Mối quan hệ giữa stress và bệnh ung thư

Thứ Ba, 14/01/2020 09:51 PM (GMT+7)

Theo nghiên cứu, việc bị stress kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư cũng như đẩy nhanh tốc độ phát triển của khối u.

Stress mãn tính là một phản ứng sinh học đối với áp lực liên quan đến cảm xúc, tâm trạng trong một khoảng thời gian dài, có thể mang lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần như: tăng nguy cơ mắc bệnh tim, các vấn đề về đường ruột, suy giảm nhận thức.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, stress mãn tính có thể kích hoạt một cơ chế thúc đẩy sự phát triển của các tế bào gốc ung thư có chức năng tạo ra khối u.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí “Journal of Clinical Investigation” cho thấy một loại hormone gây stress có tên là epinephrine tạo ra một loạt các phản ứng sinh hóa có lợi cho sự phát triển và lây lan của ung thư vú. Nghiên cứu này được coi là bằng chứng khoa học đầu tiên về tác động của stress mãn tính đối với sự phát triển của tế bào gốc ung thư.

stress

Tiến sĩ Keith Kelley, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: “Bạn có thể tiêu diệt tất cả các tế bào bạn muốn trong một khối u, nhưng nếu các tế bào gốc hoặc tế bào mẹ không bị tiêu diệt thì khối u vẫn sẽ phát triển và di căn. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên kết của stress mãn tính với sự phát triển của tế bào gốc ung thư vú”.

Để theo dõi cách stress tác động đến sự phát triển của tế bào ung thư, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã tiến hành thí nghiệm gây ra stress mãn tính ở chuột bằng cách đặt chúng trong những cái chuồng nhỏ, nhằm hạn chế đáng kể sự di chuyển; sau khoảng 1 tuần, những con chuột này được chia làm 2 nhóm:

-Nhóm 1: Tiếp tục được nuôi trong loại lồng nhỏ

-Nhóm 2: Chuyển sang loại lồng lớn hơn, thoải mái hơn để chấm dứt Stress.

Quá trình này được tiếp diễn thêm 30 ngày, sau đó nhóm tác giả tiến hành thu thập dữ liệu cần thiết.

Kết quả: Nhóm chuột bị stress mãn tính do nhốt trong lồng nhỏ có biểu hiện thay đổi hành vi, trầm cảm và lo lắng. Những con chuột này cũng có khối u ung thư lớn hơn nhiều so với nhóm còn lại. Ngoài ra, những khối u này cũng phát triển với tốc độ nhanh hơn và được tìm thấy với số lượng lớn hơn. Epinephrine được xem là thủ phạm chính trong trường hợp này.

Tiếp theo, nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu trên người, cụ thể là hàm lượng epinephrine trong máu của 83 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Họ phát hiện ra rằng, những phụ nữ có lượng hormone Stress cao hơn có tỷ lệ sống thấp hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng đã tiến hành một hướng đi khác để tìm ra cách ngăn chặn các tác động tiêu cực của epinephrine lên cơ thể. Ở thử nghiệm, trên các dòng tế bào ung thư vú, họ đã phát hiện ra rằng chất có triển vọng nhất là vitamin C. Ngoài ra, nhóm tác giả cũng quan sát thấy khối u co lại sau khi tiêm vitamin C vào những con chuột bị stress.

Đào Lan Anh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....