Mụn âm đạo: Nguyên nhân và cách điều trị

Chủ Nhật, 27/11/2022 10:59 PM (GMT+7)

Nổi mụn âm đạo hay vùng sinh dục khá phổ biến ở nữ giới. Thông thường chúng chỉ là tình trạng nhẹ có thể tự thuyên giảm, tuy nhiên có trường hợp cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

 Mụn nhọt ở âm đạo là gì? 

Mụn nhọt ở âm đạo (còn được gọi là mụn nhọt ở vùng kín) là một nốt mụn sưng đau, chứa đầy mủ phát triển dưới da ở vùng mu. Nó thường xảy ra khi vi khuẩn Staphylococcus aureus (thường được gọi là tụ cầu khuẩn) lây nhiễm vào các túi chứa chân lông và các tuyến dầu. Mụn nhọt ở âm đạo cũng có thể phát triển do vết cắt trên da do cạo bằng dao cạo hoặc vết thương khác. Vi khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể qua vết thương trên da và gây nhiễm trùng.

Những nốt mụn ở âm đạo càng ngày sẽ càng gây đau và cuối cùng chúng sẽ bị vỡ ra. Mụn nhọt có thể phát triển trên môi âm hộ, ở vùng mu (nơi lông mu mọc) hoặc ở vùng xung quanh âm hộ. Một số bệnh nhân còn xuất hiện mụn nhọt ở nếp gấp da ở bẹn. Mụn nhọt có thể bắt đầu như một vết sưng nhỏ, màu đỏ và phát triển trong một vài ngày thành một nốt sưng tấy, đau đớn với đầu có mủ màu trắng hoặc vàng. Một số nốt bất thường trên da có thể trông giống như mụn nhọt vùng kín, tuy nhiên để có chẩn đoán chính xác hãy thăm khám bác sĩ phụ khoa. Nhọt hiếm khi gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Hầu hết các bệnh nhân mọc mụn ở vùng kín sẽ tự hết sau một hoặc hai tuần. Nhưng một số ít trường hợp mụn nhọt ở vùng kín có thể cần điều trị y tế. Điều trị có thể giúp giảm đau và giảm nhiễm trùng cho đến khi hết nhọt. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể phải cắt nhọt để dẫn lưu ổ nhiễm trùng.

Nguyên nhân và biểu hiện mụn ở âm đạo

Trước hết, mụn cơ bản được hình thành khi có lỗ chân lông bị tắc nghẽn do sự thay đổi của nội tiết tố trong người bạn hay do nhiều yếu tố khác như bất thường sừng hóa nang lông, da bạn tiết dầu và bã nhờn quá nhiều,… Tương tự như vậy, mụn âm đạo được hình thành khi các chất bụi bẩn, mồ hôi hay vi khuẩn tích tụ bên trong lỗ chân lông, từ đó gây ra hiện tượng viêm. Mụn nhọt ở âm đạo thực sự cũng giống như mụn ở bất kỳ nơi nào khác trên cơ thể. Chúng thường là những nốt mụn nhỏ kèm nền viêm đỏ, đôi khi trong lòng chứa dịch mủ, mềm khi sờ chạm, có thể sưng lên và gây cảm giác đau cho bạn. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên các triệu chứng tương tự như nổi mụn ở âm đạo, trong đó một số nguyên nhân phổ biến nhất là:

- Viêm da tiếp xúc: Viêm da tiếp xúc là tình trạng mà khi da của bạn phản ứng với một chất gì đó lạ chạm vào, gây viêm da tại chỗ. Có thể chia thành 2 thể chính là viêm da tiếp xúc thể kích ứng xảy ra khi da của bạn tiếp xúc với một tác nhân hóa học như acid, kiềm, cồn mạnh, chất tẩy rửa mạnh gây tổn thương da bạn trực tiếp. Còn viêm da tiếp xúc thể dị ứng có thể khởi phát khi chất tiếp xúc đó là chất mà bạn bị dị ứng, chẳng hạn như kim loại, niken, nước hoa,… Biểu hiện tương tự như nổi mụn ở vùng kín, kèm ngứa rát tại thương tổn, đôi khi đi kèm khô da, chảy dịch mủ.

