Mức sinh thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long: một số gợi ý chính sách

Thứ Tư, 28/12/2022 04:01 PM (GMT+7)

Tại cuộc họp đánh giá 3 năm thực hiện Nghị 120/NQ-CP về “phát triển bền vững ở ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”, Thủ tướng Chính phủ lưu ý “8G” và một trong những “G”, đó là “già hóa dân số”. Vì thế, cần hoạch định và thực thi chính sách dân số gắn với phát triển bền vững của vùng.

Mức sinh của ĐBSCL có xu hướng giảm nhanh trong một thập niên vừa qua và cũng là một trong những vùng kinh tế - xã hội có mức sinh thấp nhất của cả nước. Sự biến đổi mức sinh này đã tác động mạnh mẽ đến chuyển đổi cấu trúc tuổi ở ĐBSCL trong những năm qua, giảm tỷ trọng trẻ em, tăng tỷ trọng người cao tuổi. Biến đổi mức sinh theo xu hướng giảm đã làm thay đổi rất lớn đối với mục tiêu phát triển của vùng, vì vậy để “xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển… bảo đảm tăng dân số hợp lý” theo tinh thần Đại hội lần thứXIII của Đảng thì khu vực ĐBSCL cần quan tâm đến một số gợi ý chính sách sau:

DBSCL 4

Thứ nhất, tăng cường truyền thông xây dựng chuẩn mực gia đình có 2 con: Để duy trì bền vững mức sinh thì quy mô gia đình 2 con phải trở thành chuẩn mực toàn xã hội và cần có các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp lý và chính sách thích hợp để các cặp vợ chồng thực hiện được mong muốn này. ĐBSCL cần triển khai các chương trình truyền thông vận động thích hợp và hiệu quả, để mô hình gia đình 2 con dần trở thành chuẩn mực toàn xã hội trong bối cảnh phát triển kinh tế và di cư diễn ra mạnh mẽ.

Thứ hai, giải quyết các điểm nghẽn ở đồng bằng sông Cửu Long: Di cư là một trong những nguyên nhân làm cho mức sinh giảm và đẩy nhanh quá trình già hóa dân số ở ĐBSCL và đồng thời phản ánh tình trạng hạn chế của phát triển kinh tế vùng. Chính phủ tạo điều kiện phát triển, giải quyết các điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng đáp ứng phát triển bền vững của các tỉnh ĐBSCL bảo đảm sinh kế cho người dân trong điều kiện hạn mặn, biến đổi khí hậu; tăng cường xây dựng nông thôn mới gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động nhằm hạn chế tình trạng di cư.

Thứ ba, tuyên truyền thực hiện có hiệu quả chính sách dân số theo quyết định 588/QĐ-TTg: Xu hướng kết hôn muộn hoặc không kết hôn của thanh niên, đặc biệt với nữ thanh niên ở ĐBSCL là một trong những yếu tố khiến cho mức sinh giảm. Do đó, các cấp chính quyền cần phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi, sinh con trước 35 tuổi.

Thứ tư, đẩy mạnh hợp quốc tế trong thực hiện chính sách dân số: Đây là biện pháp quan trọng để Nhà nước có nhiều kinh nghiệm xây dựng chính sách dân số trong điều kiện chuyển cấu trúc dân số theo hướng già hóa ở ĐBSCL. Để làm được điều này, phải tăng cường học tập và tổng kết kinh nghiệm từ các quốc gia đã triển khai thành công chính sách dân số bảo đảm mức sinh hợp lý; tích cực tham gia các hội nghị quốc tế về thực hiện mục tiêu dân số.

Vũ Thị Phương Dung

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...