Hệ luỵ của việc giảm mức sinh thay thế

Thứ Tư, 02/08/2023 03:04 PM (GMT+7)

Nguyên TCT Tổng cục DS- KHHGĐ Nguyễn Doãn Tú từng cho biết, không ít quốc gia đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh thấp về mức thay thế, đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với nước ta nếu muốn duy trì và kéo dài thời kỳ cơ cấu dân số vàng.

Theo số liệu mới nhất trong Quyết định 2019/QĐ BYT ngày 27/4/2021 về Công bố danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng mức sinh áp dụng cho giai đoạn 2020 – 2025, có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; vùng có mức sinh cao gồm 33 tỉnh thành phố; và có 9 tỉnh thành phố có mức sinh thay thế.

Trong đó, đáng chú ý, xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Một số tỉnh/thành phố tại vùng Đông Nam Bộ, Đồng Bằng Sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung mức sinh xuống thấp, đáng báo động. Trong khi đó, tại những nơi điều kiện kinh tế chưa phát triển, như Bắc Trung bộ, miền núi phía Bắc, mức sinh lại rất cao, có nơi trên 2,5 -2,8 con/phụ nữ.

1651825984769

Theo bà Đặng Quỳnh Thư, Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế), mức sinh là một yếu tố cấu thành của dân số, do vậy, những biến động của mức sinh, dù cao hay thấp đều có tác động trực tiếp đến quy mô, cơ cấu, phân bố dân số và sẽ gây bất lợi cho ổn định xã hội và phát triển đất nước.

Trong đó, riêng về vấn đề mức sinh thấp, bà Đặng Quỳnh Thư cho biết, nếu để mức sinh "tụt" quá thấp, sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Cụ thể: Mức sinh thấp sẽ gây ra tình trạng suy giảm quy mô dân số. Nghĩa là, khi mức sinh thấp kéo dài không đủ sản sinh ra những đoàn hệ thay thế cha mẹ trong một thời gian dài sẽ tác động trực tiếp đến tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên và làm cho quy mô dân số suy giảm (như Nhật Bản, Nga, các nước Bắc Âu hiện nay).

Bên cạnh đó, với những quốc gia có mức sinh thấp sẽ dẫn đến việc thiếu hụt lực lượng lao động. Bởi khi đó, số người được sinh ra ngày càng ít đi và với việc chuyển đoàn hệ trong dân số sẽ làm cho dân số trong độ tuổi lao động - lực lượng chính tạo ra của cải vật chất và sự phát triển của xã hội - sẽ ngày càng bị thu hẹp.

Hơn nữa, mức sinh thấp còn đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số; gia tăng các dòng di cư (do mức sinh thấp, lực lượng lao động thiếu hụt tác động đến các chính sách di cư làm tăng các dòng di cư, thu hút lao động nhập cư).

Đặc biệt, theo Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số, do mức sinh thấp gây ra các hệ lụy nêu trên nên sẽ kéo theo hậu quả nghiêm trọng là tác động đến sự ổn định xã hội và phát triển đất nước, làm phát sinh hàng loạt các vấn đề về an sinh xã hội, trật tự an ninh, quốc phòng.

Cụ thể, khi mức sinh thấp gây già hóa dân số nhanh sẽ kéo theo gia tăng quỹ phúc lợi xã hội cho người già, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Trong khi đó, chi phí chăm sóc sức khoẻ người già cao gấp 7-8 lần so với chăm sóc sức khoẻ trẻ em. Nhu cầu cán bộ điều dưỡng chăm sóc người già sẽ tăng đột biến trong bối cảnh lực lượng lao động giảm và phụ nữ ngày một tham gia tích cực hơn trong các hoạt động kinh tế - xã hội.

Đây không chỉ là khó khăn thách thức đối với gia đình mà còn với cả xã hội, nhà nước. Điều này có thể thấy ở một số nước hiện nay đang có những chính sách thu hút lao động điều dưỡng Việt Nam như Đức, Nhật Bản…)

Cùng với đó, mức sinh thấp làm gia tăng các dòng di cư nên kéo theo các dịch vụ đi kèm để cung cấp cho người nhập cư như nhà ở, trường học, bệnh viện. Điều này gây nguy cơ xung đột do những khác biệt về sắc tộc, tôn giáo, văn hoá, kỹ năng làm việc, cạnh tranh việc làm do quá trình di cư – nhập cư…

"Những hệ lụy do mức sinh thấp kéo dài gây ra càng nghiêm trọng hơn nếu xảy ra ở những nước đang phát triển và năng suất lao động chưa cao như Việt Nam, kéo theo đó là phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội cho phù hợp với cơ cấu nhân khẩu học", Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số Đặng Quỳnh Thư nhấn mạnh.

Theo ông Mai Trung Sơn - Phó vụ trưởng Vụ Quy mô dân số (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế), các tỉnh có mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Nguyên nhân khiến mức sinh thấp do xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao; tỷ lệ đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con…

Để góp phần thực hiện thành công chiến lược dân số Việt Nam vào năm 2030, ngành dân số cần tiếp tục mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số; có chiến lược truyền thông để đưa mức sinh thấp về mức sinh thay thế; tuyên truyền để thay đổi nhận thức "trọng nam khinh nữ", không lựa chọn giới tính thai nhi cũng như đẩy mạnh chương trình tầm soát trước sinh, sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh tật, giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng...

Nguyễn Phương Liên TH

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...