- Viêm nang lông: Một nguyên nhân rất phổ biến khác khiến nổi mụn ở vùng âm đạo là viêm nang lông, nghĩa là các nang lông bị nhiễm trùng và viêm nhiễm. Về cấu tạo thì nang lông là một khoảng da nhỏ từ đó lông sẽ mọc ra, khắp vùng da trên cơ thể bạn. Biểu hiện có thể là bỏng rát da, hình thành mụn rộp, mụn nhọt và gây khó chịu hoặc ngứa ngáy cho bạn. Nguyên nhân gây ra viêm nang lông có thể là do cạo lông mu không đúng cách, lông mu mọc ngược, mặc quần áo chật, bó sát da quá mức, các nang lông bị tắc nghẽn hay bị kích ứng bởi mồ hôi hoặc các sản phẩm bạn đang dùng.Sử dụng bồn tắm nước nóng hoặc hồ bơi không đảm bảo vệ sinh.

20201224_mun-o-bo-phan-sinh-duc-nu-2

- U nang tuyến Bartholin: Về cấu tạo thì tuyến Bartholin, một tuyến ở vùng sinh dục người nữ có trách nhiệm bôi trơn cho các hoạt động tình dục. Khi tuyến này bị tắc nghẽn, thường do chấn thương hay nhiễm vi khuẩn E.coli, chúng có thể hình thành những u nang. Tuy nhiên đây là những khối nang lành tính, không phải ung thư, ước tính có khoảng 2% phụ nữ phát triển nang tuyến Bartholin ít nhất một lần trong đời, và phổ biến nhất ở phụ nữ độ tuổi 20. Vì chúng phát triển rất chậm và thường không có triệu chứng gì, bạn có thể không nhận thấy mình có u nang tuyến Bartholin cho đến khi vài năm trôi qua. Một số nhỏ phụ nữ cho biết họ cảm thấy hơi khó chịu hay cảm giác bất tiện khi đi tiểu.

- Mụn thịt (Milia): Mụn thịt là những u nang nhỏ, vô hại, chứa chất sừng (keratin) có nguồn gốc từ cấu trúc biểu mô nang lông, ống dẫn mồ hôi hay ống tuyến bã. Nếu nhìn thoáng qua bạn sẽ thấy chúng khá giống với mụn trứng cá đầu trắng, chúng có xu hướng tự lành, không cần điều trị gì cụ thể.

- U nang bì (epidermoid cyst): Là những u nang cứng, thường không đau, tiến triển chậm, còn được gọi là u nang bã nhờn hoăc nang sừng, ít gặp hơn các loại u nang khác.

- Mụn cóc sinh dục: Một loại vi rút gây bệnh u nhú ở người thường gặp là virus HPV, chúng có trên 100 chủng khác nhau, hầu hết là vô hại với con người. Tuy nhiên có nhiều chủng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, chẳng hạn như gây ung thư cổ tử cung ở nữ hoặc mụn cóc sinh dục (hay còn gọi là sùi mào gà ở nữ giới). Vi rút HPV chúng số 6 và 11 được xếp vào nhóm nguy cơ thấp gây ung thư cổ tử cung, tuy nhiên chúng lại là nguyên nhân của khoảng 85-95% mụn cóc sinh dục. Biểu hiện khá đa dạng, thay đổi nhiều về hình thức lâm sàng. Chúng có thể nổi gồ lên bề mặt da hay bằng phẳng, mịn hay u nhú sần sùi, màu sắc đa dạng từ màu da hay nhạt màu hơn, màu tím sẫm hay màu nâu. Có thể chỉ có một vài mụn cóc nổi lên, nhưng nếu để lâu chúng có thể tự lây lan thành nhiều cụm mụn cóc. Đa phần chúng không gây triệu chứng gì đặc biệt, tuy nhiên nhiều người than phiền rằng có thể ngứa ngáy hoặc chảy máu, gây rất nhiều phiền toái.

