789

Những chống chỉ định và lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm phòng

Thứ Ba, 28/01/2020 03:18 PM (GMT+7)

Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch là cách tốt nhất giúp trẻ phòng tránh bệnh tật. Dưới đây là những điều bố mẹ cần ghi nhớ khi đưa trẻ đi tiêm phòng.

tiem-phong

Lợi ích của tiêm phòng trẻ

- Tiêm phòng cho trẻ là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả giúp cơ thể tạo ra miễn dịch, tăng sức đề kháng để chống lại các bệnh nguy hiểm, làm giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ.

- Việc tiêm phòng cho trẻ luôn luôn là cần thiết, vì những lợi ích to lớn trong việc bảo vệ toàn diện sức khỏe của trẻ ở những năm đầu đời. Việc tiêm phòng cho trẻ cần được thực hiện càng sớm càng tốt, trong hai năm đầu đời. Vì thế cha mẹ cần đưa con đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.

Chống chỉ định của tiêm phòng cho trẻ

Chống chỉ định tạm thời

- Trẻ đang sốt.

- Trẻ đang mắc 1 bệnh nhiễm khuẩn cấp tính (viêm phổi, thương hàn, sởi v.v…).

- Trẻ mới khỏi các bệnh Nói trên, còn đang trong thời kỳ hồi sức.

- Đang bị viêm Da mủ (bệnh ngoài da, có mủ), hoặc bệnh chàm ngoài Da (eczéma).

Chống chỉ định lâu dài

Trẻ đang mắc một bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi tiến triển, tràn dịch (có nước) màng phổi…, nhất là đang có bệnh ở thận (như viêm thận mạn tính v.v…).

Chống chỉ định đặc biệt

- Đối với tiêm phòng lao: Nên tránh cho các trẻ sinh non còn quá yếu, quá thiếu cân; các trẻ đang bị bệnh cấp tính; các trẻ đang bị bệnh ngoài da lan rộng, đang tiến triển.

- Đối với tiêm phòng sởi: nên tránh cho các trẻ đang bị bệnh bạch cầu (một dạng ung thư máu), các trẻ đang bị suy dinh dưỡng rất trầm trọng, các trẻ đang phải chữa bệnh bằng các loại thuốc corticoid (như "đề xa": dexamethasone, v.v…).

- Đối với tiêm phòng thương hàn: Nên tránh cho các trẻ đang bị bệnh ở thận, đang bị tiểu đường, hoặc đang trong một tình trạng có hiện tượng dị ứng trầm trọng (như đang trong thời kỳ có cơn suyễn phế quản, v.v…).

Để đảm bảo và đạt hiệu quả trong tiêm phòng, khám sàng lọc trước tiêm chủng, nhằm phát hiện trường hợp bất thường cần lưu ý để quyết định cho trẻ tiêm chủng hay không tiêm chủng vắc- xin là một điều rất quan trọng. Nếu cha mẹ có con thuộc trong chống chỉ định, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ khám sàng lọc và cân nhắc biện pháp điều trị cho trẻ.

Những lưu ý quan trọng 

Trước khi tiêm chủng

Cần để trẻ ở bệnh viện ít nhất 30 phút sau khi tiêm. Bố mẹ cần tránh cho trẻ ăn hoặc bú quá no, tuy nhiên cũng không nên vì vậy mà để trẻ đói bởi điều này có thể sẽ khiến trẻ bị hạ đường huyết sau khi tiêm.

Vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ để hạn chế tình trạng nhiễm trùng. Ngoài ra, mẹ hãy cho trẻ mặc trang phục đơn giản để giúp bác sĩ dễ thao tác hơn trong quá trình tiêm phòng. Mẹ cần mang theo đầy đủ hồ sơ, giấy tờ của trẻ, đặc biệt là sổ tiêm chủng trước đó.

Trước khi tiêm, ba mẹ đừng quên trao đổi với bác sĩ tình trạng sức khỏe của trẻ, có bị suy dinh dưỡng, có mắc bệnh cấp tính (như sốt, viêm phổi, viêm phế quản…), tiền sử bệnh tật, dị ứng với thuốc, hóa chất, thức ăn…

Nếu ở những mũi tiêm trước trẻ có dấu hiệu dị ứng, sốt…, mẹ nên báo với bác sĩ để có phương án xử lý kịp thời trong tình huống khẩn cấp.

Sau khi tiêm

Sau khi trẻ tiêm chủng xong, mẹ không nên đưa trẻ về ngay mà cần ở lại theo dõi 15-30 phút để đề phòng việc trẻ bị sốc phản vệ.

Nếu trẻ không có bất kỳ phản ứng nào, mẹ có thể đưa con về nhà nhưng vẫn cần theo dõi thêm. Theo dõi xem trẻ có sốt không, biểu hiện bên ngoài da, cử chỉ, quấy khóc, bú mẹ có bình thường không, đi ngoài thế nào. Đặc biệt là với những trẻ tiêm lần đầu khi ở 2 tháng tuổi, tiêm mũi đầu tiên và tiêm vắc xin 5 trong 1.

