Kiên Giang: Tăng cường vận động các gia đình sinh đủ 2 con

Thứ Năm, 29/12/2022 06:33 PM (GMT+7)

Từ năm 2019 đến nay, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của Kiên Giang luôn duy trì ở ngưỡng trung bình là 1,86 con và hiện là một trong 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp nhất cả nước.

Nếu như trước năm 2000, Kiên Giang là một trong những tỉnh có mức sinh cao, cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo tỷ lệ cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên trên 10%. Từ khoảng năm 2010, Kiên Giang tiệm cận và bước vào thời kỳ mức sinh thay thế. Từ năm 2019 đến nay, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của Kiên Giang luôn duy trì ở ngưỡng trung bình là 1,86 con và hiện là một trong 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp nhất cả nước. Thói quen sinh đẻ của người dân Kiên Giang đã thay đổi tích cực, đa số chọn kế hoạch hóa gia đình khi đã sinh đủ 2 con để tập trung phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu và xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc góp phần xây dựng nông thôn mới.

kien-giang

Những năm gần đây, Kiên Giang tích cực vận động các gia đình sinh đủ hai con. Ảnh minh họa. 

Những năm gần đây, tuổi thọ trung bình của người dân Kiên Giang được tăng lên đáng kể, cao hơn tuổi thọ trung bình của cả nước: năm 2019 đạt 74,5 tuổi (nam 72 tuổi, nữ 77,1 tuổi).

Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ từng bước nâng dần về chất lượng; công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi bước đầu được quan tâm và tăng cường từ tỉnh đến cơ sở. Quyền bình đẳng trong gia đình và xã hội được phát huy, nam giới và nữ giới đều chủ động tham gia thực hiện KHHGĐ, chăm sóc con cái và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

Mở rộng, nâng cao chất lượng Dân số và  dịch vụ KHHGĐ

Bên cạnh mở rộng các hình thức truyền thông về công tác Dân số trong tình hình mới, tỉnh cũng bắt đầu chú trọng mở rộng, ứng dụng kỹ thuật, nâng cao chất lượng cung cấp các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, sàng lọc trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Trung tâm Y tế các địa phương cũng đã bước đầu tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch triển khai các chương trình, đề án hướng tới mục tiêu dân số và phát triển; kế hoạch hóa gia đình, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tầm soát dị tật, bệnh tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Trong đó, chương trình Kế hoạch hóa gia đình tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình an toàn, hiệu quả, thuận lợi với chất lượng ngày càng tốt hơn.

Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được tiếp tục duy trì và phát triển hiệu quả. Đề án mở rộng sàng lọc trước sinh và sau sinh đang triển khai tại các cơ sở y tế công lập, qua đó cung cấp kịp thời các thông tin về sàng lọc trước và sau sinh nhằm hạn chế tỷ lệ trẻ em sinh ra bị mắc các bệnh, dị tật bẩm sinh…

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Tỉnh Ủy Kiên Giang, Chương trình hành động của Chính phủ, các kế hoạch, chương trình hành động của UBND tỉnh với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cùng với sự tham gia của các ngành liên quan, sự hưởng ứng của người dân, công tác Dân số và phát triển dần đi vào cuộc sống và đạt được một số kết quả bước đầu. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có chuyển biến tích cực. Tỉnh vẫn duy trì khá tốt mức sinh thay thế, chất lượng dân số từng bước được cải thiện. Quy mô gia đình 2 con trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong đời sống xã hội, nhiều gia đình ý thức được tầm quan trọng của việc sinh đủ 2 con sẽ góp phần duy trì mức sinh thay thế. Nhận thức và trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân số và phát triển đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình, đối với chất lượng nòi giống giúp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...