Nguyên nhân hình thành “cứt trâu” ở trẻ nhỏ và cách phòng tránh

Thứ Tư, 17/06/2020 11:44 AM (GMT+7)

Cứt trâu ở trẻ nhỏ thực chất là một hiện tượng bình thường. Do trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt trong giai đoạn 06 tháng đầu. Nếu cứt trâu chỉ đóng thành lớp mỏng thì cũng không gây ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của trẻ, sau 1, 2 năm sẽ hết.

CUT-TRAU

Nguyên nhân hình thành “cứt trâu”

 “Cứt trâu” trên đầu của trẻ sơ sinh là những vảy cứng trên da đầu, màu vàng hoặc xám, tập trung thành đám hoặc toàn bộ da đầu, gặp ở bé có độ tuổi vài tuần đến một năm tuổi

Nguyên nhân hình thành “cứt trâu” có thể là do sự bài tiết quá mức các chất nhờn của nang tuyến, gây dính bết các tế bào da chết thành từng mảng gắn chặt vào da đầu. 

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến sự gia tăng bài tiết chất nhờn chính là: nội tiết tố của mẹ vẫn còn lưu hành trong máu của bé; hệ tiêu hóa chưa trưởng thành không có khả năng hấp thu đủ biotin; các vitamin E thiết yếu và muối khoáng hiệu quả; gội đầu không thường xuyên làm tích tụ chất nhờn và gia tăng các vi khuẩn.

 “Cứt trâu” cũng có thể gặp ở những trẻ bị bệnh viêm da cơ địa. Ngoài biểu hiện “cứt trâu”, trẻ còn có những vùng da khi sần, nhiều mụn nhỏ li ti, gặp nhiều ở má, trán… xuất hiện nhiều đợt dù được điều trị. 

“Cứt trâu” là môi trường thuận lợi để cho nấm Pityrosporum Ovale phát triển làm cho bé ngứa ngáy khó chịu. “Cứt trâu” là một hiện tượng bình thường và vô hại¸có thể xảy ra ở 50% trường hợp trẻ nhũ nhi. Trong một số hiếm trường hợp, “cứt trâu” có thể lan đến những vùng da khác của trẻ.

Những dấu hiệu thường gặp

Trẻ em càng lớn “cứt trâu” càng ít đi, đến hơn 1 tuổi có thể hết hẳn. Nếu cứt trâu là lớp mỏng thì chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường không đáng lo ngại. Nhưng cũng có trường hợp “cứt trâu” đóng thành từng tảng dày bết vào chân tóc, dày làm bé ngứa ngáy phải gãi đầu thường xuyên. Như vậy có thể gây biến chứng nhiễm khuẩn mưng mủ, nổi đinh nhọt ở da đầu.

Dấu hiệu thường gặp của hiện tượng “cứt trâu” như: Vảy cứng từng mảng hoặc toàn bộ vùng đầu. Vùng “cứt trâu” bị rụng tóc. Da bóng nhờn và nứt nẻ, bên dưới vảy da đỏ ướt. Trẻ có thể hay quấy khóc. Hoặc nếu bội nhiễm liên cầu, tụ cầu sẽ có hiện tượng viêm nhiễm, chảy nước vàng, chốc nhọt…

Một số cách loại bỏ “cứt trâu” ở trẻ nhỏ

Để giải quyết hiện tượng “cứt trâu”, phụ huynh không được cố gắng lấy hoặc kỳ cọ mạnh tay vì sẽ làm da bé bị tổn thương, viêm nhiễm.

Bôi lên da đầu loại dầu chăm sóc da dành cho trẻ nhỏ hoặc một trong các loại sau: parafin, vaseline, mỡ axit salicylic 2%, tinh dầu tự nhiên trước khi tắm gội vài ba giờ để làm cho lớp vảy mềm và tự tróc ra. Khi tắm cho con, bạn làm ướt tóc của bé với nước ấm. Sau đó, các mẹ có thể dùng một bàn chải (hoặc khăn khô), nhẹ nhàng chà xát vùng bị cứt trâu để loại bỏ các vảy bám.

Phụ huynh có thể gội đầu cho trẻ bằng chanh hoặc loại dầu gội có độ pH thấp, dầu gội đầu dịu nhẹ, không gây dị ứng để gội đầu cho bé. Để dầu gội trên tóc bé một chút, cho cứt trâu mềm, sau đó, gội sạch với nước ấm. Trường hợp nhẹ và vừa sẽ chóng sạch “cứt trâu”, nếu trẻ bị nặng cần làm vài ngày cho sạch hẳn.

Nếu trẻ bị “cứt trâu” có kèm theo viêm da cơ địa hoặc có bội nhiễm liên cầu, tụ cầu thì bắt buộc phải đưa trẻ đi khám, tuyệt đối không được bôi thuốc tùy tiện cho trẻ. 

Cách phòng tránh bệnh "cứt trâu" cho bé

Đề phòng cứt trâu, cần giữ da đầu trẻ sạch, khô. Gội đầu hàng ngày bằng dầu gội của trẻ để loại bỏ chất nhờn và tế bào chết.

Vào những ngày ấm áp, không cần đội mũ cho trẻ vì có thể gây bí và ẩm da đầu. Nên chọn những chiếc mũ có chất liệu cotton mềm mại để đội cho con.

Cứt trâu ở trẻ nhỏ thực chất là một hiện tượng bình thường. Do trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt trong giai đoạn 06 tháng đầu. Nếu cứt trâu chỉ đóng thành lớp mỏng thì cũng không gây ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của trẻ, sau 1, 2 năm sẽ hết. Chỉ khi hiện tượng này quá trầm trọng, kết hợp có bội nhiễm vi khuẩn làm đỏ da, mưng mủ, hoặc gây ngứa như chàm bã nhờn thì cần phải đưa trẻ đi khám để được điều trị bằng thuốc.

Trần Thị Hải Yến

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....