Hói đầu khi còn trẻ: nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Thứ Sáu, 07/10/2022 08:48 AM (GMT+7)

Hói đầu không chỉ xảy ra ở những người trung niên, lớn tuổi mà tình trạng này đang có xu hướng "tấn công" người trẻ tuổi. Nguyên nhân nào đã khiến tình trạng hói đầu khi còn trẻ? Dấu hiệu, phương pháp điều trị ra sao?

Bệnh hói đầu là hiện tượng tóc rụng nhiều hơn mức bình thường, làm lộ rõ vùng da đầu khiến “chủ nhân” tự ti và mặc cảm về diện mạo của bản thân. Trước đây, hiện tượng hói đầu thường xuất hiện ở đàn ông lứa tuổi trung niên, người lớn tuổi, nhưng hiện nay tình trạng hói đầu còn xảy ra ở người trẻ khiến nhiều người không khỏi lo lắng.

Bị hói đầu khi còn trẻ: Nguyên nhân do đâu?

1. Do yếu tố di truyền

Những người sinh ra trong gia đình có người thân bị chứng rụng tóc, hói đầu thì bản thân họ có nguy cơ rụng tóc, hói đầu cao, nam giới ảnh hưởng đến 98,6% và nữ giới là 64,4%. Bạn có thể xem bài viết cách trị hói đầu do gen di truyền để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

2. Thường xuyên căng thẳng, stress

Đây là một nguyên nhân khá phổ biến gây ra chứng hói đầu ở tuổi 20. Cuộc sống hiện đại, giới trẻ phải chịu nhiều áp lực từ guồng quay học hành, sự cạnh tranh khốc liệt của công việc khiến họ phải không ngừng phấn đấu, thần kinh trở nên căng thẳng là điều dễ hiểu.

Thực tế cho thấy, rất nhiều nghiên cứu sinh bị hói đầu tạm thời trong quá trình học tập. Khi căng thẳng quá mức và kéo dài, cơ thể sẽ sinh ra chất P để bảo vệ cơ thể, tuy nhiên chất này lại làm tổn thương đến tóc khiến tóc yếu ớt và dễ gãy rụng. 

hoi-1-1-1596-1644815303

3. Chế độ dinh dưỡng thiếu dưỡng chất

Thói quen sử dụng thức ăn nhanh, thực hiện chế độ kiêng khem giảm cân nhanh sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe toàn thân và mái tóc cũng cùng chung “số phận”. Đặc biệt, khi cơ thể thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu như vitamin A, B, sắt, kẽm, magie có thể dẫn đến rụng tóc và làm vòng đời của sợi tóc bị rút ngắn lại. Vì vậy, hãy đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng và nên bổ sung đủ vitamin để giúp tóc phát triển chắc khỏe, mượt mà. 

4. Rối loạn thần kinh nội tiết

Rối loạn thần kinh nội tiết ở nam và nữ là hoàn toàn khác nhau. Đối với nam giới, điều này thường ảnh hưởng do nồng độ nội tiết tố nam tăng hoặc giảm ở những người rối loạn sinh lý. Đối với nữ giới, rối loạn thần kinh nội tiết thường xảy ra khi đến giai đoạn sau sinh, cho con bú, thay đổi thuốc ngừa thai hoặc có thể bước qua giai đoạn tiền mãn kinh - mãn kinh.

Thần kinh nội tiết lại chính là yếu tố quyết định sức khỏe của mái tóc. Một khi thần kinh nội tiết bị rối loạn sẽ làm suy yếu tế bào mầm tóc (tế bào tóc nằm sâu trong nang tóc là “hạt giống” hình thành nên sợi tóc) khiến tóc mảnh yếu và dễ rụng.  

5. Mắc các bệnh lý và sử dụng phương pháp điều trị

Nếu cơ thể mắc các bệnh lý như viêm nhiễm da đầu, bệnh tuyến giáp, tim mạch, tiểu đường, buồng trứng đa nang, dùng thuốc điều trị bệnh, hóa trị hoặc xạ trị đều có thể khiến tế bào mầm tóc bị suy yếu, dễ gãy rụng và khó mọc. Đây cũng chính là nguyên nhân gây hói đầu ở tuổi 20.

6. Thói quen không lành mạnh

Thói quen thức khuya, ngủ không đủ giấc, bứt tóc, lạm dụng chất kích thích (như rượu bia, thuốc lá…) cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của tóc.Theo khuyến cáo, mọi người không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày. 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330ml (5%); 1 cốc bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5%); hoặc 1 chén  rượu mạnh 30ml (40%).

Bởi chất men từ bia rượu làm cơ thể giảm sự hấp thu kẽm, đồng hoặc protein nên gây thiếu chất và tổn thương tế bào mầm tóc, từ đó dẫn đến hiện tượng giòn tóc, dễ rụng. Nếu sử dụng loại thức uống này vượt quá mức cho phép, tóc của bạn sẽ có nguy cơ bị “giải tỏa” và hình thành “sân bay” sớm.

