch máu kể trên và nhờ đó, giảm lượng máu chảy ra ngoài

Phụ nữ sau sinh không nên quá lo lắng về tình trạng này, vì trong thời gian mang thai lượng máu trong cơ thể đã tăng lên khá nhiều nên chảy máu trong một vài ngày đầu sau sinh không gây ra tình trạng thiếu máu.

hau-san-san-dich

Lượng sản dịch và màu sắc cũng khác nhau theo thời gian, thông thường.

Trong 3 ngày đầu, sản dịch gồm các cục máu nhỏ nên có màu đỏ thẫm.

Từ ngày thứ 4 – 8 sản dịch có màu loãng hơn, màu lờ lờ máu cá.

Từ ngày thứ 8, sản dịch không có máu, chỉ là một chất dịch trong.

Thông thường, trong 20 ngày đầu tiên sau sinh, sản dịch sẽ đi từ mức nhiều nhất đến thấp nhất và chấm dứt, bất kể là mẹ sinh theo phương pháp nào. 45 ngày, tức là khoảng 6 tuần sau sinh, bà đẻ sẽ hết sản dịch

Nếu sản dịch ra quá nhiều, trong vòng 1 giờ có thể làm ướt đẫm băng vệ sinh và xuất hiện những cục máu đông lớn, mẹ nên kiểm tra kỹ vì đó có thể là dấu hiệu băng huyết sau sinh.

Nếu sản dịch chậm kết thúc và mẹ bị sốt cao, đó là dấu hiệu điển hình của hiện tượng bế sản dịch, mẹ cần đến bệnh viện để được sơ cứu những biến chứng xảy ra.

Căng sữa

Empty

Hầu hết bà mẹ cảm thấy ngực đầy đặn, căng tức sau khi sinh. Nên tránh căng sữa bằng cách cho bé bú thường xuyên cả hai bên vú. Hoặc, dùng khăn ấm hoặc tắm bằng nước ấm, hay có thể chườm khăn lạnh lên bầu ngực giữa các cữ bú để giảm đau. Phụ nữ không cho con bú nên chườm lạnh, sử dụng dụng cụ hỗ trợ cố định bầu ngực, uống thuốc giảm đau khi cần thiết, có thể hút sữa bằng máy hoặc vắt bằng tay.

Đau vùng cơ quan sinh dục

Khi sinh thường, ống âm đạo sản phụ có thể bị rách khi em bé chui ra hoặc bác sĩ phải cắt tầng sinh môn để ca sinh dễ dàng hơn. Vết may tầng sinh môn sẽ làm người mẹ đau ở những ngày đầu tiên. Tùy vào vết cắt ít hay nhiều và mức độ chịu đau của mỗi người khác nhau thì biểu hiện đau cũng khác nhau. Có thể giảm đau bằng cách dùng thuốc giảm đau bác sĩ kê đơn hoặc chườm lạnh, giữ cho vết thương sạch sẽ và khô ráo.

Bí tiểu và táo bón

Tình trạng này cũng gặp nhiều sau sinh. Người mẹ cần ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ để tăng kích thích hoạt động của nhu động ruột và uống nhiều nước. Nếu tình trạng bí tiểu và táo bón nặng làm đau hoặc ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người mẹ thì nên tái khám.

Giảm ham muốn tình dục

Ham muốn tình dục có thể giảm sau sinh vì lượng hormone estrogen giảm. Điều này có thể kéo dài một năm sau sinh, đặc biệt là ở phụ nữ cho con bú. Quan hệ vợ chồng nên đợi cho vùng tầng sinh môn lành hẳn, thường từ 4-6 tuần sau sinh.

Tránh thai

Người mẹ nên sử dụng biện pháp tránh thai khi bắt đầu quan hệ tình dục lại. Tùy thuộc vào nhu cầu tránh thai lâu dài hay ngắn hạn, việc nuôi con bằng sữa mẹ, có bệnh lý gì kèm theo hay không... có những phương pháp tránh thai phù hợp cho từng trường hợp. Bác sĩ phụ sản sẽ hướng dẫn vào lần tái khám đầu tiên sau sinh của sản phụ.

Tăng cân và béo phì

Phụ nữ tăng cân nhiều khi mang thai có xu hướng giảm cân khó khăn hơn, đồng thời tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường type 2 trong tương lai. Không nên giảm cân bằng cách nhịn ăn, nên tiếp tục thói quen ăn uống bình thường. Tất cả phụ nữ cho con bú cần uống nhiều nước hơn, bổ sung thêm 500Kcal mỗi ngày so với lúc mang thai. Tránh hoạt động nặng trong 2-3 tuần đầu sau sinh, bắt đầu tập thể dục lại với các bài tập từ nhẹ nhàng như đi bộ, yoga nhẹ nhàng và dần dần trở lại tập bình thường.

Giai đoạn hậu sản và đang cho con bú bà mẹ cần một lượng calo cao. Vì vậy khẩu phần ăn của người mẹ cần tăng lên về cả số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt uống đủ nước. Đặc biệt, người mẹ cần tránh những tập quán cũ, không khoa học và tránh kiêng cữ nhiều.

Trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh (PPD) là tình trạng người phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, thay đổi về thể chất và tâm lý, hành vi sau khi sinh con. Họ thường có suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, cáu gắt, buồn chán, lo lắng nhiều vấn đề trong đời sống.

hau-san

Trầm cảm sau sinh là vấn đề tâm lý hậu sản nghiêm trọng mà nhiều bà mẹ gặp phải hiện nay. Ảnh minh họa

Rối loạn này dễ gặp ở bất kỳ người mẹ nào, nhưng chiếm tỷ lệ cao nhất ở phụ nữ lần đầu sinh con và bệnh thường phát triển trong vòng 1 năm đầu sau sinh. Theo nhiều thống kê, có khoảng 10-20% phụ nữ sau khi sinh rơi vào rối loạn tâm lý, trầm cảm. Trong đó có 15% trường hợp xuất hiện trầm cảm trong 3 tháng đầu sau sinh, 15 – 25% xảy ra trong năm đầu sau sinh.

Trầm cảm có thể ở mức nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể tự khỏi, nhưng cũng có nhiều trường hợp nặng không can thiệp điều trị kịp thời dẫn đến người mẹ mất tự chủ, xuất hiện hành động tự hủy hoại bản thân, thậm chí chọn cách kết thúc sinh mệnh cả mẹ và con.

Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh rất khó nhận biết, cho đến khi họ có biểu hiện hành động, cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng sức khỏe bản thân.

Đối với các mẹ sinh con đầu lòng nên đến các lớp học tiền sản và kết bạn với những phụ nữ mang thai khác hoặc những người mới làm cha mẹ để chia sẻ kiến thức, tinh thần chuẩn bị đón con.

Ngoài ra, việc chăm sóc một em bé mới chào đời sẽ gặp nhiều khó khăn, phụ nữ sau sinh cơ thể yếu ớt kèm theo giờ giấc sinh hoạt đảo lộn. Chúng ta hãy yêu cầu giúp đỡ từ chồng, người thân trong việc cùng chăm sóc một đứa trẻ, ưu tiên mẹ có thời gian ngủ, nghỉ.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....