Mụn trứng cá ở tuổi dậy thì: Những điều cần lưu ý

Thứ Sáu, 16/12/2022 10:54 AM (GMT+7)

Mụn trứng cá ở tuổi dậy thì là tình trạng thường gặp khiến không ít bạn trẻ cảm thấy thiếu tự tin. Tuy nhiên hầu hết trẻ chưa hiểu rõ về nguyên nhân, cách chăm sóc, điều trị để tránh biến chứng nặng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, sự tự tin của trẻ.

1. Nguyên nhân gây ra mụn trứng cá ở tuổi dậy thì

Về lý thuyết, khi bước vào giai đoạn dậy thì, lượng hormone giới tính Androgen sẽ gia tăng trong cơ thể, có thể nhiều đến mức dư thừa và thúc đẩy tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ, làm sản sinh nhiều dầu và bã nhờn hơn. Điều này dễ khiến lỗ chân lông bị tắc và vô tình khiến loại vi khuẩn gây mụn có tên Propionibacterium Acnes phát triển mạnh mẽ hơn. Khi vi khuẩn phát triển, mụn sẽ hình thành, sưng đỏ và sau đó phát viêm. Các u nang hình thành khi tắc nghẽn và viêm sâu bên trong lỗ chân lông tạo ra các vết sưng lớn gây đau dưới bề mặt da.

Bên cạnh đó, sự thay đổi nội tiết tố khi dùng thuốc tránh thai, rối loạn kinh nguyệt và việc mang thai cũng có thể gây ra mụn trứng cá. Các tác nhân gây ra mụn trứng cá khác có thể bao gồm kem dưỡng, thuốc nhuộm tóc, dầu dưỡng,… Quần áo tiếp xúc trực tiếp với da cũng làm tình trạng mụn trứng cá trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là đối với mụn lưng và ngực. Đổ nhiều mồ hôi trong quá trình tập thể dục, thời tiết nóng ẩm cùng với stress có thể khiến làn da bạn sản sinh nhiều dầu hơn.

2. Các triệu chứng của mụn trứng cá

Các triệu chứng của mụn trứng cá ở tuổi dậy thì sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng. Bạn có thể nhận thấy những dấu hiệu trên các vùng da có nhiều tuyến dầu như mặt, cổ, ngực, lưng và vai.

Các triệu chứng bao gồm:

- Xuất hiện mụn mủ hoặc mụn u trên da

- Da nổi các nốt sần

- Da bị tắc lỗ chân lông, gây mụn nhọt, mụn đầu đen và mụn đầu trắng.

3. Một số loại mụn trứng cá ở tuổi dậy thì thường gặp

20211019_dieu-tri-mun-o-tre-tuoi-day-thi-02

- Mụn không do viêm: Đây là loại mụn được xem là khá “dễ chịu”, ít gây tổn thương và dễ điều trị. Đặc trưng của loại mụn không viêm chính là có nhân mụn cứng; bao gồm 2 “gương mặt” quen thuộc là:

       + Mụn đầu đen: Vi khuẩn, tế bào chết hoặc các chất bã nhờn bị oxy hóa trên bề mặt da ở vị trí nang lông mở tạo thành các đốm mụn màu đen.

      + Mụn đầu trắng: Lỗ chân lông cũng bị bít tắc bởi tế bào chết, dầu thừa hay vi khuẩn nhưng khác với mụn đầu đen; ở đây nang lông sẽ đóng lại tạo nên đầu mụn màu trắng.

- Mụn do viêm: Mụn viêm gây nhiều tổn thương nghiêm trọng hơn như kích thước mụn to, mụn dễ gây sưng nhức/ tấy đỏ/ nhiễm trùng mô, nguy cơ để lại sẹo mụn cao. 4 dạng trứng cá tuổi dậy thì loại viêm phổ biến có thể kể đến là:

       + Mụn sần: Là những nốt mụn sưng nhỏ, có màu đỏ hoặc hồng, hay nhạy cảm với tác động bên ngoài như nặn mụn. Nếu mụn sần xuất hiện nhiều ở tuổi dậy thì thì đó là dấu hiệu cảnh báo tình trạng mụn trứng cá không còn ở mức nhẹ mà đang ở mức trung bình đến nặng.

       + Mụn mủ: Mụn mủ có hình dạng bên ngoài khá giống với mụn đầu trắng, điểm khác biệt là mụn mủ có vòng tròn nhỏ màu đỏ quanh chân mụn – dấu hiệu của việc da bị viêm. Loại mụn trứng cá ở tuổi dậy thì này cũng không có nhân mụn cứng, thay vào đó là dịch mủ có màu vàng hoặc trắng. Không nên tự ý nặn mụn mủ để tránh làm mụn viêm nặng hơn hoặc để lại sẹo sâu.

       + Mụn bọc: Thường xuất hiện nhiều ở nam giới hơn nữ giới; là tình trạng vi khuẩn viêm tấn công sâu vào cấu trúc da. Ngoài mặt thì mụn bọc cũng có thể xuất hiện nhiều ở vùng ngực và lưng. Mụn bọc nếu không xử lý đúng cách có thể gây đau nhức, sưng tấy đỏ nặng, dễ tái phát.

