Hướng dẫn bé gái vào những ngày "đèn đỏ"

Thứ Tư, 19/10/2022 11:07 PM (GMT+7)

Dấu hiệu đầu tiên để biết mình đã thành thiếu nữ là xuất hiện hành kinh (đèn đỏ). Giai đoạn này, trẻ gái rất lo lắng, sợ hãi, ngại ngùng, và thật sự bối rối khi thấy máu chảy ở vùng kín. Trẻ thường lúng túng khi xử lý tình huống này.

 1. Giúp con chăm sóc bản thân

Trong những ngày đèn đỏ, cha mẹ cần dạy các em cách chăm sóc bản thân cẩn thận hơn những ngày khác. Người mẹ nên đưa ra lời khuyên cho các bé gái rằng, các em nên làm việc nhẹ, đi lại nhẹ nhàng, không tập các môn thể thao đòi hỏi nhiều sức lực. Trong các môn thể dục thể thao, vẫn duy trì các môn nhẹ nhàng như đi bộ, thể dục tay không, bóng bàn,... nhưng các em nên tránh các môn gắng sức như đẩy tạ, bơi lặn, không nên đi xa, vì cơ thể dễ mệt mỏi. Nếu các em bị đau bụng khi có kinh, cần phải nằm nghỉ ngơi, chườm ấm vùng bụng dưới. Chế độ ăn uống phải đủ chất dinh dưỡng, tăng cường chất đạm, chủ yếu là đạm động vật như thịt heo, thịt bò, tim gan, trứng và thức ăn có nhiều canxi giúp cho quá trình cầm máu, đông máu được tốt cũng như các thức ăn bồi bổ khác đủ cân bằng đạm, đường, chất béo, muối khoáng, vitamin và chất xơ. Cần tránh các thức ăn có tính kích thích như rượu, bia, gia vị mạnh hoặc những thức ăn, trái cây quá chua.

Mẹ cũng cần hướng dẫn các em biết vệ sinh đúng cách những ngày đèn đỏ. Trong những ngày này, máu ứ đọng trong vùng chậu và cơ quan sinh dục nhiều, vi khuẩn phát triển nhanh chóng trong máu kinh. Vì vậy, bé cần tắm rửa sạch sẽ và thường xuyên hằng ngày. Khoảng 3 - 4 tiếng nên thay băng vệ sinh một lần, nhất là những ngày thứ nhất, thứ hai của chu kỳ kinh nguyệt. Mỗi lần thay băng phải rửa sạch bộ phận sinh dục bằng nước sạch, lưu ý không nên xối hay xịt nước quá sâu vào bên trong âm đạo. Sau đó dùng khăn sạch lau khô rồi mới đóng băng vệ sinh mới. Cha mẹ cũng cần dạy con đề phòng và tránh các bệnh vùng kín như viêm nhiễm, khí hư có mùi... khi vệ sinh không sạch sẽ để các em biết. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là trẻ mới lớn chưa cần thiết phải dùng đến các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ bởi axít trong các dung dịch này có thể làm thay đổi môi trường âm đạo.

Cha mẹ cũng cần lưu ý giáo dục con kiến thức về giới tính và quan hệ tình dục vì rất có thể con sẽ có thai nếu không biết bảo vệ mình và điều này sẽ nguy hại cho sức khỏe sinh sản và tâm lý của con trước ngưỡng cửa cuộc đời.

be-gai-9-tuoi-da-co-gap-den-do-chuyen-gia-chi-cach-giup-con-tri-hoan-day-thi-som

2. Dạy con cách xử lý ngày đèn đỏ khi ở trường

Ở giai đoạn đầu, rất khó để nhận biết khi nào kinh nguyệt xuất hiện. Vậy nếu kinh nguyệt xuất hiện khi trẻ đang ở trường thì phải làm sao? 

- Nói chuyện với cô giáo: Hãy dặn trẻ khi có kinh nguyệt ở trường, con nói với cô giáo thay vì bạn bè vì cô giáo có thể hỗ trợ tốt hơn. Ngoài ra, trẻ cũng có thề nói với cán bộ y tế của trường.

- Đừng hoảng sợ: Nếu kinh nguyệt xuất hiện khi trẻ đang ăn trưa hoặc học thể dục, trẻ cần bình tĩnh và đừng hoảng sợ. Nếu trẻ không biết xử lý như thế nào, hãy đến gặp cô giáo. Còn nếu những triệu chứng kinh nguyệt khiến trẻ khó chịu, hãy gọi điện thoại cho ba mẹ đến đón.

- Chuẩn bị sẵn một bộ quần áo dự phòng: Nếu trường học có tủ dựng đồ cho học sinh, trẻ đem thêm một bộ đồ để thay nếu chẳng may kinh nguyệt đến bất ngờ và dính ra quần áo. Tuy nhiên, nếu không có sẵn quần áo, bạn hướng dẫn trẻ dùng áo khoác để che đi vết bẩn hoặc gọi điện để bạn mang quần áo đến.

- Đừng nói chi tiết với bạn bè: Nếu trẻ thay quần áo mới và bạn bè có thể nhận thấy, thì con cứ bình tĩnh và nói các bạn rằng mình làm dính mực vào quần áo nên mới phải thay. Dặn trẻ đừng nói quá cụ thể để không cảm thấy xấu hỗ vì chuyện thầm kín này.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chuẩn bị cho trẻ một số đồ dùng khi đến trường những ngày đèn đỏ như: Túi có khóa kéo để có thể đựng những vật dụng cần thiết trong thời gian này. Lựa những chiếc túi không quá nhỏ những cũng đừng quá to để trẻ có thể vừa cặp. Khi chọn túi, bạn nên chọn những loại có khóa kéo để đảm bảo sự kín đáo. Cha mẹ cũng có thể chuẩn bị 1 cuốn lịch bỏ túi cho trẻ để trẻ có thể theo dõi chu kì kinh nguyệt của mình và dự đoán được chu kì tiếp theo. Tuy nhiên, trong vài năm đầu, thời gian có kinh sẽ không đều. Vì vậy, khi đến thời điểm sắp có, trẻ có thể lót sẵn một miếng băng. Cha mẹ cũng cần chú ý luôn để sẵn một chiếc quần lót và một vài miếng băng vệ sinh trong túi để phòng trường hợp bị thấm ra ngoài, cũng như kinh nguyệt có thể xuất hiện bất ngờ. Cẩn thận hơn, cha mẹ có thể chuẩn bị cho còn ít giấy báo để gói đồ dơ. Sau khi thay băng vệ sinh, dạy trẻ đừng vứt xuống bồn cầu vì có thể gây tắc nghẽn. Để sẵn một ít giấy báo trong túi để trẻ gói quần lót dơ hoặc băng vệ sinh đã sử dụng. Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị cho trẻ thêm một chiếc túi thơm để ngăn mùi hôi. Một điểm đáng chú ý khác là việc bạn cần để thêm thuốc giảm đau vào túi của trẻ vì đau bụng kinh có thể khiến trẻ khó chịu.

Quá trình dậy thì của bé gái thực sự sẽ đem tới nhiều ngỡ ngàng cho các con. Chính vì vậy, cha mẹ hãy luôn đồng hành chia sẻ và hướng dẫn các con để các con thực sự hiểu đúng và biết cách chăm sóc chính bản thân mình.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....