Nên làm gì khi mẹ bầu bị chuột rút?

Thứ Năm, 23/03/2023 02:54 PM (GMT+7)

Chuột rút là sự co thắt đột ngột, ngoài ý muốn và gây đau ở một bắp thịt làm cho sự cử động khó khăn. Đây là một hiện tượng tương đối phổ biến ở các mẹ bầu.

Chuột rút là gì? 

Chuột rút là sự co thắt đột ngột, ngoài ý muốn và gây đau ở một bắp thịt làm cho sự cử động khó khăn. Chuột rút có thể xảy ra ở bất cứ bắp thịt nào, nhưng thường thấy ở bắp chuối giữa đầu gối và cổ chân, bắp thịt đùi và hông (cơ đùi trước và đùi sau giữa đầu gối và hông), dọc theo bàn tay, bàn chân và cơ bụng.

Cơ co có thể chỉ kéo dài vài giây đồng hồ tới vài phút nhưng cũng có thể hết đi rồi co trở lại. Bệnh thường xảy ra vào ban đêm khi đang ngủ hoặc sau khi vận động, sử dụng cơ bắp lâu dài.

chuot-rut-khi-mang-thai

Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị chuột rút

Các bà bầu thường bị chuột rút ở các cơ bắp chân, bắp thịt đùi, hông, gối. Cơn đau khiến bắp chân, đầu gối... cử động khó khăn hơn và kéo dài vài phút. Nguyên nhân thường là:

- Tử cung phát triển, giãn rộng để tạo chỗ cho thai nhi. Các cơ và dây chằng bị kéo căng gây đau nhức và chuột rút. Một số trường hợp tử cung không nằm đúng khớp với xương chậu. Khi tử cung mở rộng chèn ép các dây thần kinh và mạch máu cũng sẽ dễ dẫn đến chuột rút.

- Trọng lượng cơ thể tăng nhiều trong thời gian mẹ mang thai đè nặng lên đôi chân gây ra tình trạng khó lưu thông máu trong các mạch máu.

- Thai nhi cần rất nhiều canxi để phát triển nên mẹ sẽ chuyển một lượng canxi cho thai. Người mẹ thiếu canxi sẽ dễ bị chuột rút.

- Ốm nghén khiến mẹ nôn ói, kém thu nạp dinh dưỡng từ thức ăn. Tình trạng kéo dài sẽ khiến mẹ thiếu chất, vitamin dẫn đến bị rối loạn điện giải và căng cơ, từ đó mẹ bị chuột rút.

Dấu hiệu mẹ chuột rút khi mang thai

Chuột rút khi mang thai là hiện tượng phổ biến và có những dấu hiệu dưới đây:

- Thời gian bị chuột rút là ngay khi vừa bắt đầu giấc ngủ

- Tháng thứ 3 thai kỳ là thời điểm xuất hiện cảm giác khó chịu do bị chuột rút và các cơn đau ngày càng xuất hiện thường xuyên khi thai nhi lớn dần. Tình trạng này có thể xảy ra cả ban ngày và thường nặng hơn vào ban đêm, ảnh hưởng nhiều tới giấc ngủ của mẹ bầu, nhưng không để lại hậu quả gì cho mẹ và sẽ tự hết khi kết thúc thai kỳ.

- Vị trí bị chuột rút thường gặp nhất bao gồm bắp chân, đùi, bàn chân, đặc biệt là ở bắp chân. Ngoài ra còn hay gặp ở tay, thân mình. Lưu ý trường hợp chuột rút ở bụng cần chú ý vì có khả năng sảy thai. Bên cạnh cơn đau đột ngột, sản phụ cũng có thể cảm thấy hoặc nhìn thấy một khối mô cứng bên dưới da.

- Nếu chuột rút khi mang thai có kèm theo các triệu chứng như ra máu, đau mạnh ở bụng hay trên đỉnh vai, thân nhiệt tăng hoặc đau dữ đội ở phần bị đau, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Một số cách khắc phục cho mẹ bầu bị chuột rút

Giữ đủ nước cho cơ thể

Uống nhiều nước trong khi mang thai luôn được khuyến nghị là cách hiệu quả ngăn chuột rút chân. Chị em cân nhắc đặt nhắc nhở trên thiết bị di động mỗi ngày 8-12 cốc nước và lưu ý màu nước tiểu để nhận biết tình trạng mất nước.

Xoa bóp vị trí bị chuột rút

Chị em cũng có thể nhờ người thân hoặc tự xoa bóp nhẹ nhàng vị trí bị chuột rút bằng tay, trong khoảng 30 giây đến một phút triệu chứng sẽ khỏi. Massage bầu trị liệu cũng là cách tích cực để giúp mẹ bầu thư giãn tinh thần, cơ thể trước khi sinh nở.

Giãn cơ trước giấc ngủ

Thực hiện một số động tác thư giãn kéo căng bắp chân trước khi ngủ có thể giúp ngừa hoặc giảm bớt chứng chuột rút chân đáng kể ở mẹ bầu. Chị em đứng quay mặt vào mặt phẳng tường, cách một cánh tay. Đặt tay lên tường cao ngang tầm mắt và đưa chân phải về sau, giữ gót chân chạm sàn. Uốn hơi cong đầu gối trái và giữ chân phải thẳng đến khi cảm thấy cơ bắp chân phải căng ra trong 30 giây và đổi bên.

Tránh ngồi lâu một chỗ

Để tránh ngồi lâu quên đứng dậy, mẹ bầu có thể đặt nhắc nhở trên thiết bị di động mỗi hoặc hai giờ, đứng lên di chuyển nhẹ nhàng. Các mẹ di chuyển trên các chuyến bay dài lưu ý thỉnh thoảng đứng dậy hoặc kiểm tra thể trạng, nhận lời khuyên từ bác sĩ trước chuyến bay xa.

Tập thể dục

Duy trì vận động vừa phải suốt thai kỳ có thể giúp ngăn ngừa tăng cân quá mức, thúc đẩy tuần hoàn và ngăn chuột rút chân hiệu quả. Chị em nhớ không ngồi một chỗ quá lâu, khởi động trước, sau khi tập; nghe tư vấn từ bác sĩ về nhịp vận động phù hợp với thể trạng. Các môn thể thao an toàn và hữu ích cho mẹ và bé, thường được khuyến nghị như yoga cho mẹ bầu, đi tản bộ và bơi lội.

Chườm nhiệt

Mẹ bầu có thể chườm túi vải chườm nhiệt hoặc miếng đệm nhiệt lên vùng cơ đang bị chuột rút, giúp giãn dần cơ và lưu thông tuần hoàn máu.

Vũ Phương Bảo Khanh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....