Kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Thanh Hóa

Thứ Năm, 23/02/2023 09:00 AM (GMT+7)

Với mục tiêu tăng cường cung cấp thông tin về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) cho người dân, Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3.

Tỷ số giới tính khi sinh phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của tỷ số giới tính khi sinh chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ đích và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa đến sự ổn định dân số của một nước.

Dưới góc nhìn của sự phát triển bền vững, mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước, gây bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội. Bất bình đẳng giới sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề như: Phụ nữ không có được vị thế, người phụ nữ không có được tiếng nói, phụ nữ không phát huy được vai trò của mình trong sự phát triển của xã hội nói chung.

Các nghiên cứu chuyên sâu về Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam được phối hợp giữa Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) từ kết quả của cuộc Tổng điều tra đã chỉ ra rằng với tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111,5 bé trai/100 bé gái (năm 2019) so với mức sinh học tự nhiên 105 bé trai/100 bé gái, số lượng trẻ em gái bị thiếu hụt ở Việt Nam sẽ là khoảng 45,9 nghìn trẻ, tương đương với 6,2% tổng số trẻ em gái được sinh ra.

Thanh Hoá là một trong những tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh khá cao so với mức trung bình trong cả nước. Nhằm khống chế hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, Thanh Hoá đã và đang đề ra những giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần đảm bảo sự ổn định kinh tế - xã hội.

Theo đó, là địa phương đang thực hiện đề án kiểm soát MCBGTKS, Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3. Các hoạt động truyền thông về dân số và phát triển, các quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện chính sách dân số... được Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các trạm y tế tổ chức dưới nhiều hình thức.

Đề án Kiểm soát MCBGTKS triển khai thực hiện luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự đồng tình ủng hộ của người dân; các hoạt động của đề án được triển khai liên tục hàng năm nên đã dần tác động đến nhận thức về lựa chọn giới tính thai nhi của người dân.

Cán bộ dân số tuyên truyền, tư vấn về dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Cán bộ dân số tuyên truyền, tư vấn về dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Bằng các giải pháp đồng bộ, nhất là việc triển khai hiệu quả Đề án Kiểm soát MCBGTKS đã góp phần làm chuyển biến công tác dân số; tác động tích cực đến nhận thức của Nhân dân và các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong việc kiểm soát tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh đạt chỉ tiêu đề ra. Theo số liệu thống kê dân số hàng năm, tỷ số giới tính khi sinh năm 2016 là 115 bé trai/100 bé gái; năm 2017 là 117 bé trai/100 bé gái; năm 2018 là 116 bé trai/100 bé gái, năm 2019 là 115 bé trai/100 bé gái; năm 2020 là 113,5 bé trai/100 bé gái. Đến năm 2022 là 113 bé trai/100 bé gái. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh tại tỉnh Thanh Hóa vẫn còn khá cao so với mức trung bình của cả nước nhưng qua số liệu hàng năm thì tỷ số giới tính khi sinh đã giảm dần cho thấy sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận thức của người dân cũng đã dần nâng lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì tình trạng MCBGTKS tại tỉnh Thanh Hóa vẫn xảy ra, nguyên nhân chính được chỉ ra là do ảnh hưởng của văn hóa phương đông nên tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn còn rất nặng nề. Mặt khác, do chuẩn mực mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con đã tạo áp lực các cặp vợ chồng vừa mong muốn có con ít lại vừa mong muốn có con trai; điều kiện về khoa học - công nghệ, y học ngày càng phát triển tạo thuận lợi cho các cặp vợ chồng lựa chọn giới tính thai nhi trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành dân số còn thiếu, chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo sát sao công tác kiểm soát MCBGTKS do chưa nhận thức đầy đủ về hậu quả, hệ lụy của MCBGTKS, vai trò trách nhiệm trong việc ngăn ngừa, giải quyết vấn đề MCBGTKS...

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng dân số, phấn đấu mục tiêu giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh dưới mức 112 vào năm 2025.

Vũ Phương Bảo Khanh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...