Một số yếu tố tác động đến mức sinh ở Việt Nam hiện nay

Chủ Nhật, 25/12/2022 12:22 AM (GMT+7)

Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và duy trì trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, hiện nay mức sinh đang có xu hướng biến động, và tạo ra sự chênh lệch giữa các vùng, miền. Điều này có thể xuất phát từ nhiều yếu tố tác động cũng như chi phối khác nhau.

Theo các nhà nhân khẩu học, mức sinh là yếu tố tác động đến quy mô dân số, mà quy mô dân số gắn liền với phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Như vậy, đây là vấn đề cốt yếu trong phát triển. Quy mô dân số còn gắn liền với mật độ dân số. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đã xác định một đất nước an toàn khi có mật độ dân số 50 người/km vuông.

Tổ chức Lương nông (FAO) đã xác định để một đất nước an toàn về lương thực thì bình quân đất canh tác phải đạt 1,5 ha/người. Do vậy, duy trì mức sinh thay thế để ổn định quy mô dân số là nhân tố rất quan trọng của mọi quốc gia.

bv-phu-san-261220

Bài học kinh nghiệm cho thấy ở Trung Quốc, những học giả từ thời nhà Thanh đã khuyến nghị dân số Trung Quốc phải ở mức 700 đến 750 triệu người thì sẽ rất thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội.

Tại Việt Nam, TS Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thông tin và dữ liệu dân số (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết: Năm 1996, khi phát biểu trong hội nghị dân số, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: "Nếu chúng ta làm tốt công tác KHHGĐ, dân số Việt Nam vào khoảng 50 triệu thì biết bao vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội sẽ được dễ dàng giải quyết".

Cũng đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cho biết: Mức sinh là yếu tố quan trọng để tác động đến cơ cấu và quy mô dân số nếu mức sinh cao thì dân số sẽ phát triển quá nhanh ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển bền vững. Ngược lại mức sinh quá thấp dẫn đến già hóa dân số quá nhanh, thậm chí dân số suy giảm cũng là một nguyên nhân dẫn đến phát triển không bền vững.

Đối với nước phát triển có năng suất lao động cao, người lao động có thể nuôi được nhiều người thì già hóa dân số sẽ không quá ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng với nước thu nhập thấp như ở Việt Nam thì việc già hóa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển bền vững. Do đó dẫn đến thiếu hụt lao động và hệ lụy bất cập về an sinh xã hội cho người cao tuổi, về trẻ em cũng như xã hội nói chung.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, theo lý thuyết quá độ dân số thì mức sinh cùng với mức chết sẽ giảm mạnh cùng với quá trình hiện đại hóa. Khi đó xã hội sẽ chuyển từ gia đình đông con sang gia đình ít con. Khi kỳ vọng về giá trị tinh thần lẫn vật chất từ đứa con cho cha mẹ càng giảm trong khi chi phí cũng như những tổn thất vật chất tinh thần do phải nuôi dạy con cái càng tăng thì các cặp vợ chồng sẽ lựa chọn có ít con thậm chí không sinh con.

Ở xã hội Việt Nam hiện nay thì chi phí nuôi dạy con cái đang ngày càng gia tăng cả về vật chất lẫn thời gian. Trong khi đó, giá trị con cái không được như trước nhưng vẫn được coi trọng và khá phổ biến trong xã hội. Vì vậy, đa số các vợ chồng muốn có 2 con hoặc hơn tuy nhiên vì những chi phí kể trên nên người ta thường chỉ đẻ 2 con hoặc ít hơn. Như vậy, tùy vào yếu tố nào mạnh hơn và các chênh lệch ra sao thì có mức sinh tương ứng.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Đức Vinh còn cho biết, một cách phân tích khác thường được áp dụng về mức sinh trên thế giới hiện nay thì mức sinh thực tế là kết quả của số con mong muốn dưới tác động của 2 nhóm yếu tố: Nhóm thứ nhất gồm 3 yếu tố làm tăng mức sinh: Mức độ có con ngoài mong muốn (hiệu quả tránh thai), mức chết trẻ em (mức chết càng cao làm cho bà mẹ càng phải sinh nhiều), mức độ muốn có con trai hoặc có con gái. Nhóm thứ 2 gồm 3 yếu tố giảm sinh: Tình trạng vô sinh, trì hoãn sinh con, những yếu tố cạnh tranh với việc sinh con (công việc, học tập).

Ngay cả vấn đề tưởng như đã cũ như hiệu quả tránh thai thì theo khảo sát của TS Vinh và cộng sự cho thấy, gần đây thì tỷ lệ có nhu cầu tránh thai không được đáp ứng vẫn còn tương đối. Tình trạng vô sinh đang có xu hướng gia tăng, tỉ lệ chết trẻ em vẫn còn cao ở một số vùng sâu, vùng xa.

Tình trạng chọn lọc giới tính khi sinh vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại ở nhiều tỉnh. Bên cạnh đó sự trì hoãn kết hôn, khoảng cách sinh gia tăng ở một số vùng tỉnh thành, nhất là ở vùng Đông Nam Bộ.

Còn yếu tố cạnh tranh với sinh con đang ngày càng nổi lên cùng với quá trình công nghiệp hiện đại và đô thị hóa. Chính vì vậy, mức sinh ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng và khác biệt đáng kể theo vùng miền, tỉnh thành và các nhóm dân số.

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...