Bên cạnh rượu bia, hút thuốc lá (chủ động và bị động) cũng là yếu tố khiến tóc rơi rụng không ngơi. Bác sĩ Ralph Trueb và đồng nghiệp tại Đại học Zurich, Thụy Sĩ cho rằng: Chất nicotine có trong thuốc lá làm giảm lượng máu đến da đầu và làm tổn thương DNA  của sợi tóc.

Việc nam giới hút thuốc lá thường xuyên sẽ gây tổn thương nghiêm trọng tế bào mầm tóc, tăng nguy cơ hói đầu lên gấp 2 lần những người bình thường. Không chỉ gây hói đầu khi còn trẻ tuổi, khoa học còn chứng minh, những người hút thuốc lá còn làm tăng viêm và hình thành sẹo tại da đầu, khiến tóc không thể mọc lại được.

7. Sử dụng quá nhiều hóa chất lên da đầu

Đây được xem là yếu tố mang tính thời đại, khi xu hướng sử dụng hóa mỹ phẩm (dầu gội, dầu xả, keo xịt tóc…) ngày một nhiều, việc thay đổi kiểu tóc, màu tóc xoành xoạch là một trong những lý do khiến tóc yếu, rụng và khó mọc trở lại.

Sự tác động của hóa học và vật lý sẽ làm thay đổi cấu trúc của sợi tóc, khiến lớp biểu bì keratin bị tổn thương, tóc trở nên yếu và dễ gãy rụng hơn. Vì vậy, các chuyên gia khuyên mọi người cần sử dụng sản phẩm chất lượng phù hợp và chỉ nên làm tóc 6 tháng/lần. 

Ngoài ra, hói đầu ở người trẻ còn do mắc bệnh lupus ban đỏ, da đầu bị chàm, vảy nến gây nên hiện tượng rụng tóc từng mảng. 

Dấu hiệu hói đầu sớm ở người trẻ

Rụng tóc là một quá trình liên tục và việc rụng từ 50 đến 100 sợi tóc mỗi ngày là điều hoàn toàn bình thường, đây được xem là rụng tóc sinh lý. Tuy nhiên, khi rụng tóc nhiều, có những dấu hiệu dưới đây thì bạn đang đứng trước nguy cơ hói đầu sớm:

hoi 2

Nhiều vùng tóc mỏng dần: Tình trạng rụng tóc thường lan tỏa dần dần, xuất hiện trên đỉnh đầu và xung quanh thái dương. Tuy nhiên, quá trình này xảy ra dần dần, do đó, trong trường hợp nhận thấy sớm, cân xác định nguyên nhân để có cách điều trị chứng rụng tóc hiệu quả.

Những đốm hói loang lổ: Dạng rụng tóc này thường chỉ ảnh hưởng đến da đầu. Bạn sẽ nhận thấy những vùng hói đột ngột ở những khu vực cụ thể như đỉnh đầu, nguyên nhân thường là do phản ứng tự miễn dịch.

Rụng tóc đột ngột: Xuất hiện tình trạng mỏng tóc tổng thể do rụng tóc nhanh chứ không xuất hiện các mảng hói.

Rụng tóc toàn thể: Một số phương pháp điều trị y tế, chẳng hạn như hóa trị liệu cho bệnh ung thư, có thể khiến bạn mất hoàn toàn tóc trên da đầu, nhưng đây là dạng rụng tóc tạm thời và tóc sẽ mọc trở lại sau một thời gian.

Tình trạng hói đầu ở người trẻ được chẩn đoán như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh đầu hói tóc ở người trẻ, việc thăm khám là rất cần thiết. Bên cạnh kiểm tra da đầu, khai thác bệnh sử thì bệnh nhân có thể được chỉ định kiểm tra, làm các xét nghiệm sau đây: 

Thử nghiệm kéo tóc: Để xác định mức độ và tình trạng rụng tóc, bác sĩ sẽ dùng tay kéo 1 nắm tóc để xem mức độ rụng tóc.

hoi 3

Sinh thiết da đầu: Trong trường hợp nghi ngờ trong chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết da để kiểm tra phần da đầu có nhiễm khuẩn hay không, có thể phân biệt da đầu bị sẹo hoặc không bị sẹo. Các mẫu bệnh phẩm lấy từ vùng rìa da đầu bị rụng tóc. 

Xét nghiệm máu: Nếu thấy nghi ngờ rụng tóc có liên quan đến hormone và bệnh lý nghiêm trọng về tuyến giáp, tiểu đường, đa nang buồng trứng... người bệnh sẽ được tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra nội tiết tố androgen, hormone tuyến giáp, sắt và một số chất khác có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tóc. 

