Nhà hai con gái, hạnh phúc đong đầy

Thứ Năm, 17/09/2020 09:57 AM (GMT+7)

Mặc dù quan niệm chuộng con trai vẫn còn tồn tại ở một bộ phận nhưng nhiều gia đình hai con một bề là gái đầm ấm, hạnh phúc đã dần làm thay đổi ý thức cộng đồng.

trai-gai

"Con cái dù trai hay gái không quan trọng"

Chị Phạm Trần Hồng Sương, cán bộ dân số xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ chia sẻ, trong công tác tuyên truyền về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, bản thân chị và đội ngũ cộng tác viên dân số thường lấy những gia đình sinh con một bề là gái kinh tế khấm khá, con cái hiếu thuận ở địa phương để nêu gương.

Đó là những gia đình nề nếp, có uy tín tại cộng đồng, được biểu dương nhân dịp kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12 hàng năm. Và quán cà phê Phương Duy, ở ấp Thới Bình B, cạnh Trạm Y tế xã Thới Thạnh, thường là điểm hẹn lý tưởng của chị em khi họp nhóm nhỏ tuyên truyền về DS-KHHGĐ.

Chủ quán cà phê Phương Duy là vợ chồng chị Huỳnh Thị Mỹ Duyên (47 tuổi) và anh Lê Thành Trung (60 tuổi) có hai con gái. Chị Duyên kể, sau khi hai vợ chồng sinh liên tiếp hai con gái, hai bên nội ngoại đều khuyên anh chị kiếm thêm con trai để "nối dõi tông đường". Tuy nhiên, anh chị nghĩ, con nào cũng là con, sợ nhất là sinh con đông nhưng không đủ điều kiện nuôi dạy, nên đồng thuận dừng chuyện sinh nở, chăm lo làm ăn.

Thuở đầu, "cơ ngơi" của đôi vợ chồng trẻ chỉ là một mái che nhỏ với vài chiếc ghế cóc bán nước giải khát ven đường. Dần dà, vợ chồng tích góp, quán nước ngày càng thu hút khách, được xây cất khang trang, cuộc sống gia đình khá giả hơn. Hai đứa con gái, một đang học lớp 11 và một đang học lớp 9 đều chăm học. Ngoài giờ học, hai chị em còn giúp mẹ quán xuyến công việc nội trợ và tiếp việc buôn bán.

Chị Duyên bộc bạch: "Gia đình luôn rộn tiếng cười, vợ chồng con cái đi đâu cũng muốn mau mau về nhà. Quả thật, con cái dù trai hay gái không quan trọng, chủ yếu vợ chồng yêu thương nhau, dạy dỗ con đàng hoàng thì cuộc đời coi như mãn nguyện rồi".

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, cộng tác viên dân số xã Trường Thành, huyện Thới Lai gắn bó 26 năm với công tác dân số chia sẻ: "Làm cộng tác viên dân số phải xây dựng mối quan hệ thân thiết với chị em trong xóm, họ tin tưởng mình sẽ tiện bề "kề tai nói nhỏ" những chuyện sinh nở, kế hoạch hóa gia đình, nuôi dạy con cái. Nhiều em gái vừa mới lớn đã lấy chồng, trong đó một số em lấy chồng nước ngoài, mình phải tiếp cận để tư vấn, giúp các em có kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản. Cộng tác viên phải thường lui tới những gia đình đã sinh đông con nhưng có ý định sinh thêm con trai để thuyết phục cả vợ lẫn chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình".

Chị Dung còn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, nên thường lồng ghép nội dung tuyên truyền về dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh vào các cuộc họp của chi hội, nhóm tiết kiệm định kỳ 2 lần/tháng. Ngoài ra, chị còn vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ những cặp vợ chồng có gia cảnh khó khăn, công tác tuyên truyền vận động tại cộng đồng đạt hiệu quả hơn.

Ông Lê Hoàng Long, Trưởng phòng DS-KHHGĐ huyện Thới Lai cho biết, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn huyện nhiều năm qua ở ngưỡng cho phép, với kết quả điều tra là 106 bé trai/100 bé gái khi sinh. Tuy nhiên, theo ông Long, ngành Dân số huyện vẫn chủ động nhiều biện pháp nâng cao nhận thức cộng đồng.

Hàng năm, Phòng DS-KHHGĐ đều tổ chức tập huấn để bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cộng tác viên dân số. Đầu tháng 9/2020, Phòng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tập huấn cho trên 130 cộng tác viên dân số về mất cân bằng giới tính khi sinh và khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Thời gian tới, cán bộ dân số sẽ tham gia với cộng tác viên trong các cuộc sinh hoạt nhóm nhỏ cũng như lồng ghép nội dung về dân số nói chung, mất cân bằng giới tính khi sinh nói riêng vào các cuộc sinh hoạt của Ban ngành, đoàn thể. Trong năm học mới, cán bộ Phòng DS-KHHGĐ huyện đến các trường học nói chuyện chuyên đề về giới và bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm trang bị kiến thức cho học sinh.

Hà Thủy

Duyen

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....