Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì

Thứ Sáu, 02/12/2022 11:58 AM (GMT+7)

Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì là hiện tượng phổ biến mà hầu như bé gái nào cũng gặp phải sau khi trẻ hành kinh lần đầu. Tuy có vẻ bất thường nhưng sự thật lại không có gì đáng lo.

Dấu hiệu kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì 

Hầu hết các bé gái sẽ có kinh lần đầu trong độ tuổi từ 10 đến 15. Một số trẻ có thể có kinh muộn hơn hoặc sớm hơn tùy thuộc vào chế độ ăn uống và sự phát triển của mỗi bé. Về chu kỳ kinh nguyệt, số ngày sẽ được tính từ ngày bắt đầu có kinh của kỳ kinh này đến ngày có kinh lại của kỳ kinh ngay sau đó. Thông thường, một chu kỳ kinh nguyệt trung bình sẽ là 28 ngày. Tuy nhiên, độ dài chu kỳ có thể thay đổi và khác nhau giữa mỗi bạn gái. Đối với trẻ mới dậy thì, hiện tượng kinh nguyệt không đều trong năm đầu tiên có kinh là rất phổ biến. Tình trạng này được thể hiện qua những dấu hiệu điển hình sau đây:

- Chu kỳ kinh nguyệt của trẻ dưới 21 ngày hoặc trên 45 ngày

- Thời gian có kinh trong mỗi chu kỳ thường thay đổi, chẳng hạn như tháng trước chu kỳ của trẻ là 24 ngày nhưng tháng này chu kỳ lại kéo dài đến 45 ngày

- Nhu cầu thay băng vệ sinh nhiều lần, bao gồm cả vào ban đêm

- Thời gian hành kinh của trẻ có thể kéo dài hơn 7 ngày.

- Đôi khi, trẻ có thể xuất huyết âm đạo giữa các kỳ kinh.

Bên cạnh tình trạng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì, trẻ còn có thể trải qua một số vấn đề khác liên quan đến chu kỳ như: 

- Vô kinh: Không có kinh nguyệt nhiều tháng

- Kinh thưa: Hành kinh không đều đặn, mỗi chu kỳ thường có độ dài trên 35 ngày hoặc ít hơn 9 chu kỳ kinh nguyệt trong một năm

- Rong kinh: Thời gian hành kinh kéo dài hơn 7 ngày hoặc lượng máu của chu kỳ kinh nguyệt nhiều hơn 80 ml.

- Đau bụng kinh: Trẻ cảm thấy đau đớn khi đến ngày đèn đỏ.

Nguyên nhân gây kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì

Trẻ dậy thì có kinh không đều là tình trạng phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu được tại sao kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì. Sự thật là rối loạn kinh nguyệt ở tuổi vị thành niên có mối liên hệ với tình trạng chảy máu tử cung do rối loạn chức năng (Dysfunction uterine bleeding – DUB). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là do buồng trứng không phóng thích trứng. Từ đó khiến kinh nguyệt của phái nữ đến muộn hơn hoặc sớm hơn và có thể ra nhiều máu hơn bình thường.

Đối với các bé gái bước vào tuổi dậy thì, sau lần hành kinh đầu tiên thì buồng trứng vẫn chưa phát triển đầy đủ, cơ thể đang mất cân bằng hormone nên không giải phóng trứng đều đặn. Điều này khiến chu kỳ kinh nguyệt của trẻ thường bị rối loạn và lượng máu kinh cũng không ổn định. Tuy nhiên, đây là một hiện tượng sinh lý bình thường nên không cần quá lo lắng. Ngoài ra, kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì còn có thể là do những nguyên nhân khác, chẳng hạn như:

- Trẻ bị rối loạn ăn uống dẫn đến sụt cân hoặc tăng cân bất thường

- Trẻ tham gia các cuộc thi thể thao và luyện tập với cường độ mạnh

- Trẻ mắc bệnh mãn tính

- Trẻ sử dụng chất kích thích

- Trẻ mắc bệnh phụ khoa, chẳng hạn như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc âm đạo có dị tật.

Ngoài việc tìm hiểu tại sao kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì, nhiều phụ huynh lẫn các bé cũng quan tâm đến vấn đề làm sao để nhận biết cơ thể sắp có kinh. Bởi vì kinh nguyệt rối loạn khiến trẻ khó dự đoán được ngày hành kinh của kỳ kinh sau. Điều này có thể gây một số bất tiện khi đi học, đi chơi, tập thể dục, bơi lội, tham gia hoạt động ngoại khóa… Do đó, cách duy nhất để hạn chế một số rắc rối là trẻ cần chú ý đến các dấu hiệu sắp có kinh và luôn chuẩn bị băng vệ sinh trong ba lô khi phải ra ngoài. Các dấu hiệu cho thấy trẻ sắp có kinh cần chú ý, bao gồm:

- Ngực sưng, đau

- Nổi mụn

- Đau đầu

- Chuột rút

- Đau lưng ê ẩm

- Rối loạn giấc ngủ

- Đầy hơi, đôi khi đi ngoài phân lỏng

- Tâm trạng thất thường, có thể không dễ chịu.

kinh-nguyet-khong-deu-o-tuoi-day-thi-co-nguy-hiem-khong (3)

Dấu hiệu cần phải đi khám

Khi trẻ lớn hơn và buồng trứng phát triển hoàn thiện thì chu kỳ kinh nguyệt sẽ tự đi vào “quỹ đạo” và trở nên đều đặn. Tuy nhiên, một số trường hợp kinh nguyệt của trẻ dậy thì có vấn đề bất thường thì bạn cũng không nên chủ quan. Thay vào đó, bạn nên cho trẻ đi khám nếu phát hiện:

- Trẻ đã có kinh lần đầu nhưng sau đó ngừng kinh trong thời gian dài

- Trẻ hành kinh kéo dài hơn 7 ngày, kèm theo chảy máu nặng, thay băng vệ sinh liên tục

- Trẻ có kinh thường xuyên, đồng nghĩa với việc chu kỳ của trẻ thường ngắn hơn 21 ngày

- Chu kỳ kinh nguyệt của trẻ quá dài, thường hơn 45 ngày

- Trẻ bị chuột rút, đau bụng dữ dội mỗi khi hành kinh

- Trẻ bị chảy máu bất thường giữa các kỳ kinh

- Trẻ đã có kinh 3 năm trở lên nhưng chu kỳ kinh nguyệt vẫn không đều.

Đối với những trường hợp kể trên, bác sĩ có thể kê toa thuốc nội tiết tố, bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu hoặc kê đơn các thuốc đặc trị khác. Mặc dù kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì không đáng lo nhưng nếu phải đi khám, trẻ cần tuân theo những lời khuyên của bác sĩ về việc thay đổi lối sống để giúp chu kỳ kinh nguyệt trở nên đều đặn.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....