Lịch khám thai chính xác nhất cho bà bầu

Thứ Tư, 30/12/2020 09:34 AM (GMT+7)

Trong quá trình mang thai, có những mốc thời gian mẹ phải đi khám định kỳ để theo dõi sự phát triển của em bé cũng như làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh.

Khám thai định kỳ luôn là việc làm quan trọng mà các bà bầu cần nắm rõ trong suốt giai đoạn thai kỳ. Theo Quy định của Bộ Y tế, khi mang thai bà bầu cần khám thai ít nhất 7-8 lần, với 3 lần khám vào 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Nắm rõ lịch khám thai sẽ giúp các bà bầu mang thai lần đầu không còn bỡ ngỡ khi chăm sóc cơ thể.

1. Lần khám thai đầu tiên

Phát hiện thấy có dấu hiệu trễ kinh 1-2 tuần, dùng que thử thai lên 2 vạch nữ giới nên đi khám thai để kiểm tra khả năng mang thai là chính xác hay không. Đồng thời xác định tuổi thai, thai đã có tim thai hay chưa.

Từ tuần thứ 7, hoặc tuần 9-10 mới bắt đầu có tim thai. Nếu thời điểm khám chưa nhận thấy tim thai, các bà bầu có thể khám thai 2-3 tuần tiếp theo để kiểm tra tim thai của thai nhi.

2. Khám thai lần 2

Thời điểm đi khám lần 2 ở giữa tuần thứ 7 và 8 hoặc tuần thứ 11 và 12. Bác sĩ sản khoa sẽ tính thời điểm thụ thai chính xác, theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như đưa ra dự đoán ngày sinh. Lúc này kết quả siêu âm sẽ xác định được tim thai, kích thước túi ối, chiều dài phôi… cũng như khám lâm sàng cho mẹ, đảm bảo cân nặng, mức huyết áp, tình trạng nghén không ảnh hưởng quá nhiều đến người mẹ.

3. Khám thai lần 3

Từ lần khám thứ 2, bà bầu cần phải tiếp tục khám thai lần 3 ở tuần thứ 12 và 13.

Đây là một trong những mốc khám thai quan trọng để có thể đảm bảo sự phát triển của thai nhi là ổn định hay có vấn đề, có dị tật hay không thông qua độ mờ da gáy. Giải pháp xác định là đi siêu âm 3D hoặc 4D để kiểm tra sự phát triển của thai nhi có ổn định hay không, nhận biết sớm nguy cơ bị Down hoặc áp dụng xét nghiệm Double Test để tính toán khả năng mắc hội chứng Down ở giai đoạn sớm.

4. Khám thai lần 4

Lần khám thai lần 4 sẽ được thực hiện ở tuần thứ 14 – thứ 17 hoặc ở tuần 21-22 để quan sát sự phát triển ổn định của thai nhi qua hình thức siêu âm hình thể, siêu âm 3D, 4D… cũng như thực hiện xét nghiệm Triple Test để xác định nguy cơ bị Down ở thai nhi chính xác hơn.

Thời điểm này nằm trong khoảng 3 tháng giữa thai kỳ, phù hợp để thực hiện các phẫu thuật sản phụ khoa mà không ảnh hưởng đến thai nhi như khâu vòng cổ tử cung nếu bị hở eo tử cuung, bóc, cắt khối u buồng trứng nếu có… giúp khả năng sinh nở an toàn hơn.

5. Khám thai lần 5

Đây là thời điểm khám thai quan trọng nhất mà các bà bầu không thể bỏ qua. Thường được thực hiện ở tuần 25 hoặc 26. Lúc này kết quả siêu âm sẽ đưa ra các kết quả liệu thai nhi có các dị tật bất thường, sứt môi, dị dạng các quan trong cơ thể, đặc biệt là bất thường về tim và hệ xương hay không để có thể đưa ra giải pháp can thiệp kịp thời.

Thời điểm này thai phụ cũng được bác sĩ tư vấn để thực hiện các xét nghiệm: máu, nước tiểu, kiểm tra nguy cơ nhiễm HIV, yếu tố Rh, lượng đạm trong nước tiểu…

Nếu chưa có kháng thể uốn ván, bà bầu cũng sẽ được yêu cầu tiêm phòng 2 mũi uốn ván, mỗi mũi cách nhau ít nhất 1 tháng tại thời điểm này hoặc trước khi sinh ít nhất 15 ngày, để đảm bảo thai nhi cũng có đủ kháng thể ngăn ngừa uốn ván. Trường hợp thai phụ đã tiêm phòng uốn ván trong vòng 5 năm gần đây thì không cần tiêm thêm. Lưu ý không được tự ý đi tiêm phòng uốn ván khi mang thai mà cần xin lời khuyên từ bác sĩ trước khi thực hiện.

6. Khám thai lần 6

Thời điểm khám thai lần 6 sẽ được thực hiện ở tuầ 31-32 của thai kỳ. Lúc này các bác sĩ đã có thể kiểm tra ngôi thai, sự tương xứng giữa cân nặng thai nhi và khung chậu của người mẹ, đưa ra chuẩn đoán liệu mẹ bầu nên sanh thường hay sanh mổ, sanh dễ hay khó…

7. Khám thai lần 7

Được thực hiện ở tuần thứ 35 hoặc 36, bà bầu sẽ được siêu âm màu 4 chiều để quan sát thai nhi dễ dàng hơn cũng như xác định lần cuối các dị tật có thể diễn ra. Lần khám thai này các bác sĩ cũng có thể theo dõi doppler động mạch rốn, động mạch não, động mạch cổ tử cung… để tiên lượng độ phát triển của thai, đồng thời đưa ra tư vấn nên áp dụng phương pháp sinh nở nào cho phù hợp.

8. Khám thai lần 8

Nếu ở lần khám thai trước chưa đủ điều kiện để kiểm tra trọng lượng thai nhi, dự đoán cân nặng khi sinh, mức nước ối… thì bà bầu sẽ tiếp tục đi khám thai ở lần thứ 8 để thực hiện các kiểm tra này.

Từ giai đoạn này, các bà bầu cũng nên đi khám thai thường xuyên mỗi tuần 1 lần hoặc khám thai khi có các vấn đề đau bụng, ra máu… để theo dõi tim thai, cử động của thai nhi đảm bảo là ổn định, xem tình trạng cổ tử cung đã mở ở mức độ nào.

Trên đây là lịch khám thai 7-8 lần trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai. Từ thời điểm khám thai lần đầu tiên, các mẹ bầu sẽ được bác sĩ đặt ngày hẹn khám cho những lần tiếp theo trong sổ khám thai, do vậy thời điểm khám thai ở mỗi bà bầu có thể sẽ không tương đồng như nhau.

 

Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp các mẹ bầu có được một lịch khám thai hoàn hảo nhất. Lưu ý hãy chọn bệnh viện và bác sĩ sản khoa uy tín để được khám và tư vấn chăm sóc sản khoa phù hợp.

Vương Chu

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...