Hội chứng tiền kinh nguyệt và những điều cần lưu ý

Thứ Sáu, 08/09/2023 10:54 AM (GMT+7)

Hội chứng tiền kinh nguyệt là một loạt các triệu chứng về những thay đổi, rối loạn tâm sinh lý, hành vi của nữ giới khoảng thời gian trước chu kỳ kinh nguyệt. Hội chứng này nếu kéo dài có thể gây khó chịu về thể chất, tinh thần, ảnh hưởng đến cảm xúc, sinh hoạt hàng ngày của phụ nữ.

Hội chứng tiền kinh nguyệt chiếm tỉ lệ từ 85 - 90% phụ nữ với các mức độ từ rất nhẹ đến rất nặng. Có từ 20 - 40% triệu chứng rối loạn làm hạn chế khả năng tâm thần và sinh lý và khoảng 2,3% triệu chứng nặng gây mất khả năng hoạt động thực sự. Mặc dù hội chứng này không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cũng không nên có thái độ chủ quan. Vì nếu không quan tâm theo dõi, điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dẫn đến nhiều rối loạn về thể chất, tinh thần. Điều này khiến bạn khó kiểm soát cảm xúc, làm ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân, gia đình và các mối quan hệ xã hội của phụ nữ.

Nguyên nhân bệnh Hội chứng tiền kinh nguyệt

Hiện nguyên nhân chính gây ra Hội chứng tiền kinh nguyệt vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên các nhà khoa học tin rằng có 2 yếu tố chính có thể góp phần gây ra tình trạng này:

- Sự thay đổi của nồng độ nội tiết tố nữ trước kỳ kinh (estrogen, progesterone) gây nên các dấu hiệu của hội chứng tiền kinh nguyệt. Ví dụ lượng hormone progesterone thường tiết ra nhiều hơn trước khi có kinh nguyệt và giảm đáng kể sau khi bắt đầu ra máu kinh.

- Do những thay đổi về hóa chất trong não (serotonin). Không đủ lượng serotonin có thể góp phần gây trầm cảm tiền kinh nguyệt, cùng với đó là triệu chứng mất ngủ, mệt mỏi, thèm ăn.

Việc chế độ ăn uống mất cân bằng, thiếu hụt vitamin và khoáng chất; sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn, chứa cafein cũng có thể là nguyên nhân khiến cho các triệu chứng tiền kinh nguyệt trở nên nghiêm trọng hơn.

Triệu chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt có rất nhiều triệu chứng và biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau tùy theo cơ địa của từng người. Tuy rằng chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng hội chứng này có thể diễn tiến nặng nề đến mức gây gián đoạn sinh hoạt bình thường của phụ nữ.

1. Thay đổi khẩu vị :Cảm giác thèm ăn có thể là dấu hiệu của Hội chứng tiền kinh nguyệt. Nhiều người có thể đột ngột thèm ăn một món ăn cụ thể nào đó. Khoa học vẫn chưa giải thích cụ thể nguyên nhân nào dẫn tới triệu chứng này. Tuy nhiên, một số khác có thể xảy ra tình huống hoàn toàn ngược lại. Họ than phiền rằng cảm thấy chán ăn, không muốn ăn những món ăn mà thường ngày rất yêu thích

2. Rối loạn tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa có rất nhiều nguyên nhân, và cũng có thể là dấu hiệu của hội chứng này. Bạn có thể cảm thấy đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy.

3. Nổi mụn trứng cá: Đây là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của Hội chứng tiền kinh nguyệt. Lí do có thể do sự thay đổi nội tiết làm cho da bài tiết nhiều bã nhờn hơn. Quá nhiều chất nhờn sẽ gây tắc nghẽn lỗ chân lông, khiến cho mụn trứng cá xuất hiện.

4. Đau nhức toàn thân: Bạn có thể cảm thấy đau ở nhiều vị trí, gồm đau đầu, đau lưng, đau khớp, cảm giác căng tức ở ngực. Nhưng thường gặp nhất là ở vùng bụng và thắt lưng.

5. Rối loạn cảm xúc: Ảnh hưởng khó lường nhất của Hội chứng tiền kinh nguyệt mà đa số đều lo ngại là những thay đổi về mặt cảm xúc và hành vi. Bạn có thể cảm thấy giận dữ, khó chịu và cáu gắt. Ngoài ra, cảm giác phiền muộn, lo lắng, cảm thấy bị xa lánh và trầm cảm có thể hiện diện. Bên cạnh đó, cảm xúc của bạn cũng nhạy cảm hơn, dễ bị kích thích, dễ khóc hoặc phản ứng thái quá. Những cảm xúc này thường xuất hiện vào trước chu kỳ kinh nguyệt. Nghiêm trọng hơn, trí nhớ và sự tập trung của bạn có thể suy giảm trong giai đoạn này. Chị em cũng có thể bị mất ngủ, chợp mắt giấc ngắn rồi bị bừng tỉnh…

6. Thay đổi ham muốn tình dục: Trong một số trường hợp, Hội chứng tiền kinh nguyệt có thể làm thay đổi nhu cầu tình dục. Nhiều người bị suy giảm ham muốn tình dục, né tránh chuyện chăn gối. Nếu điều này diễn tiến lâu dài mà không để ý tìm hiểu nguyên nhân, sẽ dẫn đến mâu thuẫn không đáng có trong đời sống hôn nhân.

