Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa viêm lộ tuyến cổ tử cung

Thứ Năm, 06/10/2022 07:04 AM (GMT+7)

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là bệnh lý thường hay gặp ở nữ giới, đặc biệt là chị em đang trong độ tuổi sinh sản, đã từng sinh con. Nếu không được can thiệp, xử trí kịp thời và đúng cách có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và đời sống tình dục, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm .

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì?

Viêm lộ tuyến cổ tử cung (Cervical Ectropion) là tình trạng tổn thương lành tính do các tế bào tuyến nằm trong ống cổ tử cung phát triển và xâm lấn ra bên ngoài của cổ tử cung gây tổn thương cổ tử cung. Các tuyến thực hiện chức năng bài tiết dịch nhầy, nằm dưới lớp biểu mô của cổ tử cung bị lộ ra ngoài bị nhiễm bệnh bởi vi khuẩn, nấm, vi rút, vi trùng…

Do các tế bào tuyến lộ ra ngoài vẫn tiết dịch như khi ở trong cổ tử cung nên bệnh nhân thường có hiện tượng tăng tiết dịch trong âm đạo, dễ dẫn đến viêm nhiễm (khi đó gọi là lộ tuyến viêm). Bệnh thường gặp ở phụ nữ đã từng quan hệ tình dục, phụ nữ đang trong độ tuổi sinh nở hoặc mới sinh xong. Tuy nhiên, một vài trường hợp bệnh là bẩm sinh.

20210411_viem-lo-tuyen-co-tu-cung-gay-ra-boi-su-tan-cong-cua-cac-te-bao-tuyen-1

Bệnh được chia thành 3 cấp độ như sau:

Cấp độ 1: Tế bào tuyến trong cổ tử cung chỉ mới lan ra bên ngoài, diện tích tổn thương nhỏ, chưa vượt quá 30%. Tình trạng viêm nhiễm chưa lan rộng, chưa gây ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và quan hệ tình dục.

Cấp độ 2: Diện tích cổ tử cung bị tổn thương đã lan rộng đến khoảng 50-70%. Thăm khám và điều trị sớm là cách duy nhất tránh các biến chứng nguy hiểm.

Cấp độ 3: Vùng cổ tử cung bị tổn thương lan rộng hơn 70% diện tích. Các triệu chứng bệnh ngày càng nặng nề hơn và nguy cơ nhiều biến chứng nguy hiểm xuất hiện, cần xử trí ngay lập tức.

Nguyên nhân gây viêm lộ tuyến cổ tử cung

Khi tìm hiểu về bệnh lý viêm lộ tuyến tử cung, việc xác định rõ nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp ích rất nhiều cho việc điều trị một cách hiệu quả. Một số nguyên nhân chính cần phải kể đến đó là:

Rối loạn nội tiết tố nữ: Việc thay đổi nội tiết tố ở chị em phụ nữ dù ít hay nhiều cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể. Mất cân bằng hormone estrogen có thể khiến sức khỏe vùng kín bị suy yếu, hàng rào bảo vệ âm mạc sụp đổ và làm cho các vi khuẩn, nấm men, ký sinh có điều kiện sinh sôi, phát triển hơn.

Mất cân bằng pH âm đạo: Nhiều chị em có thói quen sử dụng các dung dịch vệ sinh vùng kín có chứa nhiều chất tẩy rửa mạnh, thụt rửa sâu vào bên trong âm đạo,… hoặc thói quen dùng thuốc kháng sinh liều cao, thuốc tránh thai dài ngày. Tất cả những yếu tố trên có thể gây mất cân bằng độ pH âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn.

Cổ tử cung bị chấn thương: Sử dụng bao cao su trong quá trình quan hệ, dùng đồ chơi tình dục hay dụng cụ tránh thai có thể gây nên những tổn thương nhất định ở vùng cổ tử cung, khiến chúng bị kích thích và gây viêm tại chỗ.

Nạo phá thai không an toàn, nhiều lần: Những can thiệp ngoại khoa ở vùng kín đặc biệt là nạo phá thai, sảy thai nhiều lần khiến cho cổ tử cung đàn hồi kém, dễ bị tổn thương và vi khuẩn dễ dàng tấn công hơn.

Nhiễm bệnh đường tình dục: Những bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục nguy hiểm như lậu, giang mai, mụn cóc sinh dục,… có thể gây biến chứng và chuyển sang viêm lộ tuyến.

Ngoài những nguyên nhân chính ở trên, viêm lộ tuyến còn có thể xảy ra do chị em phụ nữ có quan hệ tình dục quá sớm, quan hệ với nhiều bạn tình. Ở những người đã sinh nở nhiều lần, khả năng bị nhiễm viêm lộ tuyến cao hơn hẳn.

20210411_cac-benh-viem-nhiem-phu-khoa-cung-co-the-la-nguyen-nhan-gay-ra-viem-lo-tuyen-co-tu-cung-2

Các dấu hiệu nhận biết lộ tuyến cổ tử cung

Có thể phát hiện lộ tuyến cổ tử cung như sau:

Phát hiện tình cờ ở 1 số phụ nữ qua khám phụ khoa định kỳ vì đa số phụ nữ lộ tuyến cổ tử cung không có dấu hiệu hay triệu chứng gì bất thường.

Một số người phụ nữ sẽ có biểu hiện tiết dịch âm đạo nhiều hơn bình thường, và đây thường là lý do làm cho phụ nữ đi khám.

