Những bệnh lý về da tăng cao khi thời tiết hanh khô

Thứ Ba, 18/10/2022 08:51 AM (GMT+7)

Thời tiết giao mùa, hanh khô khiến số người gặp các bệnh lý về da tăng cao trong những ngày qua. Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh không nên chủ quan và tự ý bôi/uống các thuốc chữa bệnh viêm da mà không rõ nguồn gốc.

Thông tin từ Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, những ngày qua cơ sở y tế này tiếp nhận bệnh nhân đến khám đông hơn với các bệnh về da, như viêm da cơ địa, vảy nến, mề đay, da khô, ngứa, chàm, nứt nẻ do lạnh. Không chỉ người lớn, nhiều trẻ em cũng được bố mẹ đưa đến trong tình trạng da khô đỏ, ngứa diện rộng bởi tình trạng viêm da cơ địa. Đặc biệt, nhiều trường hợp đến khám do chăm sóc chưa đúng cách (như tự mua thuốc điều trị, tắm lá) khiến tổn thương da ngày càng trầm trọng.

da 1

Ghi nhận tại Bệnh viện Da liễu trung ương cũng cho thấy, số lượng bệnh nhân đến khám đang tăng nhẹ. Khoảng 50% số người bệnh đến khám tại bệnh viện đều liên quan đến vấn đề khô da gây ngứa. Trong đó, có nhiều trường hợp trẻ em bị viêm da cơ địa nặng, vảy nến thể nặng cần điều trị nội trú.

Còn tại bệnh viện Nhi trung ương, các bác sĩ cho biết, thời gian gần đây, trẻ đến khám và điều trị do viêm da cơ địa tại khoa Da liễu của bệnh viện có xu hướng gia tăng. Đơn cử, bé trai T. P. (14 tháng tuổi, ở Hà Nội) bị nổi mảng rát đỏ, da khô sần, ngứa ở lưng, ngực, hai tay, chân tuy nhiên gia đình không cho con đi khám ngay mà tự mua thuốc về nhà điều trị. Những ngày sau đó, tình trạng trạng sẩn ngứa của trẻ không thuyên giảm mà tiếp tục lan ra toàn thân khiến trẻ ngứa ngáy khó chịu, ngủ không ngon, ăn kém. Diễn biến ngày càng nặng của bệnh khiến gia đình đưa trẻ đến khám tại phòng khám chuyên khoa Da liễu của bệnh viện và được chẩn đoán bị viêm da cơ địa.

viem-da-di-ung

TS. BS Phạm Thị Mai Hương - Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, viêm da cơ địa còn gọi là bệnh chàm thể tạng (eczema), là một bệnh viêm da tái phát, mãn tính, chủ yếu gặp ở trẻ em và có liên quan tới cơ địa dị ứng. Bình thường da có một lớp màng bảo vệ, giúp ngăn nước trong da không bị bốc hơi và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Tuy nhiên, ở người viêm da cơ địa, lớp màng bảo vệ bị tổn thương, da bị khô, mất nước, các vi khuẩn bên ngoài xâm nhập và làm xuất hiện các nốt mẩn đỏ, mụn nước ngứa ngáy trên da. Bệnh viêm da cơ địa thường xuất hiện khá sớm, có tới 60% trẻ viêm da cơ địa phát bệnh trong năm đầu đời, 30% trong 5 năm đầu và chỉ có 10% phát bệnh sau 5 tuổi. Thông thường, 95% bệnh ổn định sau 2 tuổi, 5% chuyển thành viêm da cơ địa ở trẻ lớn. Tuy nhiên, một số trường hợp viêm da cơ địa tái đi tái lại nhiều lần cho tới khi trưởng thành gây nhiều bất tiện và ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Theo TS. BS Lê Đức Minh - Trưởng khoa Điều trị Tổng hợp, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, để phòng, chống các bệnh về da trong tiết trời hanh khô hiện nay, người dân cần uống đủ nước (từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày) để giúp cung cấp độ ẩm cho da từ bên trong. Khi trời lạnh, độ ẩm trong không khí thấp, da trở nên khô sần, mất nước nên cần cung cấp nước đầy đủ, kịp thời. Đồng thời tăng cường các loại rau củ, trái cây, chúng không chỉ giúp bổ sung nước mà còn cung cấp vitamin cùng các chất khoáng có lợi cho da. Đặc biệt, vitamin B còn giúp phục hồi những làn da bị khô nẻ, do đó nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin B từ thịt gà, cá ngừ, ngũ cốc, các loại đậu, bơ, chuối.

phong-kham-thu-cuc-co-kham-da-lieu-khong2-min-600x480

Che chắn cho da cẩn thận khi ra ngoài bằng bôi kem chống nắng. Không nên tắm các loại nước lá, đặc biệt là vào mùa đông là nguy cơ tiềm ẩn gây nên viêm da cơ địa. Tắm nước vừa ấm, không tắm nước quá nóng gây khô, nẻ da.

Bác sĩ Minh nhấn mạnh, đối với các bệnh da hay gặp vào mùa đông, việc dưỡng ẩm cho da là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, không phải cứ bôi kem dưỡng ẩm lên da là xong, mà cần phải bôi đúng cách thì da mới giữ được độ ẩm lâu. Cần bôi kem dưỡng ẩm 2 lần/ngày, trong ngày có ít nhất một lần nhằm khóa ẩm cho da.

Một vấn đề nữa cũng cần hết sức lưu ý đó là việc sử dụng các loại thuốc. Thuốc bôi cũng như thuốc uống (trừ mỹ phẩm) đều phải do bác sĩ chuyên khoa chỉ định, đặc biệt là bôi ở mặt và các vùng da mỏng. Các thuốc bôi có corticosteroid bôi kéo dài sẽ gây giãn mạch, teo da, phát ban trứng cá... Chính vì vậy, người dân không được tự mua thuốc về sử dụng.

Theo TS. BS Lê Đức Minh - Trưởng khoa Điều trị Tổng hợp, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, thời tiết hanh khô, cơ thể ít tiết mồ hôi và các axit hữu cơ là nguyên nhân khiến các bệnh về da nhiều và dễ chuyển biến nặng hơn. Đặc biệt là bệnh viêm da cơ địa, không chỉ phổ biến ở người lớn, mà đối tượng trẻ em dưới 2 tuổi cũng thường mắc căn bệnh này. Đây là căn bệnh mạn tính hay tái phát liên quan đến tiền sử cá nhân, gia đình có cơ địa dị ứng. Nguyên nhân gây bệnh hiện chưa rõ, chưa có thuốc điều trị khỏi hẳn. Bệnh thường tăng nặng khi thời tiết lạnh và hanh khô.

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....