      + Mụn dạng nang: Hay còn gọi là u nang là loại mụn dưới da có kích thước lớn (có khi bằng hạt đậu) chứa đầy mủ hoặc dịch và gây đau nhiều. Mụn bọc xuất hiện khi tình trạng viêm đã ở mức nặng. Do là dạng mụn “ăn sâu” vào da nên khi lấy nhân mụn sẽ có nguy cơ cao để lại sẹo.

4. Những cách giúp điều trị mụn ở trẻ tuổi dậy thì

Tùy vào tình trạng mụn ở trẻ độ tuổi này mà việc điều trị có thể là cần thiết, song nếu không nghiêm trọng, có thể hướng dẫn trẻ tự chăm sóc và dùng sản phẩm trị mụn phù hợp dưới sự theo dõi của bác sĩ da liễu.

- Cách xử lý mụn trên da: Khi mụn xuất hiện trên làn da còn non nớt của trẻ, cần xử lý nhẹ nhàng bằng một số cách như:

        + Dùng miếng dán hút mụn: chườm ấm trên nốt mụn, sau đó dùng tăm bông ấn nhẹ để giúp cồi mụn trồi da, sau đó dùng miếng dán hút mụn trong khoảng 30 phút. Khi nhân mụn được lấy ra, cần bảo vệ vùng da mụn này tránh nhiễm trùng.

         + Nặn mụn: Nên nặn mụn tại cơ sở y tế hoặc phòng khám da liễu uy tín, tại đây làn da của trẻ sẽ được làm sạch, xử lý đúng cách để lấy nhân mụn mà không gây tổn thương da nghiêm trọng. Ngoài ra cần phục hồi da sau khi nặn mụn.

- Vệ sinh da: Vệ sinh da sạch sẽ để loại bỏ dầu nhờn dư thừa, tế bào da chết và vi khuẩn, bụi bẩn là điều quan trọng để kiểm soát mụn. Với làn da của trẻ ở độ tuổi dậy thì, có thể dùng sữa rửa mửa có độ pH phù hợp, làm sạch nhẹ nhàng mỗi ngày 2 lần là đủ. Không nên rửa mặt bằng sữa rửa mặt nhiều lần trong ngày hoặc dùng nhiều sản phẩm làm sạch quá mức khiến da bị khô, tuyến bã nhờn tiết dầu nhiều hơn khiến da dễ nổi mụn hơn.

tri-mun-trung-ca-tuoi-day-thi-1

- Dùng sản phẩm trị mụn: Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm trị mụn đến từ các thương hiệu khác nhau và chứa hành phần khác nhau. Với làn da nổi mụn ở tuổi dậy thì của trẻ, nên lựa chọn các sản phẩm uy tín, thương hiệu chất lượng, thành phần rõ ràng được kiểm chứng. Nên ưu tiên các sản phẩm dược mỹ phẩm lành tính trên làn da của trẻ, tránh sản phẩm chứa dầu làm bít tắc lỗ chân lông. Nếu trẻ bị mụn nặng, nên đưa trẻ đi khám da liễu để được bác sĩ kê thuốc điều trị nếu cần thiết. Sử dụng quá nhiều mỹ phẩm không đúng cách sẽ khiến mụn trên da mặt trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.

5. Sai lầm khiến mụn trứng cá ở tuổi dậy thì trở nên nghiêm trọng hơn

Thực tế, mụn trứng cá trở nên nghiêm trọng và kéo dài cả đến khi trẻ trưởng thành nguyên nhân chủ yếu do chăm sóc da và điều trị mụn ở trẻ tuổi dậy thì đúng cách. Dưới đây là những sai lầm rất dễ mắc phải khi trị mụn ở trẻ, cha mẹ cần lưu ý tránh trẻ gặp phải:

- Dùng tay nặn hoặc bóp mụn: Tay chứa rất nhiều vi khuẩn, khi dùng tay trực tiếp nặn mụn trên mặt sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập, tổn thương da nghiêm trọng và mụn cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn. Hơn nữa, viêm nhiễm nặng do mụn trứng cá có thể dẫn đến sẹo mụn vĩnh viễn không thể hồi phục.

- Chà xát mạnh trên vùng mụn: Da vùng mụn đã trở nên nhạy cảm hơn, vì thế mọi hoạt động rửa mặt, lau mặt hay trong hoạt động hàng ngày, trẻ nên tránh dùng tay sờ lên mặt hoặc chà xát da mạnh. 

- Dùng sản phẩm trị mụn không đảm bảo chất lượng: Do tâm lý lo lắng, tự ti cùng với thiếu kiến thức trong chăm sóc da, nếu không được định hướng tốt, trẻ dễ tin tưởng và sử dụng các sản phẩm trị mụn không tốt được quảng cáo sai công dụng. Điều này khiến da trở nên yếu hơn, mụn và sẹo mụn, thâm mụn cũng nghiêm trọng hơn.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....