Mê Linh: Tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba trên địa bàn huyện đều giảm

Thứ Ba, 27/12/2022 03:41 PM (GMT+7)

Trong năm 2022, tổng số trẻ được sinh ra trên toàn huyện là 3.522 trẻ, tỷ suất sinh đạt 14,49%, (giảm 1,75% so với năm 2021 và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra); tỷ lệ sinh ra là con thứ 3 là 7,0% (giảm 0,1% so với cùng kỳ, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra).

Sáng ngày 26/12/2022, Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe, dân số, phòng chống dịch bệnh, tai nạn thương tích huyện Mê Linh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) năm 2022; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam 26/12. 

me-linh

Dự Hội nghị còn có các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe, dân số phòng chống dịch bệnh, tai nạn thương tích của Huyện; các đồng chí lãnh đạo các khoa, phòng và cán bộ Kế hoạch hóa gia đình thuộc Trung tâm Y tế Huyện; Trưởng Ban chỉ đạo, Phó trưởng Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe, dân số, phòng chống dịch bệnh, tai nạn thương tích các xã, thị trấn; các tập thể, cá nhân tiêu biểu được UBND Huyện khen thưởng.

Năm 2022, công tác Dân số - KHHGĐ luôn được Cấp ủy, Chính quyền từ Huyện đến cơ sở quan tâm thực hiện có hiệu quả. Đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số của Huyện và các xã, thị trấn thường xuyên được kiện toàn, bổ sung, hoạt động tích cực, hiệu quả. Công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia thực hiện chính sách Dân số -KHHGĐ được cả hệ thống chính trị, các ngành, địa phương quan tâm, thực hiện.

Toàn huyện Mê Linh hiện có 348 cán bộ làm công tác dân số, trong đó: Làm việc tại Trung tâm 06 viên chức; 18 cán bộ chuyên trách phụ trách các xã, thị trấn và 325 cộng tác viên phụ trách tại các khu dân cư. Trong năm 2022, tổng số trẻ được sinh ra toàn Huyện là 3.522 trẻ, tỷ suất sinh đạt 14,49%, (giảm 1,75% so với năm 2021 và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra); tỷ lệ sinh ra là con thứ 3 là 7,0% (giảm 0,1% so với cùng kỳ, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra). Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 80%; Tỷ lệ trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh là 85%; Tỷ số giới tính khi sinh ở mức là 112.5 trẻ trai/100 trẻ gái, (giảm 0,5 trẻ trai/100 trẻ gái).

Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe, dân số, phòng chống dịch bệnh, tai nạn thương tích Huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức 18 cuộc truyền thông về giảm sinh và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cho 1.800 người; khám sàng lọc khiếm thính cho 3255 trẻ mầm non; sàng lọc tim bẩm sinh cho 143 trẻ. Đồng thời, chú trọng tập huấn cho cán bộ làm công tác dân số - KHHGĐ về các phần mềm quản lý thông tin sàng lọc trước sinh, sơ sinh, phần mềm quản lý dữ liệu dân cư, về kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS), KHHGĐ.

Trong năm, đã tổ chức 126 lớp tập huấn, 92 cuộc truyền thông về các kiến thức: Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm tình trạng sinh con thứ 3 trở lên; chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ; mô hình tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên... Đồng thời tổ chức 144 buổi tư vấn nhóm nhỏ cho người dân về sàng lọc khiếm thính, bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh lây truyền qua đường tình dục, phát triển thể lực, tầm vóc, giới tính và bình đẳng giới cho 2880 lượt người.

Năm 2022, Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe, dân số, phòng chống dịch bệnh, tai nạn thương tích Huyện thực hiện nghiêm túc các Đề án kế hoạch của Thành phố và của Huyện như: Kế hoạch Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh Thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2025; Đề án "Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025"; Kế hoạch phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2030,...

Tại Hội nghị, các đại biểu tiến hành tham luận về giải pháp giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên, giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số,.. trong thời gian tới.

Ông Lê Văn Khương. Phó Chủ tịch UBND Huyện khẳng định, mục tiêu năm 2023 là ổn định quy mô dân số, duy trì mức sinh thay thế một cách bền vững, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số của Huyện. Do đó, cần tăng cường và đổi mới công tác truyền thông, vận động đến các nhóm đối tượng đặc thù, ưu tiên nhóm trực tiếp có nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên. Đặc biệt cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số - KHHGĐ, chú trọng nâng cao năng lực của cán bộ chuyên trách, cộng tác viên ở các xã, thị trấn, thường xuyên đào tạo và đào tạo lại, định kỳ đánh giá chất lượng đội ngũ tư vấn về KHHGĐ với tính chất nâng cao nghiệp vụ. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm về công tác Dân số - KHHGĐ.

me-linh2

Nhân dịp này, UBND Huyện khen thưởng 5 tập thể và 32 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Dân số - KHHGĐ năm 2022.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...