Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì: Nguyên nhân và cách khắc phục

Chủ Nhật, 25/12/2022 11:48 PM (GMT+7)

Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì là tình trạng rất thường gặp ở trẻ. Rất nhiều người quan niệm rằng kinh nguyệt sẽ xuất hiện vào một ngày cụ thể mỗi tháng nhưng thực tế, điều này không phải đúng với tất cả mọi người.

1. Kinh nguyệt bắt đầu xuất hiện từ độ tuổi nào?

Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý tự nhiên có tính chất chu kỳ của người phụ nữ. Hiện tượng này bắt đầu xuất hiện khi bé gái bước vào tuổi dậy thì và kéo dài đến khi phụ nữ mãn kinh hoàn toàn. Trong suốt thời kỳ sinh sản, chu kỳ kinh nguyệt không ổn định mà có sự thay đổi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đặc biệt, bé gái khi bước vào tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt sẽ có biến đổi rất lớn.

Phần lớn bé gái xuất hiện kinh nguyệt lần đầu trong độ tuổi từ 10 đến 15 (tuổi dậy thì). Tuy nhiên, kinh nguyệt đến sớm hay muộn còn phụ thuộc vào sự phát triển của cơ thể. Nếu sau 16 tuổi mà bé gái vẫn chưa có kinh, phụ huynh nên đưa bé đi khám để tìm hiểu nguyên nhân.

dinh-nghia-ve-kinh-nguyet-khong-deu-e1605695320500

Cách tính chu kỳ kinh nguyệt

Theo các chuyên gia, một chu kỳ kinh được tính từ ngày đầu tiên có kinh cho đến ngày có kinh của lần tiếp theo. Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài từ 28-32 ngày. Để biết chu kỳ của trẻ, bạn hãy yêu cầu trẻ đếm số ngày kể từ ngày đầu tiên trẻ có kinh cho đến ngày đầu tiên trẻ có kinh vào tháng sau. Số ngày mà trẻ đếm được chính là chu kỳ kỳ kinh của trẻ.

2. Các nguyên nhân có thể khiến kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì

Nội tiết tố nữ chưa ổn định

Ở độ tuổi 15, cơ thể trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển mạnh. Lúc này, cơ quan sinh dục, đặc biệt là buồng trứng chưa phát triển toàn diện, dẫn theo sự thay đổi về nội tiết tố nữ. Trứng không được phóng noãn hoặc rụng khiến chu kỳ của bé gái hoạt động thất thường.

Yếu tố tâm lý

Tuổi dậy thì là giai đoạn trẻ có rất nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý. Hơn nữa đây là giai đoạn trẻ chịu nhiều áp lực từ việc học hành, bài vở, thi cử… Sự không ổn định này thường dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Thậm chí nhiều bạn gái không có kinh nguyệt trong một thời gian do ảnh hưởng tâm lý quá lớn.

Bên cạnh đó, một vài bạn gái khi có kinh nguyệt lần đầu sẽ cảm thấy lo lắng bất an, nhất là những bạn gái chưa được chuẩn bị tâm lý để đón nhận giai đoạn thay đổi này của cơ thể. Tuy nhiên, đến khoảng 16 tuổi, những bạn nữ sẽ quen dần với việc chảy máu âm đạo hàng tháng và sẽ cảm thấy lo lắng nếu như kinh nguyệt không đều ở tuổi 16.

20220124_090817_304554_tre-kinh-2-thang-o-.max-1800x1800

Thói quen ăn uống

Giai đoạn dậy thì là giai đoạn cơ thể phát triển mạnh mẽ nhất, chính vì thế những rối loạn trong ăn uống như biếng ăn, chán ăn, ăn rất ít… sẽ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, dẫn tới tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng, cơ thể suy nhược… Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cơ quan trong cơ thể và gây chu kỳ kinh nguyệt không ổn định. Bên cạnh đó, bé gái bị thừa cân, béo phì cũng làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.

Vận động quá sức

Các động tác thể dục, thể thao có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của trẻ vị thành niên. Nếu trẻ tập luyện quá sức có thể khiến cho thời gian hành kinh giảm xuống, thậm chí là không có kinh trong nhiều tháng. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng, bởi khi điều chỉnh cường độ tập kết hợp với ăn uống đầy đủ thì kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường.

Bệnh phụ khoa

Kinh nguyệt không đều ở trẻ vị thành niên cũng có thể do mắc một số bệnh phụ khoa như viêm nhiễm âm đạo. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng bế kinh, rong kinh, chậm kinh… ở tuổi mới lớn.

Buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang là rối loạn khiến buồng trứng không thể tiết hormone nội tiết như bình thường do sự cản trở của các nang trong buồng trứng. Mặc dù rất ít gặp ở tuổi dậy thì nhưng đây cũng là nguyên nhân khiến kinh nguyệt không đều ở bé gái.

Các triệu chứng khác của đa nang buồng trứng bao gồm tăng cân, da nhờn hoặc mụn trứng cá, trầm cảm hoặc thay đổi tâm trạng. Nếu có thêm những triệu chứng khác ngoài kinh nguyệt không đều, thì phụ huynh cần cho bé khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính xác.

3. Khắc phục hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì

- Tham gia các hoạt động tập thể giúp trẻ thư giãn, tinh thần thoải mái. Rèn luyện thể chất sẽ giúp tăng cường lưu thông máu, nâng cao hệ miễn dịch và sức đề kháng. Từ đó, giúp cân bằng nội tiết tố cho cơ thể.

- Làm việc lao lực, căng thẳng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chu kỳ kinh nguyệt. Các bậc cha mẹ nên khuyến khích trẻ tăng cường nghỉ ngơi, thư giãn bằng các hoạt động giải trí nhẹ nhàng.

- Tránh thức khuya gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, khiến kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì. Điều này sẽ tác động xấu tới chu kỳ trứng rụng trứng, làm cho cơ thể thiếu sức sống. Ở độ tuổi dậy thì, tốt nhất là các bạn gái nên ngủ đủ 7 tiếng mỗi ngày. Để đảm bảo trạng thái cân bằng tốt nhất cho cơ thể, ngủ sớm và ngủ sâu giấc là điều kiện cần thiết để đảm bảo chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều đặn.

Kinh-nguyệt-không-đều-ở-tuổi-16

- Bổ sung vào bữa ăn của trẻ các loại thực phẩm giàu vitamin B như: cá, thịt bò, trứng, sữa, phô mai…. Đồng thời, cho trẻ ăn nhiều các loại rau và hoa quả, đặc biệt là các loại rau quả có màu đỏ đậm như: cà rốt, cà chua… Giảm thiểu các loại đồ ăn nhiều chất béo, đồ chiên rán, đồ nóng và các loại đồ uống có cồn hay chất kích thích.

- Bổ sung sắt: Các bậc phụ huynh nên cho trẻ bổ sung viên thuốc sắt trước và sau thời kỳ kinh nguyệt để phòng bệnh đau bụng kinh, hoặc các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra với trẻ. Bên cạnh việc bổ sung sắt, bạn nên cho trẻ sử dụng theo dạng chế phẩm có chứa sắt, dầu mè đen, vitamin B12 và vitamin E kết hợp với axit folic.

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....