Người trẻ châu Á ngày càng sợ kết hôn, ngại sinh con

Thứ Sáu, 23/12/2022 06:30 PM (GMT+7)

Chi phí sính lễ và nuôi con cao cùng trọng trách chăm sóc gia đình không được san sẻ là những lý do phổ biến khiến giới trẻ nhiều nước châu Á sợ kết hôn, ngại sinh con, thậm chí là lựa chọn sống độc thân trọn đời.

Một khảo sát mới đây của Viện Phát triển Hàn Quốc cho thấy 52,4% người trẻ chưa kết hôn ở độ tuổi 20 cho biết không muốn sinh con sau khi kết hôn. Tỷ lệ này tăng mạnh so với con số 23,3% của cuộc khảo sát cách đây 5 năm. Chỉ có 28,3% cho biết có kế hoạch sinh con sau khi kết hôn. 

Các nhà phân tích nhận định chi phí nuôi dạy trẻ cao là nguyên nhân dẫn đến xu hướng người trẻ không muốn sinh con sau khi kết hôn. Theo báo cáo của Ngân hàng đầu tư Jefferies Financial Group (Mỹ), tỷ lệ chi phí nuôi dạy trẻ trên GDP đầu người của Hàn Quốc được xếp vào hàng cao nhất thế giới. 

Số liệu công bố hồi tháng 3 từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho thấy chỉ có 193.000 cặp đôi kết hôn vào năm ngoái - giảm 9,8% so với năm trước và thấp nhất kể từ năm 1970, khi cơ quan này bắt đầu tổng hợp dữ liệu liên quan. 2021 cũng là năm thứ 10 liên tiếp số người kết hôn ở Hàn Quốc giảm.  

Theo Yonhap, sở dĩ ngày càng nhiều thanh niên tại Hàn Quốc chọn cách né tránh 3 cột mốc quan trọng trong đời - gồm hẹn hò, kết hôn và sinh con, là vì họ không thể tìm được việc làm ổn định trong bối cảnh kinh tế suy thoái kéo dài. Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 cũng là một nguyên nhân. Mặt khác, việc người chồng ít san sẻ gánh nặng chăm sóc con cái, khiến nhiều phụ nữ không muốn sinh thêm con. Một khảo sát hồi năm 2021 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc cho thấy một bà mẹ làm nội trợ có con dưới 12 tuổi dành 3,7 tiếng/ngày để chăm con, trong khi người cha chỉ bỏ ra 1,2 tiếng. Ở những gia đình cả hai vợ chồng đều đi làm, phụ nữ dành ra 1,4 tiếng trong khi đàn ông là 0,7 tiếng.

Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại Trung Quốc khi ngày càng nhiều thanh niên không muốn kết hôn và số lượng đám cưới cũng giảm đáng kể những năm gần đây. Cụ thể, năm 2021 nước này có 7,63 triệu đám cưới, giảm 6,3% so với năm trước và giảm 40% so với một thập kỷ trước. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xu hướng “sợ cưới” là phụ nữ tại các thành phố lớn đã độc lập hơn về tài chính và giới trẻ nói chung ngày càng muốn khẳng định bản thân, kiếm tiền và hưởng thụ cuộc sống nên trì hoãn lập gia đình.

z365

Còn với người đã lập gia đình, chi phí nuôi con cao khiến họ ngại sinh con. Báo cáo của Jefferies cho thấy Trung Quốc là nơi đắt đỏ nhất để nuôi con đến18 tuổi, trung bình tốn hơn 75.000USD và cần thêm 22.000USD cho chi phí học đại học (tổng cộng gần 2,3 tỉ đồng). 

Tình trạng thanh niên chọn sống độc thân cũng là vấn đề gây đau đầu tại Nhật Bản, nước có tốc độ già hóa dân số nhanh chóng trong khi tỷ lệ sinh liên tục giảm, kể từ những năm 1970 đến nay. Viện Nghiên cứu Quốc gia về Dân số và An sinh Xã hội dự báo số người sống một mình sẽ chiếm gần 40% tổng số hộ gia đình ở nước này vào năm 2040.

Nỗ lực của giới quản lý

Ðể giải quyết tình trạng “sợ cưới, ngại sinh” của giới trẻ, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch giảm thuế thu nhập cá nhân kèm theo nhiều ưu đãi khác để khuyến khích người trẻ kết hôn và sinh con. Nước này còn đưa ra những biện pháp động viên các cặp vợ chồng sử dụng chế độ nghỉ phép để chăm con và tăng cường dịch vụ chăm sóc trẻ em.

Trong khi đó, giới chức Trung Quốc liên tiếp có động thái nới lỏng chính sách dân số, đặc biệt là việc cho phép sinh 3 con từ giữa năm 2021. Gần đây, nước này đã thông qua nhiều chính sách khuyến khích sinh 3 con, như miễn học phí từ mẫu giáo đến trung học phổ thông, trợ cấp bảo hiểm, sinh hoạt cho đứa con thứ ba đến 18 tuổi. Ngoài 98 ngày nghỉ thai sản, nhiều địa phương còn cấp thêm 30 ngày nghỉ cho người sinh con thứ ba.

Ðể tăng tỷ lệ sinh trên toàn quốc, giới chức Nhật cũng ban hành các chính sách khuyến khích kết hôn và sinh con, bao gồm tặng tiền cho các gia đình khi sinh con thứ ba và tăng ngày nghỉ phép chăm con mới sinh cho nam giới. 

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...