Nghiên cứu mới: Vắc-xin HPV giúp giảm đáng kể nguy cơ ung thư cổ tử cung

Thứ Ba, 09/04/2019 02:29 PM (GMT+7)

Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng việc triển khai tiêm chủng vắc-xin HPV ở Scotland đã giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở nữ giới.

tiem-vacxin

Năm 2008, Vương quốc Anh đã giới thiệu một chương trình tiêm chủng trên toàn quốc, trong đó tất cả các bé gái từ 12 đến 13 tuổi được tiêm chủng ngừa hai trong số các chủng papilloma virus gây rắc rối nhất ở người là HPV 16 và HPV 18, chúng là nguyên nhân gây ung thư ở cả phụ nữ và nam giới.

Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện ra những tín hiệu đáng mừng về việc triển khai tiêm chủng vắc-xin HPV.Thành công của chương trình tiêm chủng vắc-xin đã được chứng minh là rất đáng chú ý. Theo báo cáo trên Tạp chí Y học Anh, số phụ nữ có dạng tế bào tiền ung thư nghiêm trọng nhất trong cổ tử cung của họ đã giảm tới 89% trong một thập kỷ qua.

Theo lời của các nhà nghiên cứu, vắc-xin HPV đã trực tiếp dẫn đến việc giảm một cách đáng kể về bệnh ung thư cổ tử cung.

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ nhiều trường đại học ở Scotland đã phân tích hồ sơ y tế của 138.692 phụ nữ ở Scotland. Họ đã cho ra kết quả bằng cách so sánh tỷ lệ các tế bào tiền ung thư trong cổ tử cung giữa những phụ nữ chưa được tiêm chủng sinh năm 1988 và những phụ nữ được tiêm chủng sinh năm 1995 và 1996.

Điều thú vị là nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngay cả những phụ nữ chưa được tiêm chủng cũng đang gặt hái những lợi ích và báo cáo sự sụt giảm đáng kể về mức độ bệnh.

Đây là một hiệu ứng được gọi là “bảo vệ bầy đàn” hoặc “miễn dịch bầy đàn”, trong đó những người không được tiêm chủng được bảo vệ hiệu quả khỏi một bệnh truyền nhiễm nếu một phần lớn dân số được tiêm phòng. Bệnh không thể lây lan đủ nhanh vì nó gặp quá nhiều người được tiêm phòng và bị chặn đường.

Australia hiện đang trên đường trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới loại bỏ ung thư cổ tử cung nhờ chương trình vắc-xin toàn diện. Xa hơn, mô hình này cho thấy bệnh ung thư cổ tử cung sẽ hoàn toàn bị xóa sổ ở 149 trên tổng số 181 quốc gia vào năm 2100 nếu tốc độ tiến triển hiện tại tiếp tục.

HPV là gì?

HPV là viết tắt của từ virus gây u nhú ở người, một virus có thể gây viêm nhiễm ở nhiều bộ phận của cơ thể.

Có khoảng hơn 100 type của HPV, được nhóm lại thành (i) các type nguy cơ cao (có thể gây ung thư) và (ii) các nhóm nguy cơ thấp (không gây ung thư).

Khoảng 30-40 type của HPV có thể gây viêm nhiễm vùng sinh dục; và có thể gây ra mụn cóc sinh dục ở cả nam và nữ giới, ung thư cổ tử cung ở nữ giới và ít gặp hơn, ung thư hậu môn và dương vật ở nam giới.

Một số type HPV khác có thể gây viêm nhiễm ở da của các ngón tay, bàn tay và mặt.

Tiêm vắc-xin HPV ngừa ung thư cổ tử cung sẽ bị tác dụng phụ?

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể bị ung thư phụ khoa, bao gồm ung thư cổ tử cung, thân tử cung, buồng trứng, âm hộ và âm đạo. Những năm gần đây, tỉ lệ mắc ung thư đang tăng lên ở những người trẻ. Khoa Ngoại Ung bướu vừa tiếp nhận bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung khi em vừa bước vào tuổi 26, đây là trường hợp được xem là trẻ nhất.

Do vậy, việc tiêm vắc-xin HPV ngừa ung thư cổ tử cung cho các bé gái là một điều hết sức cần thiết. Các bé gái từ 9 tuổi đến phụ nữ 23 tuổi đều có thể tiêm vắc-xin HPV ngừa ung thư cổ tử cung. Đa số các bác sĩ (BS) khuyến cáo độ tuổi tiêm ngừa tốt nhất là 11-12 tuổi. Các nghiên cứu cho thấy vắc-xin HPV có hiệu quả trong việc ngăn ngừa tình trạng nhiễm HPV và các tổn thương tiền ung thư do HPV gây ra. Từ đó làm giảm các nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung sau này.

Ung thư cổ tử cung hiện là một trong những loại ung thư phụ khoa thường gặp nhất, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Hiện nay có 3 loại vắc-xin HPV bao gồm: Gardasil, Gardasil-9 và Cervarix. Tại Việt Nam, có 2 loại vắc-xin Cervarix phòng ngừa 2 loại HPV 16,18; vắc-xin Gardasil: ngừa 4 loại 6, 11, 16, 18. Trước 15 tuổi chích 2 mũi lần đầu và 6 tháng sau; sau 15 tuổi chích 3 lần: 0-2-6 tháng

Các loại này khác nhau về số chủng HPV có thể phòng ngừa. Vắc-xin có thể gây ra một số phản ứng tại chỗ tiêm như sưng, đỏ, đau nhẹ giống các loại vắc-xin khác.

Thuốc chủng ngừa HPV không ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm HIV, herpes, chlamydia và lậu. Do vậy, để phòng bệnh ung thư cổ tử cung, ngoài việc thực hiện quan hệ tình dục an toàn thì tiêm phòng vắc-xin HPV là biện pháp an toàn và hiệu quả để phòng bệnh.

Duyen

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...