Mức sinh thấp và già hóa dân số nhanh

Thứ Bảy, 31/12/2022 01:12 PM (GMT+7)

Mức sinh thấp dẫn đến già hóa dân số với tốc độ nhanh là một trong những thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an sinh xã hội của mỗi quốc gia. Chúng ta cần phải có biện pháp tích cực để khuyến sinh, chủ động chuẩn bị cho việc thích ứng với già hóa dân số

Mức sinh biến đổi theo xu hướng giảm ở nước ta trong hơn 30 năm qua không chỉ làm chậm lại tốc độ gia tăng quy mô dân số mà còn làm thay đổi cơ cấu độ tuổi của dân số theo xu hướng chuyển từ cơ cấu dân số trẻ sang cơ cấu dân số già - xu hướng già hóa dân số. Trong quá trình già hóa dân số, tỷ trọng của nhóm dân số trẻ em có xu hướng giảm liên tục. Tỷ trọng số trẻ em ở nước ta đã giảm từ 39,2% (năm 1989), xuống 24,3% (năm 2019)(1). Đồng thời với tỷ trọng số trẻ em giảm, tỷ trọng số người già trong dân số gia tăng nhanh. Tỷ trọng số người già (65+) đã tăng khoảng 20% trong giai đoạn 2009-2019, từ 6,4 % (năm 2009) lên 7,7% (năm 2019). Theo dự báo, với giả định mức sinh trung bình giai đoạn 2019-2069, tỷ trọng này sẽ tăng lên mức 11,51% vào năm 2029 và 15,14% vào năm 2039. Khoảng năm 2036, tỷ trọng người già sẽ vượt mức 14% và Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ già hóa dân số, bắt đầu bước vào thời kỳ có cơ cấu dân số già(2).

muc sinh thap gia hoa dan so

Theo số liệu của Liên hợp quốc (năm 2020), với quy mô số người già (65+) ở nước ta khoảng 7,5 triệu người, Việt Nam xếp thứ 18 về quy mô số người già trên thế giới, sau Thái Lan (xếp thứ 17) và Hàn Quốc (xếp thứ 16) với số lượng người già tương ứng là 7,6 triệu người và 7,8 triệu người(3).

Tỷ trọng nhóm dân số người già ở nước ta đang tăng nhanh do hai yếu tố chủ yếu là do mức sinh thấp (dẫn đến tỷ trọng nhóm dân số trẻ em giảm mạnh) và tuổi thọ trung bình của người dân đang được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình của người dân ở nước ta liên tục tăng lên từ 65,2 tuổi (năm 1989), lên 68,2 tuổi (năm 1999) và đạt 73,6 tuổi (năm 2019). 

Thực tiễn mối quan hệ giữa mức sinh thấp và già hóa dân số nhanh ở một số nước tại châu Á như Thái Lan hay Trung Quốc cho thấy, khi các quốc gia này bước vào thời kỳ mức sinh thấp với tổng tỷ suất sinh xuống dưới ngưỡng 2,1 con/phụ nữ, tỷ trọng số người già đã tăng lên nhanh trong cơ cấu dân số và thời kỳ già hóa dân số bị rút ngắn lại; việc cố gắng đưa tổng tỷ suất sinh tăng lên về quanh mức sinh thay thế bằng nhiều giải pháp chính sách khuyến khích sinh đẻ gần như là bất khả kháng. Trong hơn 10 năm qua, tổng tỷ suất sinh của Thái Lan tiếp tục xuống thấp, từ mức khoảng 1,8 con/phụ nữ (năm 2010), xuống 1,6 con/phụ nữ (năm 2015) và còn 1,5 con/phụ nữ (năm 2020). Tỷ trọng số người già trong cơ cấu dân số Thái Lan đã tăng từ 8% lên 12% trong giai đoạn 2010-2020(4).

Trung Quốc cũng đã có tổng tỷ suất sinh ở mức thấp là 1,5 con/phụ nữ trong giai đoạn  2010-2015. Năm 2016, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách dân số mới cho phép các cặp vợ chồng được sinh 2 con, nhưng đến năm 2020, tổng tỷ suất sinh vẫn dừng ở mức 1,5 con/phụ nữ. Tỷ trọng số người già ở Trung Quốc đã tăng từ 8% lên 13% trong giai đoạn 2010-2020. Theo số liệu mới được công bố của Liên hợp quốc (năm 2021), tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc chỉ còn 1,3 con/phụ nữ(5). Tỷ trọng số người già ở quốc gia này có thể vượt ngưỡng 14%, và Trung Quốc đã bắt đầu thời kỳ cơ cấu dân số già. Như vậy, thời kỳ già hóa dân số ở Trung Quốc chỉ kéo dài khoảng 21 năm (2000-2021). Việc duy trì chính sách một con trong một thời gian tương đối dài (từ 1980-2015) và chậm thực hiện chuyển đổi sang chính sách hai con (chỉ từ năm 2016) đã làm cho Trung Quốc có thời kỳ già hóa dân số ngắn nhất so với các nước khác trên thế giới. Năm 2021 là năm thứ 5 liên tiếp mức sinh ở Trung Quốc tiếp tục giảm sâu(6). Đây là lý do buộc Chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách sinh ba con từ năm 2021(7).

Việt Nam đang trong bối cảnh mức sinh thấp. Nếu diễn biến của quá trình già hóa dân số theo đúng như dự báo của Tổng cục Thống kê, nước ta sẽ kết thúc thời kỳ già hóa dân số vào năm 2036. Thời kỳ già hóa dân số ở nước ta chỉ kéo dài khoảng 25 năm (2012-2036). Việt Nam có thể vẫn ở trong nhóm các nước có thời kỳ già hóa dân số ngắn nhất. Cả quy mô và tỷ trọng số người già đều đang tăng nhanh hơn sẽ gây áp lực lớn tới hệ thống an sinh xã hội ở nước ta trong những năm sắp tới.

Theo TS. HÀ VIỆT HÙNG

(Viện Xã hội học và Phát triển,Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

(1) Tổng cục Thống kê: Chuyên khảo Dự báo dân số Việt Nam giai đoạn 2019-2069, http://vietnam.unfpa.org, truy cập ngày 3-2-2022.

(2) Population Reference Bureau (PRB), 2020: World Population Datasheet 2020, www.prb.org, truy cập ngày 3-2-2022.

(3) Tổng cục Thống kê: Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam, http://vietnam.unfpa.org, truy cập ngày 3-2-2022.

(4) Population Reference Bureau (PRB): World Population Datasheet 2010, 2015, 2020, www.prb.org, truy cập ngày 3-2-2022.

(5) Population Reference Bureau (PRB): World Population Datasheet 2021, www.prb.org, truy cập ngày 3-2-2022.

(6) Phương Linh: “Tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, Trung Quốc cận kề khủng hoảng nhân khẩu học”, https://vneconomy.vn, truy cập ngày 3-2-2022.

(7) Phiên An: “Chính sách 3 con -hy vọng duy trì sức mạnh kinh tế của Trung Quốc”, https://vnexpress.net, truy cập ngày 3-2-2022

Nguyễn Phương Liên

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...