Lưu ý khi chăm sóc phụ nữ mang thai phải cách ly y tế

Thứ Hai, 01/06/2020 03:42 PM (GMT+7)

Bác sĩ Đinh Anh Tuấn - Vụ phó Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), hướng dẫn cách chăm sóc phụ nữ có thai đang trong thời gian cách ly.

cah=ly-covid

Mới đây, tỉnh Quảng Nam tiếp nhận cách ly 343 công dân Việt Nam từ Đài Loan về nước, trong đó có 243 phụ nữ có thai. Trong điều kiện cách ly, các dịch vụ chăm sóc trước sinh sẽ bị gián đoạn. Bác sĩ Đinh Anh Tuấn - Vụ phó Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), hướng dẫn cách chăm sóc phụ nữ có thai đang trong thời gian cách ly.

Vệ sinh phòng dịch

Virus SARS-CoV-2 lây từ người sang người qua tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc với đồ vật dính giọt bắn đường hô hấp của người nhiễm. Do vậy, trong thời gian cách ly, đặc biệt là khi cách ly tại nơi tập trung hoặc ở cơ sở y tế, nên bố trí phụ nữ mang thai được ở phòng riêng.

Nếu phòng có nhiều người, cần bố trí các giường cách nhau tối thiểu 2 m, có chỗ treo quần áo, tư trang riêng của mỗi người, có rèm hoặc vách ngăn để thai phụ có không gian riêng tư. Tuy nhiên, họ phải dễ dàng tìm kiếm sự hỗ trợ của những người xung quanh trong trường hợp cần thiết.

Phòng ở của thai phụ cần đảm bảo thoáng khí và có nhiều ánh sáng. Ánh sáng vừa có tác dụng diệt khuẩn vừa giúp cho cơ thể tự tổng hợp vitamin D. Nếu không thể mở cửa (lý do như thời tiết chẳng hạn), nên dùng quạt thông gió để thông khí.

Nền, tường nhà cần được lau hàng ngày bằng dung dịch nước lau sàn có chứa xà phòng. Những đồ vật nhiều người tiếp xúc như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, công tắc điện, điều khiển tivi, điện thoại bàn, vòi nước... cần được khử trùng tối thiểu 2 lần/ngày bằng các dung dịch cồn y tế 70%.

Thai phụ nên tránh tiếp xúc trực tiếp với các hoá chất khử khuẩn có chứa clo hoạt tính vì có có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Thiết bị vệ sinh cần được cọ rửa hàng ngày bằng xà phòng hoặc chất tẩy, xả kỹ bằng nước sạch. Trong trường hợp không có khu vệ sinh riêng, cần làm sạch bằng xà phòng, khử trùng thiết bị vệ sinh bằng dung dịch cồn y tế trước và sau khi sử dụng.

Chế độ dinh dưỡng

Phụ nữ mang thai tại nơi cách ly cần có một chế độ ăn riêng, đảm bảo cân đối các chất dinh dưỡng cần thiết, phù hợp cho mỗi giai đoạn phát triển của thai. Trong đó, đặc biệt chú ý tới các khoáng chất, vi chất cần thiết như canxi, sắt, axit folic (vitamin B9), vitamin C...

Đặc biệt, do phải hạn chế ra ngoài, thai phụ đang cách ly cần được bổ sung thêm vitamin D - loại viamin cần thiết cho sự hình thành hệ xương của thai nhi.

Chăm sóc tinh thầnTrong điều kiện cách ly, nhất là cách ly xa gia đình, phụ nữ mang thai rất dễ bị tổn thương về tâm lý, ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, chăm sóc tinh thần đối với họ trong hoàn cảnh này là rất quan trọng.

Nhân viên y tế, đội ngũ cán bộ, nhân viên tại các cơ sở cách ly, đặc biệt là gia đình cần quan tâm đặc biệt đến thai phụ, thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ, phát hiện các dấu hiệu bất thường về tâm lý và thông báo cho các cơ sở y tế để có những xử trí hoặc trị liệu phù hợp.

Đặc biệt, các cơ sở cách ly cần giúp thai phụ giữ mối liên hệ với gia đình, người thân, điều đó rất quan trọng.

Dấu hiệu nguy hiểm trong thời gian cách ly

Khám thai định kỳ có thể bị gián đoạn trong thời gian cách ly. Do vậy, thai phụ và gia đình cần tự theo dõi để phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ và thai nhi để kịp thời báo cho nhân viên y tế. Dưới đây là một số dấu hiệu nguy hiểm có thể xảy ra trong thai kỳ:

Đau bụng: Nếu đau bụng dưới trong những tuần đầu sau khi mất kinh, đau âm ỉ tăng dần, có thể kèm theo ra máu âm đạo, có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung. Nếu đau dữ dội, vã mồ hôi, có thể là thai ngoài tử cung doạ vỡ hoặc đã vỡ. Đây là một cấp cứu sản khoa, đe doạ đến tính mạng và cần được phẫu thuật kịp thời.

