Nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản cho vị thành niên là góp phần nâng cao chất lượng dân số

Thứ Tư, 01/03/2023 09:45 AM (GMT+7)

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế, giai đoạn 2019-2021, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca phá thai. Số ca mang thai tuổi vị thành niên (15-19 tuổi) chưa có xu hướng giảm trong những năm gần đây, chiếm khoảng 2,5% - 3% tổng số phụ nữ mang thai.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới, 44 trong số 1.000 trẻ được sinh ra từ các bà mẹ tuổi vị thành niên (VTN) (15-19 tuổi). Ở các nước đang phát triển, ít nhất 10 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn trong 1 năm ở những trẻ nữ VTN độ tuổi 15 đến 19. Các biến chứng trong quá trình mang thai và sinh đẻ là nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với các trẻ gái 15-19 tuổi.

TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khoẻ Vị thành niên – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, vị thành niên là những trẻ từ 10 đến 19 tuổi. Vào thời điểm này, trẻ phát triển các chức năng sinh dục, sinh sản, nhu cầu tình dục xuất hiện và chưa đủ kỹ năng để kiểm soát ham muốn tình dục. Cùng với sự thiếu hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, cơ chế thụ thai, các biện pháp tránh thai; Quan hệ tình dục không chuẩn bị, không mong muốn; Quan hệ tình dục trước hôn nhân, sống thử trước hôn nhân. Đồng thời, trẻ thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS), chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính, cha mẹ còn hời hợt về việc giáo dục cho con em… Dẫn đến nguy cơ mang thai ngoài ý muốn rất cao và để lại nhiều hệ lụy trong tương lai.

Cũng theo BS. Loan mang thai ở tuổi VTN, trẻ dễ gặp những nguy cơ khi tiếp tục giữ thai và sinh đẻ. Mang thai ở tuổi VTN ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nguy cơ tử vong mẹ vẫn còn cao so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Cùng với đó là nguy cơ tỷ lệ tử vong trẻ em sinh ra do các bà mẹ tuổi VTN trong năm đầu cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Con của các bà mẹ vị thành niên thường có tỉ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với con của các bà mẹ tuổi trưởng thành.

BS. Nguyễn Công Định - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhấn mạnh, nam giới dưới 20 tuổi, nữ giới dưới 18 tuổi cơ thể chưa phát triển một cách hoàn thiện, ổn định cả về mặt sinh lý, thể chất và tâm lý; chưa có sự chuẩn bị về thể chất, tâm lý, kiến thức sinh sản và giới tính nên quan hệ tình dục sớm sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường về sau. Với nữ giới, do cơ quan sinh dục ở tuổi dậy thì chưa hoàn thiện, âm hộ và âm đạo rất yếu nên việc quan hệ tình dục sớm có thể khiến màng trinh rách nghiêm trọng và tổn thương âm đạo, chức năng tự phòng ngừa của âm đạo bị giảm, dễ viêm nhiễm niệu đạo, âm hộ và âm đạo. Ngoài ra, quan hệ tình dục không dùng biện pháp tránh thai dễ dẫn đến mang thai ngoài ý muốn.

vtn-stock-1677532849245346990906-26-0-409-612-crop-1677533510814411073198

Các biến chứng trong quá trình mang thai và sinh đẻ là nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với các trẻ gái 15-19 tuổi.

Theo BS. Nguyễn Thùy Trang – Trưởng khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, trẻ VTN đang ở độ tuổi ăn chơi, học hành. Do mang thai ngoài ý muốn nên trẻ không có sự chuẩn bị trước, phải đấu tranh tâm lý việc có nên thông báo cho cha mẹ, bạn trai biết hay không, trong khi tâm lý, thể chất ở độ tuổi này chưa vững vàng, trẻ dễ trầm cảm, căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực… Có nhiều trường hợp lo sợ, nếu không được hỗ trợ, động viên từ phía gia đình, người thân thì có thể có những ảnh hưởng đến rối loạn tâm thần, trầm cảm sau sinh. Làm mẹ khi quá trẻ, chưa trưởng thành cơ thể phát triển chưa đầy đủ dễ dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, đó là biến chứng thai kỳ tiềm ẩn. Tỷ lệ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục ở lứa tuổi này cao hơn so với những bà mẹ lớn tuổi, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ. Trẻ mang thai và sinh con ở độ tuổi VTN có thể gây ra các bệnh lý của mẹ như thiếu máu, tiền sản giật, bệnh lý về tuyến giáp thậm chí là nguy cơ đẻ non và sảy thai.

Theo khuyến cáo của BS. Loan, vị thành niên là giai đoạn thay đổi về thể chất và tâm sinh lý. Vì thế, khi có con trong độ tuổi VTN, cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn. Các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện tâm sự với con những định hướng đúng đắn về tình cảm. Cha mẹ và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho trẻ những kiến thức về sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính cho các em.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường giáo dục, chăm sóc sức khoẻ tiền hôn nhân, các vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản, hướng dẫn các biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế tình trạng phá thai và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục. Đặc biệt, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường – gia đình – xã hội. Từ đó, giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khoẻ sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai.

Vũ Phương Bảo Khanh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...