- Herpes sinh dục (mụn rộp sinh dục): Bệnh mụn rộp sinh dục do một chủng vi rút gọi là Herpes simplex (HSV) – hay còn được gọi là Herpes sinh dục, đa phần là chủng HSV số 1 và số 2. Hiện nay nữ giới nhiễm HSV đang ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Khi nhiễm bệnh, chúng sẽ gây các mụn rộp có thể tái đi tái lại và đôi khi không có triệu chứng gì. Ở người phụ nữ, phát ban da mụn rộp có thể gặp ở âm hộ, bên ngoài cơ quan sinh dục ngoài, hay bên trong âm đạo hay cả cổ tử cung. Mụn rộp vỡ ra thành các vết trợt, loét nhỏ, bề mặt rỉ dịch và được bao quanh bởi vùng da viêm đỏ. Chúng có thể gây đau đớn, khó chịu hay ngứa ngáy, đặc biệt là gây nóng buốt khi bạn đi tiểu. Biểu hiện của mụn rộp sinh dục là nhiều mụn nước, mụn mủ được bao quanh bởi nền da viêm đỏ, sau đó tiến triển thành những vết trợt hay loét nông gây đau.

Điều trị mụn nhọt âm đạo tại nhà 

Hầu hết nhọt sẽ tự biến mất sau vài ngày hoặc vài tuần. Bạn có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh bằng các biện pháp tại nhà. Trước khi chạm vào mụn nhọt hoặc khu vực xung quanh nó, hãy nhớ rửa tay kỹ. Bạn nên sử dụng xà phòng có khả năng diệt khuẩn và nước ấm để vệ sinh tay. Nếu không rửa tay, bạn có nguy cơ đưa thêm vi khuẩn vào nhọt và có thể làm cho tình trạng nhiễm trùng ngày càng nặng hơn. Tương tự như vậy, hãy rửa tay lại sau khi bạn điều trị xong. Vì nếu không sẽ có nguy cơ lây lan vi khuẩn sang các vùng khác trên cơ thể. Các biện pháp hỗ trợ điều trị mụn nhọt âm đạo tại nhà bao gồm:

- Giữ vệ sinh: Nếu mụn nhọt vùng kín xuất hiện, hãy chú ý giữ vệ sinh vùng da đó thật sạch và đắp một miếng gạc hoặc băng dính vô trùng. Giữ khu vực này sạch sẽ và thay băng hàng ngày.

- Không cố gắng chích mụn hay làm vỡ mụn:Một số người không thể chống lại sự cám dỗ việc làm vỡ hoặc chích nhọt. Nếu làm vậy bạn sẽ giải phóng vi khuẩn và có thể làm lây lan nhiễm trùng sang các vùng khác của cơ thể. Bạn cũng có thể làm cho cơn đau và tình trạng nhiễm trùng trở nên tồi tệ hơn.

- Chườm ấm: Nhúng khăn với nước ấm, vắt hết nước thừa. Đặt khăn ấm lên mụn nhọt và để ở đó từ 7 đến 10 phút. Hãy lặp lại quá trình trên ba đến bốn lần mỗi ngày cho đến khi mụn nhọt vùng kín thuyên giảm. Hơi nóng từ khăn sẽ giúp thúc đẩy lưu thông máu nhiều hơn, do đó các tế bào bạch cầu có thể chống lại nhiễm trùng còn sót lại.

