Lí giải nguyên nhân khiến nam giới khó có con

Chủ Nhật, 24/07/2022 12:47 PM (GMT+7)

Không phải trong mọi trường hợp vô sinh, hiếm muộn thì nguyên nhân đều từ phụ nữ. Rất nhiều vấn đề khiến nam giới khó có con nhưng chưa được các quý ông quan tâm đầy đủ.

Cứ 10 cặp vợ chồng lại có 1 cặp gặp khó khăn trong việc có con. Trong đó hiếm muộn nam được chẩn đoán là nguyên nhân chính trong khoảng 25% trường hợp và là nguyên nhân phụ trong 15-25% trường hợp còn lại. Ở nam giới, vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng sinh sản là sản xuất đủ tinh trùng với hình dạng bình thường và có khả năng di động. Dưới đây là một số vấn đề thường gặp mà nam giới phải biết để phòng tránh kịp thời:

Nếu tìm được nguyên nhân khó có con và có biện pháp điều trị kịp thời, nam giới vẫn có thể làm bố bình thường.

Tinh hoàn ẩn

Khi bé trai phát triển trong tử cung người mẹ, tinh hoàn được hình thành ở ổ bụng và di chuyển xuống bìu một thời gian ngắn trước khi sinh. Thông thường, tinh hoàn sẽ di chuyển xuống bìu vào tháng sáu của thai kỳ. Khi việc di chuyển này không xảy ra, bé trai sinh ra sẽ có tinh hoàn ẩn.

Theo đó, nếu trẻ được phát hiện điều trị sớm có thể giúp tinh hoàn trở về vị trí bình thường, tuy nhiên nếu phát hiện muộn hoặc một số trường hợp phẫu thuật nhưng không tìm thấy tinh hoàn thì sẽ khiến nam giới khó có con. Tinh hoàn ẩn gây ra tình trạng giảm sản xuất tinh trùng nếu ẩn một bên hoặc không sản xuất tinh trùng trong trường hợp ẩn cả hai bên.

Tắc nghẽn ống dẫn tinh

Tình trạng tắc nghẽn đường dẫn tinh trùng có thể xảy ra ở nhiều vị trí như ống dẫn tinh, mào tinh hoặc có thể ở niệu đạo. Nguyên nhân là do một số bệnh có thể di truyền, nhiễm trùng, phẫu thuật, hay chấn thương...

Ung thư tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn đôi khi được phát hiện khi cặp vợ chồng đến khám hiếm muộn. Một khối u ác tính phát triển trong tinh hoàn có thể phá hủy mô tinh hoàn. Nếu không được phát hiện sớm, ung thư cũng có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng tĩnh mạch xung quanh tinh hoàn bị giãn do máu không lưu thông bình thường ra khỏi tinh hoàn được. Máu ứ lại làm tăng nhiệt độ ở tinh hoàn, có thể gây cản trở việc sản xuất tinh trùng.

Phẫu thuật hay chấn thương

Chấn thương tinh hoàn nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh trùng và dẫn đến vô sinh. Chấn thương do chơi thể thao hoặc tai nạn có thể làm máu không lưu thông đến tinh hoàn. Ngoài ra, phẫu thuật chữa trị tinh hoàn ẩn hoặc thoát vị có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh trùng của nam giới.

Bất thường mào tinh và đường dẫn tinh trùng

Ở một số ít nam giới, tinh dịch xuất vào âm đạo trong khi giao hợp không chứa tinh trùng. Điều này có thể là do tắc nghẽn hoặc dị tật mào tinh và đường dẫn tinh trùng, ngăn cản tinh trùng kết hợp với dịch lỏng tạo thành tinh dịch.

Rối loạn hệ thống nội tiết

Rối loạn nội tiết có thể theo trục dưới đồi, tuyến yên, tuyến giáp hay tuyến thượng thận bị suy giảm ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của nam giới.

Căng thẳng, mệt mỏi hoặc uống rượu

Làm việc quá sức, lo lắng và sử dụng thức uống có cồn ảnh hưởng tiêu cực đến ham muốn tình dục. Cho đến gần đây, hầu hết các trường hợp bất lực được cho là do yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, hiện nay liệu pháp điều trị tâm lý đã được áp dụng và thành công rộng rãi.

Môi trường làm việc không thuận lợi

Làm việc trong môi trường nhiễm hóa chất độc hại, thường xuyên tiếp xúc với tia bức xạ, nhiệt độ môi trường cao cũng làm ảnh hưởng tới khả năng sản xuất tinh trùng....

Biến chứng của bệnh quai bị

Mắc bệnh quai bị sau tuổi dậy thì có thể gây hại cho các tế bào sản xuất tinh trùng trong tinh hoàn. Trong hầu hết trường hợp, chỉ một tinh hoàn bị ảnh hưởng. Một số trường hợp khác, người bệnh có thể vô sinh vĩnh viễn.

Tiểu đường

Tiểu đường đã được chứng minh có ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.

Nếu các cặp vợ chồng đã quan hệ và không dùng bất kỳ các biện pháp tránh thai nào nhưng một thời gian dài 6 tháng (đối với người trên 35 tuổi) đến 1 năm (đối với người dưới 35 tuổi) thì bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ khám và tư vấn kịp thời. Rất nhiều trường hợp can thiệp sớm và có phác đồ điều trị phù hợp vẫn có thể có con bình thường. 

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....