Đau bụng cũng có thể là dấu hiệu của doạ sẩy thai, sẩy thai hoặc đẻ non. Nếu bất cứ lúc nào trong thai kỳ, bạn thấy đau bụng từng cơn, tăng dần (có kèm theo ra máu, ra nước âm đạo hoặc không), cần báo ngay cho nhân viên y tế.

Ra máu, ra nước: Ra máu, ra nước âm đạo (có thể kèm theo đau bụng hoặc không) trong thời gian mang thai có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý như thai ngoài dạ con, chửa trứng, thai lưu hoặc sẩy thai, rau tiền đạo, rau bong non, rỉ ối... Mỗi một bệnh lý sẽ có những tính chất ra máu, ra nước và các triệu chứng kèm theo khác nhau và cần phải được thăm khám chuyên khoa mới xác định được.

Đau đầu, nhìn mờ: Đau đầu, nhìn mờ, nhiều khi buồn nôn, nôn kèm theo có thể là dấu hiệu của tăng huyết áp thai kỳ hoặc tình trạng bệnh lý tiền sản giật, nặng hơn có thể là sản giật (co giật toàn thân).

Đây là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ và thai nhi. Do vậy, nếu thấy có đau đầu, nhìn mờ, thai phụ cần được đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và thăm khám kịp thời.

Lưu ý với phụ nữ ở 3 tháng cuối thai k

Việc khám thai trong 3 tháng cuối rất quan trọng, vì vậy thai phụ cần nói với nhân viên y tế phụ trách việc cách ly liên hệ giúp với cơ sở chăm sóc sản khoa để đặt lịch thăm khám phù hợp.

Tuỳ theo từng điều kiện cách ly và tình trạng, việc thăm khám có thể thực hiện tại nơi cách ly hoặc tại cơ sở y tế. Tuy nhiên, thực hiện ở đâu cũng cần tuân thủ đầy đủ các quy định về vận chuyển người nghi nhiễm SARS-CoV-2 và áp dụng các biện pháp phòng hộ cần thiết.

Ngoài việc tự phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm đã nêu trên, phụ nữ có thai 3 tháng cuối cần tự theo dõi dấu hiệu cử động thai (thai máy, thai đạp).

Thai máy xuất hiện vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, cảm giác như “tôm búng” trong buồng tử cung. Thai đạp thường xuất hiện từ tháng thứ 7.

Nếu thai đạp nhiều hơn mọi ngày, có thể do người mẹ mệt mỏi, thiếu oxy. Nhiều khi thai “ngủ quên” không đạp khiến bà mẹ lo lắng. Bạn cần liên hệ với nhân viên y tế để kiểm tra nếu theo dõi liền trong 6h không thấy thai cử động.

Phụ nữ ở 3 tháng cuối thai kỳ cũng cần theo dõi để tự phát hiện dấu hiệu chuyển dạ. Nếu có dấu hiệu đau bụng từng cơn tăng dần, kèm theo có ra dịch hồng, ra nước hoặc chất nhầy (như nhựa chuối), có thể bạn đã chuyển dạ. Khi đó cần liên hệ ngay với nhân viên y tế để được hỗ trợ kịp thời.

Gần đến ngày sinh, thai phụ đang trong thời gian cách ly nên được chuyển đến cơ sở sản khoa có đủ năng lực xử trí chuyển dạ cho sản phụ nghi mắc Covid-19 để theo dõi và chuẩn bị cho ca sinh.

Lúc này, các nhân viên y tế tham gia xử trí ca sinh cũng sẽ phải cách ly cùng với bà mẹ và sơ sinh nghi nhiễm cho đến khi khẳng định không bị nhiễm SARS-CoV-2. Cơ sở y tế cần chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực và trang thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế trong ca sinh cũng như chăm sóc bà mẹ, bé sơ sinh.

Tóm lại, cách ly y tế bắt buộc là một giải pháp cần thiết, áp dụng với tất cả đối tượng nghi nhiễm SARS-CoV-2 để đề phòng lây lan ra cộng đồng. Thai phụ đang trong thời gian cách ly cần được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt.

Bản thân mỗi thai phụ khi phải thực hiện cách ly cũng cần tự tìm hiểu các biện pháp bảo vệ sức khoẻ cho mình và cho thai nhi.

Trần Thu Minh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...