"Nhiều người chưa thật sự hiểu thấu đáo Nghị quyết 21 về bước chuyển trọng tâm chính sách dân số và phát triển"

Thứ Sáu, 14/06/2019 07:10 AM (GMT+7)

 Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế quốc dân đã nhấn mạnh như vậy tại Tọa đàm trực tuyến “Dân số và phát triển: Cơ hội và thách thức mới” do Tổng cục DS-KHHGĐ phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 13/6.

Giá trị lớn từ Nghị quyết 21-NQ/TW

Chia sẻ về những giá trị mà các Nghị quyết về dân số được Ban chấp hành Trung ương ban hành đã tạo ra các bước ngoặt lớn, quan trọng, GS Nguyễn Đình Cử nói: “Trước hết, phải nói cảm xúc của chúng tôi -những nhà nghiên cứu khi đón nhận chính sách dân số mới của Đảng, trong lịch sử Việt Nam đã có 2 Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương về dân số là Nghị quyết 04-NQ/HNTW năm 1993 và Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017. Tôi thấy nhiều giá trị rất lớn”.

Giáo sư Nguyễn Đình Cử

Giáo sư Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: ĐBND

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cử, giá trị lớn đầu tiên có thể nhận thấy rõ là Nghị quyết 21-NQ/TW đã nhạy bén phát hiện đúng và trúng những vấn đề dân số của nước ta hiện nay, những vấn đề này đã tác động rất mạnh đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Đó là những vấn đề như mức sinh thấp, có sự khác biệt giữa các vùng miền, cơ cấu dân số vàng đồng thời với già hoá, mất cân bằng giới tính khi sinh, phân bố dân số chưa hợp lý, chất lượng dân số chưa cao… Cơ cấu dân số vàng khoảng từ năm 2006 thì đến năm 2011 chúng ta đã bước vào quá trình già hoá dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh mới khoảng từ năm 2007.

Giá trị lớn tiếp theo đó là chính sách dân số mới đề ra hệ quan điểm, mục tiêu, giải pháp mới cho chính sách dân số của nước ta. Tất cả những điều mới này là cuộc cách mạng về chính sách dân số ở Việt Nam vì nó thay đổi hoàn toàn mục tiêu. Cũng có thể nói đây là bước ngoặt của chính sách. Khi phát hiện đúng vấn đề và có hệ thống giải pháp đúng thì sẽ làm tăng hiệu quả đầu tư cho công tác dân số nước ta, quan trọng nhất là góp phần phát triển bền vững đất nước. Đây là giá trị cối lõi của chính sách dân số mới.

Y tế là giải quyết những vấn đề gấp, nguy hiểm, còn dân số là rất quan trọng nhưng lâu dài

Đứng ở góc độ của một nhà nghiên cứu, Giáo sư Nguyễn Đình Cử cho biết, để giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội, nghị quyết 21-NQ/TW đã đề ra 7 nhóm giải pháp tổng quát.

Sau Nghị quyết 21-NQ/TW không lâu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 137/NQ-CP và cụ thể hoá nghị quyết này bằng 42 đề án. Đây là bước cụ thể hoá rất lớn, nhưng theo Giáo sư Cử thì vấn đề đáng tiếc là cho đến nay, sau 2 năm thì chưa có đề án nào xây dựng xong, mà khi chưa có kịch bản thì không thể triển khai được. Do đó, Giáo sư đề nghị trước mắt Chính phủ cần đôn đốc tất cả các Bộ, ban, ngành đã được giao đề án phải xong sớm, trình để Chính phủ duyệt.