- Mặc quần rộng trong khi vết thương đang lành lại: Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra nhọt là do quần áo bó sát gây ma sát hoặc cọ xát vào vùng da mu mỏng manh. Cho đến khi mụn nhọt biến mất, hãy cố gắng mặc quần áo và đồ lót rộng rãi thoải mái. Sau khi tập luyện thể dục, thay đồ lót sạch và khô.

- Sử dụng thuốc mỡ: Thuốc mỡ có thể giúp bảo vệ mụn nhọt khỏi ma sát với quần áo và đồ lót. Tương tự, nếu mụn nhọt bùng phát, hãy sử dụng thuốc mỡ kháng sinh như bacitracin, neomycin và polymyxin B (Neosporin) kết hợp để bảo vệ khỏi nhiễm trùng khác trong khi vết thương lành lại.

- Uống thuốc giảm đau không kê đơn: Thuốc giảm đau không kê đơn có thể cần thiết để làm dịu cơn đau và tình trạng viêm do nhọt gây ra. Uống ibuprofen (Advil) hoặc paracetamol (Tylenol) theo hướng dẫn trên bao bì.

Trường hợp phải đến gặp bác sĩ:

20211207_051503_663214_mun-nhot-o-vung-kin.max-1800x1800

- Sốt

- Ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi lạnh

- Mụn nhọt phát triển nhanh chóng

- Nốt mụn khiến bạn cực kỳ đau đớn

- Mụn nhọt to

- Nhọt xuất hiện trên mặt bạn

- Nhọt vẫn chưa khỏi sau hai tuần

- Mụn nhọt tái phát

- Vùng kín của bạn xuất hiện rất nhiều nhọt

- Sưng hạch bạch huyết.

- Đái tháo đường hoặc suy yếu hệ thống miễn dịch

Bác sĩ thường có hai lựa chọn điều trị chính nếu nhọt quá nặng:

- Nếu nhọt cực kỳ đau và nghiêm trọng, bác sĩ có thể rạch hoặc cắt nốt mụn nhọt để dẫn lưu mủ và dịch. Bác sĩ của bạn sẽ sử dụng thiết bị vô trùng, vì vậy đừng cố gắng thực hiện việc này tại nhà. Trường hợp mụn nhọt vùng kín bị nhiễm trùng nặng có thể cần phải dẫn lưu nhiều lần.

- Thuốc kháng sinh: Nhiễm trùng nặng hoặc tái phát có thể cần thuốc kháng sinh để ngăn ngừa mụn nhọt trong tương lai. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kháng sinh sau khi mụn nhọt được rút ra để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ cấp. 

Cách phòng ngừa nổi mụn ở âm đạo

Việc nổi mụn ở âm đạo người nữ là phổ biến, tuy nhiên có khá nhiều cách đơn giản để giúp ngăn ngừa tình trạng này, một số phương pháp dễ áp dụng bao gồm:

- Tránh hoặc giảm tiếp xúc tối đa với các chất gây kích ứng và dị ứng da.

- Nếu đang gặp bất kỳ vấn đề y tế nào gây nên nổi mụn nhọt âm đạo, hãy điều trị và kiểm soát chúng.

- Lựa chọn đồ lót bằng chất liệu cotton thoáng mát, co giãn tốt, thấm hút mồ hôi, mặc quần áo rộng rãi, tránh bó sát.

- Thực hành giữ vệ sinh cá nhân tốt

- Không chạm hoặc nặn mụn hiện có ở vùng này.

Nổi mụn âm đạo là thường gặp và đôi khi gây nhiều phiền toái cho các bạn nữ. Hầu hết chúng thường lành tính, tự hết mà không cần chữa trị gì. Nhưng cũng có nhiều trường hợp chúng cần được điều trị thích hợp bởi các bác sĩ da liễu có kinh nghiệm. Do đó việc bạn cần làm khi gặp vấn đề này là cố gắng tìm ra nguyên nhân gây nên, và đến khám các bác sĩ nếu thấy cần thiết.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....