7. Triệu chứng khác: Nhiều người có thể cảm thấy mệt mỏi, uể oải, không có sức lực trước chu kỳ kinh nguyệt. Một số khác bị sưng phù tay chân, cân nặng tăng lên.

Đa phần các triệu chứng trên kéo dài trong 1-2 tuần, trước khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt và biến mất sau khi kết thúc chu kỳ kinh nguyệt.

hoi-chung-tien-kinh-nguyet-1

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hội chứng tiền kinh nguyệt

Để chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt, bác sĩ phải xác định được một số dấu hiệu sau đây ở bệnh nhân:

- Triệu chứng xuất hiện trong 5 ngày trước khi kỳ kinh và lặp lại ít nhất 2 chu kỳ liên tiếp.Triệu chứng kết thúc trong vòng 4 ngày sau khi bắt đầu có kinh nguyệt.

- Ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống hàng ngày của bệnh nhân.

Các biện pháp điều trị bệnh Hội chứng tiền kinh nguyệt

Nếu hội chứng tiền kinh nguyệt diễn ra ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, tình trạng này có thể cải thiện bằng cách cải thiện lối sống hay điều chỉnh lại chế độ ăn uống. Nhưng trong trường hợp các triệu chứng bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh, các bác sĩ có thể cân nhắc tới việc điều trị bằng thuốc. Dưới đây là một số cách giảm hội chứng tiền kinh nguyệt mà người bệnh có thể áp dụng:

- Ngủ đủ giấc từ 7-8 tiếng/ngày: Ngủ đủ giấc là yếu tố rất quan trọng giúp phụ nữ có đủ sức khỏe để chống lại các cơn đau bụng tiền kinh nguyệt. Người bệnh nên tập thói quen đi ngủ đúng giờ, ngủ từ 7-8 tiếng/ngày có thể giúp giải tỏa tâm trạng căng thẳng và mệt mỏi. Nếu bạn bị mất ngủ, khó ngủ, có thể uống một ly sữa ấm ít béo trước khi đi ngủ. Trong sữa giàu chất tryptophan, một loại axit amin làm tăng sản xuất serotonin giúp xoa dịu thần kinh để bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn.

- Chú ý đến chế độ ăn: Đa dạng hóa thực đơn bằng thực phẩm giàu carbohydrates có thể giúp hỗ trợ điều trị hội chứng này.

- Tập thể dục thường xuyên: Khi bắt đầu thấy các dấu hiệu của hội chứng tiền này, chị em phụ nữ có thể vận động, tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội...để não tăng sản xuất chất endorphins có tác dụng giảm đau, tăng cảm giác hưng phấn, lạc quan vui vẻ. Với một số phụ nữ, duy trì tập aerobic đều đặn có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng của PMS do làm tăng nhịp tim và chức năng phổi, giúp khí huyết trong cơ thể lưu thông.

- Thư giãn và giải tỏa căng thẳng: Nếu thường xuyên bị hội chứng tiền kinh nguyệt, bạn cần tìm cách thư giãn và giảm căng thẳng. Một số liệu pháp thư giãn phổ biến là massage, thiền, yoga, tập hít thở nhẹ nhàng.

Ngoài ra phụ nữ cũng được khuyến khích là nên nghỉ ngơi, nếu tâm trạng bức bối có thể chia sẻ với gia đình, bạn bè để giải tỏa cảm xúc.

Sử dụng thuốc điều trịCác thuốc kê đơn thường dùng trong điều trị các triệu chứng tiền kinh nguyệt gồm:

Thuốc chống trầm cảm: là nhóm thuốc ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin (SSRIs) bao gồm fluoxetine (Prozac, Sarafem), sertraline (Zoloft), paroxetine (Paxil, Pexeva)… được xác nhận có hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng bất an về tâm lý.Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): như ibuprofen, naproxen có thể được sử dụng để giảm đau bụng tiền kinh nguyệt. Tuy nhiên thường các bác sĩ sẽ cân nhắc vì nhóm thuốc này có tác dụng phụ gây xuất huyết dạ dày hoặc loét dạ dày tá tràng.Thuốc ngăn ngừa sự rụng trứng: ví dụ như thuốc tránh thai nội tiết tố có thể làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt liên quan đến thể chất. 

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....