Khô âm đạo và những điều cần chú ý

Thứ Năm, 21/09/2023 10:46 PM (GMT+7)

Tình trạng khô âm đạo xảy ra khi âm đạo bị mất độ ẩm thông thường hoặc chất bôi trơn tự nhiên. Điều này khiến cho phái nữ cảm thấy khó chịu và đau. Tình trạng này còn khiến việc quan hệ tình dục trở nên không thoải mái.

1. Vai trò của dịch âm đạo 

Dịch âm đạo là một lớp mỏng ẩm phủ lên thành âm đạo. Độ ẩm này cung cấp một môi trường kiềm để tinh trùng có thể tồn tại và di chuyển. Các dịch tiết âm đạo này cũng bôi trơn thành âm đạo, giảm ma sát trong quá trình quan hệ tình dục. Dịch tiết âm đạo là hoàn toàn tự nhiên. Màu sắc, độ nhớt và số lượng của dịch có thể khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi của bạn và giai đoạn kinh nguyệt của bạn.

Dịch tiết âm đạo giúp giữ cho âm đạo của bạn sạch sẽ và không bị nhiễm trùng. Vi khuẩn khỏe mạnh sống trong âm đạo giúp dịch tiết có tính axit, chống lại vi khuẩn xấu và loại bỏ các tế bào chết. Khi phụ nữ già đi, những thay đổi nồng độ hormone có thể khiến thành âm đạo mỏng đi. Điều này có nghĩa là ít tế bào tiết dịch ẩm hơn, dẫn đến khô âm đạo.

2. Những dấu hiệu và triệu chứng khô âm đạo là gì?

Các triệu chứng phổ biến nhất của âm đạo khô là: 

- Ngứa âm đạo

- Cảm giác nóng trong âm đạo

- Đau khi quan hệ

- Nhiễm trùng tiết niệu dai dẳng hoặc tái phát. Do các mô âm đạo ít co giãn, người bệnh có thể bị xuất huyết nhẹ sau khi vệ sinh hoặc quan hệ.

Thực tế, phụ nữ bị khô âm đạo có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

3. Tác hại của chứng khô âm đạo

Khô âm đạo có thể gây các biến chứng:

- Tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo do nấm hoặc vi khuẩn.

- Gây ra các vết loét hoặc vết nứt trên thành âm đạo.

- Gây đau khi quan hệ tình dục. Việc này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với bạn đời.

- Tăng nguy cơ tiến triển bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.

20220910_am-dao-bi-kho-1

4. Nguyên nhân gây ra khô âm đạo

Tình trạng âm đạo khô có thể do nhiễm trùng hoặc lượng estrogen thấp. Điều này do một số nguyên nhân như mãn kinh, sinh con và cho con bú, hút thuốc, stress kéo dài và trầm cảm, rối loạn hệ thống miễn dịch như hội chứng Sjogren, tập thể thao nặng, một số điều trị ung thư như xạ trị vùng chậu, điều trị nội tiết và hóa trị. Người bị bệnh ung thư tử cung hoặc ung thư buồng trứng cũng có nguy cơ bị bệnh vì đã phẫu thuật loại bỏ buồng trứng.

Khô âm đạo còn có thể xảy ra do dùng thuốc, thụt rửa âm đạo sai cách (rửa bằng dung dịch vệ sinh âm đạo), tình trạng khô da ở bộ phận sinh dục và việc kích thích âm đạo trong lúc quan hệ không đủ hoặc không đúng cách. Đôi khi không rõ nguyên nhân gây bệnh.

5. Cách điều trị khô âm đạo

Có nhiều chất bôi trơn không kê đơn có thể được bôi vào vùng âm đạo để giảm khô và khó chịu. Các chất bôi trơn và kem dưỡng ẩm này cũng có thể thay đổi độ pH của âm đạo, làm giảm khả năng bị nhiễm trùng tiểu.

Phụ nữ nên chọn chất bôi trơn dành riêng cho âm đạo, không được chứa nước hoa, chiết xuất thảo mộc hoặc màu nhân tạo vì có thể gây kích ứng.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc như liệu pháp estrogen dưới dạng viên uống, kem hoặc vòng, có tác dụng giải phóng estrogen. Kem và vòng giải phóng estrogen trực tiếp đến các mô. Thuốc tránh thai có nhiều khả năng được sử dụng hơn khi có các triệu chứng mãn kinh khó chịu khác, chẳng hạn như bốc hỏa.

6. Cách ngăn ngừa khô âm đạo

Hạn chế sử dụng các sản phẩm gây kích ứng, chẳng hạn như thụt rửa âm đạo bằng dung dịch vệ sinh. Tránh dùng bao cao su có chứa nonoyxnol-9 hoặc N-9 vì có chứa chất hóa học có thể gây khô âm đạo. Tuy nhiên, điều quan trọng là không thể ngăn chặn được những thay đổi liên quan đến tuổi tác hoặc sinh sản đối với âm đạo.

Tóm lại, khô âm đạo gây ra cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này nhưng thường gặp nhất là giảm estrogen do mãn kinh. Khô âm đạo hiếm khi nghiêm trọng và có nhiều phương pháp điều trị cũng như có nhiều cách giúp ngăn ngừa nó. Tuy nhiên, nếu tình trạng khô âm đạo không thuyên giảm, hãy đến gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....