Giáo sư Nguyễn Đình Cử-2

“Y tế là giải quyết những vấn đề gấp, nguy hiểm, còn dân số là rất quan trọng nhưng lâu dài” – Giáo sư Nguyễn Đình Cử. Ảnh: ĐBND

Giáo sư Nguyễn Đình Cử cũng phân tích: “Một điểm đáng nói nữa là khi cần Tổng cục thì có Uỷ ban, nhưng khi chúng ta cần Uỷ ban thì chỉ có Tổng cục. Tôi nói như vậy là bởi vì khi chúng ta chỉ giải quyết vấn đề giảm sinh thì có Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình. Thực ra lúc bấy giờ chỉ cần một Tổng cục DS-KHHGĐ nằm trong Bộ Y tế là ổn, nhưng hiện nay có 24 chỉ tiêu có trong rất nhiều lĩnh vực, các bộ, ban, ngành thì chỉ còn Tổng cục”.

Nói về những khó khăn và sự khác biệt trong việc tiếp cận với đối tượng đích, Giáo sư Nguyễn Đình Cử cho rằng: Với mô hình dân số nằm trong cơ quan y tế như hiện nay, khó ở chỗ y tế chờ bệnh nhân đến, còn dân số là đến với khách hàng. Y tế là giải quyết những vấn đề gấp, nguy hiểm, còn dân số là rất quan trọng nhưng lâu dài.

Rõ ràng, nếu dân số là một phần của y tế, thì thường sẽ chỉ tập trung xử lý nguồn lực cho những vấn đề gấp, vấn đề cấp cứu trước, còn vấn đề dân số là sau. Do đó dẫn đến mâu thuẫn trong bộ máy hiện nay, nhưng lại chưa thể đề xuất được vấn đề.

“Bản thân tôi là người nghiên cứu, cũng đi quan sát từ cấp xã, cấp huyện, đến tỉnh thì cũng đã phát hiện ra vấn đề nhưng lại đang vướng Nghị quyết 18 và 19 nên chưa thể tìm ra lời giải” – Giáo sư Nguyễn Đình Cử nói.

“Vướng tư duy dẫn đến vướng nguồn lực”

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cử, thách thức lớn nhất hiện nay chính là về nhận thức, về sự hiểu biết một cách tường tận, triệt để, căn cơ về Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Bởi gần 60 năm nay, chúng ta tư duy chính sách DS - KHHGĐ theo kiểu, nhắc đến dân số là nhắc đến giảm sinh, là kế hoạch hoá gia đình. Nó đã trở thành dấu ấn trong tư duy người Việt Nam rằng vấn đề dân số chỉ là vấn đề sinh đẻ. Do đó, theo Giáo sư, tư duy này hiện nay vẫn còn rất nặng nề, vẫn áp vào bộ máy y tế từ Trung ương đến cơ sở.

Trao đổi thêm về việc triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW, Giáo sư Nguyễn Đình Cử chia sẻ: “Năm 2018, tôi tham dự rất nhiều hội thảo về dân số nhưng tôi thấy nhiều người chưa thật sự hiểu một cách thấu đáo về Nghị quyết 21-NQ/TW về bước chuyển trọng tâm chính sách dân số và phát triển. Như vậy, vướng nhất hiện nay là vấn đề nhận thức thay đổi tư duy. Thay đổi điều này rất khó khăn, không thể trong một sớm một chiều, và nếu tư duy chưa thay đổi thì các hành vi, các biểu hiện về bộ máy tổ chức, đầu tư sẽ còn vướng. Từ vướng tư duy dẫn đến vướng nguồn lực”.

Về những khó khăn, thách thức trong việc triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW, Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu về dân số cũng chỉ rõ:

Nếu chúng ta không chuyển trọng tâm một cách trọn vẹn, không tận dụng được cơ hội dân số vàng, không thích ứng được già hoá dân số, không giảm được mất cân bằng giới tính khi sinh, không nâng cao được chất lượng dân số thì tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại. Những biểu hiện về hậu quả xã hội của mất cân bằng giới tính khi sinh rất nặng nề và phân bố dân số ngày càng bất hợp lý. Tất cả những điều đó sẽ ảnh hưởng toàn diện đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...