Phương pháp điều trị hói đầu ở người trẻ tuổi

Tùy vào nguyên nhân gây ra rụng tóc mà có phương pháp điều trị hói đầu ở độ tuổi còn trẻ cho phù hợp. Bên cạnh điều chỉnh lối sống, thói quen sinh hoạt, ăn uống vận động thì điều trị hói đầu có thể sử dụng đến một số phương pháp sau:  

1. Sử dụng thuốc

Thuốc 2,4-diamino-6-piperidinopyrimidine 3-oxide 5% là thuốc điều trị rụng tóc tại chỗ được Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn. Thuốc hoạt động theo cơ chế kéo dài thời gian giai đoạn tăng trưởng của tóc, dùng 1 ngày/lần. Tóc sẽ mọc ở lại trong vòng 6-12 tháng. Thuốc có tác dụng giúp tóc mọc trở lại với 81% số phụ nữ sử dụng. Tuy nhiên, tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng loại thuốc này là ngứa, đỏ, khô và mọc lông ở những bộ phận khác trên cơ thể. 

Nhóm thuốc ức chế 5-alpha reductase: Là thuốc dạng viên, bán theo đơn, sử dụng hàng ngày để điều trị các trường hợp hói đầu kiểu nam giới androgen. Lúc đầu, loại thuốc này dùng để điều trị bệnh phì đại tuyến tiền liệt, tuy nhiên trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã ghi nhận tác dụng phụ của thuốc là kích thích mọc tóc. Từ đó, nhóm thuốc ức chế 5-alpha reductase 1mg được phát triển thành thuốc uống để điều trị rụng tóc androgen ở nam giới được FDA phê duyệt.

Tuy nhiên, chúng tồn tại các tác dụng không mong muốn như: giảm ham muốn tình dục, giảm số lượng tinh trùng, thay đổi cảm xúc, đau tinh hoàn… ngay cả khi đã ngưng sử dụng thuốc.    

Thuốc tránh thai: Trong một số trường hợp rụng tóc do rối loạn nội tiết tố ở nữ giới thì việc sử dụng thuốc tránh thai có thể hữu ích, giúp cân bằng nội tiết tố và kích thích tóc mọc. Tuy nhiên, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ thì không nên uống.

2. Sử dụng laser liều thấp

Đây là liệu pháp công nghệ hoàn hảo giúp tóc mọc an toàn và khá hiệu quả bằng cách sử dụng bước sóng ánh sáng ở mức độ thấp. Tuy nhiên, để thực hiện thành công đòi hỏi trình độ tay nghề của bác sĩ cao và máy móc tối tân. Vì vậy, khi thực hiện cách điều trị chứng hói đầu này, người bệnh cần chọn cơ sở y tế uy tín, được thực hiện bởi các chuyên gia giỏi để tránh những tổn thương nặng nề cho vùng da đầu.

tat-tan-tat-nhung-dieu-can-biet-ve-cay-toc-VNVAl-1608616382_large

3. Cấy tóc

Phương pháp này thường áp dụng cho người rụng tóc nhiều hoặc hói lâu năm. Cấy tóc là thủ thuật giúp phân bổ lại vị trí lông tóc trên cơ thể, bằng việc di chuyển nang tóc khỏe mạnh đến những vùng tóc bị hói. Hiện nay, cấy tóc có 2 loại chính là cấy tóc sinh học và cấy tóc tự thân.

Cấy tóc sinh học: Là phương pháp dùng tóc tổng hợp để cấy lên da đầu có thể giải quyết ngay tình trạng thưa tóc hói đầu. Tuy nhiên, cấy tóc sinh học thường xảy ra các phản ứng viêm, tăng sừng tại chân tóc, thậm chí nhiễm trùng, rụng luôn phần tóc hiện tại. Hơn nữa, tóc không thể mọc dài như bình thường, việc kéo dài thời gian sử dụng cũng khó khăn.

Cấy tóc tự thân: Phương pháp được đánh giá là ưu việt hơn, tóc được phân bổ lại vị trí tóc trên da đầu, bác sĩ sẽ di chuyển nang tóc khỏe mạnh từ vị trí này sang vị trí khác. Vùng tóc được cấy tiếp tục tồn tại và phát triển giống như sợi tóc bình thường. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là phải can thiệp dao kéo, gây đau đớn và đặc biệt chi phí khá đắt đỏ.

Ngoài ra, sự can thiệp của kỹ thuật để lại sẹo trên đầu, tóc có thể mọc không tự nhiên nếu hướng và góc đặt tóc không phù hợp, nếu cấy nang lông quá sâu có thể gây ra tình trạng u nang lông, hoặc nếu cấy tóc quá dày có thể xảy ra tình trạng rụng tóc tự nhiên.

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....