Phụ nữ có lộ tuyến cổ tử cung có thể gặp tình trạng ra máu âm đạo sau giao hợp. Sau đó phát hiện được lộ tuyến qua khám phụ khoa.

+ Đối với viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể nghi ngờ khi có các biểu hiện sau:

+ Ra nhiều khí hư, thay đổi màu sắc khí hư như trắng đục, xanh hoặc vàng.

+ Khí hư có mùi hôi tanh khó chịu, kèm theo bọt, vùng kín bị ngứa ngáy.

+ Quan hệ tình dục ra máu, các lộ tuyến đã phát triển hẳn ra bên ngoài cổ tử cung, khi quan hệ người phụ nữ sẽ bị trầy xước và chảy máu.

+ Xuất huyết âm đạo khi không trong chu kỳ kinh nguyệt.

+ Đau quặn thắt bụng như đau bụng kinh.Giảm ham muốn quan hệ tình dục.

Các triệu chứng kể trên có thể nhầm với một số bệnh lý khác, do vậy cần phải đi khám phụ khoa để chẩn đoán xác định.

20210411_viem-lo-tuyen-co-tu-cung-khien-nguoi-benh-bi-dau-that-bung-duoi-3

Biến chứng của viêm lộ tuyến cổ tử cung

Tuy đây là căn bệnh lành tính, nhưng nếu như không phát hiện và chữa trị sớm sẽ gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm, dưới đây:

+ Làm ảnh hưởng đến quá trình thụ thai.

+ Tăng nguy cơ mắc phải bệnh ung thư cổ tử cung.

+ Gây ra những căn bệnh phụ khoa khác như viêm tiểu khung hay viêm nội mạc cổ tử cung,…

+ Giảm ham muốn tình dục.

+ Gây ra nhiều ảnh hưởng đến các hoạt động sống hàng ngày.

Cách chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung như thế nào?

Viêm lộ tuyến cổ tử cung sẽ rất dễ chữa khỏi nếu như được phát hiện sớm. Bởi đây là một căn bệnh lành tính. Tuy nhiên, tùy theo tình trạng bệnh để có cách chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung hiệu quả. Một số phương pháp chữa trị phổ biến thường được áp dụng, như sau:

Điều trị bằng thuốc

Điều trị bằng thuốc là phương pháp mà các bác sĩ sẽ áp dụng đối với giai đoạn đầu của bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung. Có 2 loại thuốc thường được sử dụng, đó là:

Thuốc kháng sinh: Dùng để tiêu diệt các loại vi khuẩn gây ra tình trạng viêm ở lộ tuyến cổ tử cung. Đối với việc sử dụng những loại thuốc này, cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Thuốc đặt âm đạo: Thường chỉ sử dụng cho những trường hợp viêm nhẹ.

Áp dụng các phương pháp chữa trị hiện đại

Trong trường hợp tình trạng viêm quá nặng và việc điều trị bằng thuốc không hiệu quả, các bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp chữa trị hiện đại sau:

Phương pháp áp lạnh: Đây là một phương pháp làm các tế bào viêm đông lại bằng cách dùng một loại dụng cụ y tế bằng kim loại áp sát vào vùng cần chữa trị. Sau đó, bơm khí Nitơ hóa lỏng vào. Cách chữa trị này khá nhanh và có thể tiêu diệt hiệu quả tác nhân gây bệnh.

Phương pháp đốt điện: Mang hiệu quả chữa trị khá cao.

Phương pháp Dao LEEP: Được đánh giá mang lại hiệu quả cao nhất trong số các phương pháp điều trị, bằng việc cắt bỏ hoàn toàn tế bào viêm bởi dây quây điện với điện thế thấp. Đặc biệt, quá trình hồi phục sau khi thực hiện phương pháp chữa trị này khá nhanh.

20210411_bac-si-se-dua-theo-tinh-trang-benh-de-co-cach-chua-viem-lo-tuyen-co-tu-cung-hieu-qua-4

Cách phòng ngừa bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung

Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung,  chị em cần lưu ý những vấn đề sau trong lối sống và sinh hoạt, bao gồm:

+ Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng đầy đủ các biện pháp bảo vệ;

+ Vợ chồng cần tránh những hoạt động tình dục thô bạo gây tổn thương lên vùng kín;

+ Không nạo phá thai để bảo vệ sức khỏe và tránh tình trạng viêm nhiễm;

+ Vệ sinh vùng kín hàng ngày sạch sẽ, sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ đúng cách, lau khô vùng kín trước khi mặc quần áo để tránh ẩm ướt sinh ra nấm. Đặc biệt, vệ sinh vùng kín sạch sẽ trong suốt thời gian hành kinh, trước và sau khi quan hệ tình dục, tuyệt đối không dùng tay thụt rửa sâu trong âm đạo;

+ Lựa chọn nội y vừa vặn, không mặc quần lót quá chật, quá bó hoặc chất vải gây bí;

+ Hạn chế tối đa việc dùng thuốc kháng sinh, không tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ bởi thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn có lợi ở âm đạo, dẫn đến môi trường âm đạo dễ bị vi khuẩn có hại tấn công gây viêm nhiễm;

+ Thăm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần được xem là cách tầm soát cổ tử cung cùng nhiều bệnh phụ khoa nguy hiểm.

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả viêm lộ tuyến cổ tử cung. Tuy nhiên, tùy vào trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ có cân nhắc tư vấn và hướng dẫn áp dụng phác đồ điều trị riêng biệt, phù hợp và hiệu quả ở mỗi người.

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....