Ở những trẻ cơ địa nhạy cảm, vết tiêm có thể bị sưng đỏ, nổi cục cứng nhưng mẹ không cần quá lo lắng, hiện tượng này sẽ tự biến mát sau 6 – 8 tiếng. Lúc này, mẹ cần chườm mát lên vết tiêm của trẻ (không chườm nóng) để giảm đau, cho trẻ uống nhiều nước, bú mẹ nhiều hơn, mặc đồ thoáng.

Sau 24 giờ tiếp theo, mẹ có thể chườm nóng để các vết sưng tấy mau biến mất, giúp da dễ trao đổi với môi trường bên ngoài và nhanh chóng phục hồi.

Ngoài ra, hiện nay cũng có một số mẹ truyền tai nhau kinh nghiệm xát chanh hoặc đắp một lát khoai tây mỏng vào chỗ tiêm nhằm mục đích giảm đau, sưng tấy cho trẻ. Tuy nhiên, cách làm này không được các chuyên gia y tế khuyến khích vì làn da của trẻ vô cùng nhạy cảm, làm vậy có thể tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cho vết tiêm.

Trường hợp trẻ sốt nhẹ, sốt 37-38 độ C, mẹ có thể dùng các biện pháp làm mát, hạ nhiệt, thuốc hạ sốt đặt hậu môn. Nếu sốt trên 38 độ thì dùng thuốc hạ sốt, tác dụng nhanh hơn.

Liều lượng tiêm cho trẻ trong mỗi lần tiêm phòng

Hai loại bắc xin sống không nên tiêm gần nhau trong khoảng thời gian 4 tuần. Ngoài ra có thể tiêm chủng nhiều loại vắc xin khác nhau trong một lần tiêm. Vắc xin sống bao gồm vắc xin phòng các bệnh như lao, sởi, thủy đậu…

Việc tiêm nhiều mũi tiêm trong một lần tiêm phòng có thể khiến trẻ bị phản ứng, dị ứng và khó theo dõi do không biết cơ thể trẻ phản ứng với loại vắc xin nào. Do đó, tốt nhất nên tiêm một loại vắc xin cho một lần tiêm chủng. Có thể tiêm từ 2 loại vắc xin trở lên trong trường hợp điểm tiêm chủng ở xa nhà, trẻ ghép tạng…

Một số phản ứng sau khi tiêm ngừa

Sốt nhẹ: Sốt là phản ứng phổ biến nhất ở trẻ sau khi tiêm phòng. Đây là cách cơ thể trẻ phản ứng với thuốc và thường tự khỏi sau 1-2 ngày tiêm phòng. Tuy nhiên cũng có một vài trường hợp trẻ có thể sốt cao trên 39 độ C, khi đó bố mẹ hãy đưa trẻ đến gặp bác sỹ ngay để được điều trị kịp thời.

Vết tiêm bị sưng đỏ, đau: Vấn đề này có thể tồn tại đến vài ngày nhưng đây hoàn toàn là phản ứng bình thường và sẽ tự khỏi, không đáng ngại. Có thể dùng phương pháp chườm lạnh ở chỗ tiêm để giảm đau cho trẻ.

Dị ứng: Trẻ có thể nổi các vết ban mề đay hoặc ngứa toàn thân… Thông thường, các biểu hiện dị ứng này sẽ tự khỏi sau vài ngày, nhưng nếu trẻ thấy khó chịu nhiều thì phải dùng một số thuốc chống dị ứng.

Một số phản ứng khác: Ở một số trường hợp, trẻ sẽ gặp phải các phản ứng hiếm gặp như tai biến thần kinh, viêm hạch, viêm não…Đây là những phản ứng nặng, có thể đe dọa tính mạng trẻ nếu bố mẹ không kịp thời đưa con đến bệnh viện.

Lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm phòng trong những ngày lạnh: Trong những ngày lạnh hoặc mưa phùn, bố mẹ đưa trẻ đi tiêm phòng cần chú ý giữ ấm cơ thể của trẻ. Tránh việc khí lạnh xâm nhập khiến trẻ dễ mắc cách bệnh liên quan đến đường hô hấp. Lúc này, bố mẹ cần đảm bảo chân, tay và người trẻ đủ ấm, không để trẻ bị thấm nước mưa,…

Khi nào đưa trẻ đến bệnh viện: Sau khi tiêm phòng, nếu trẻ có các biểu hiện bất thường như trẻ sốt trên 39 độ C, sốt cao quá 2 ngày, co giật, chân tay lạnh, tím tái, khó thở, quấy khóc, không đáp ứng thuốc hạ sốt thông thường, bỏ bú, sưng to, đỏ quanh chỗ tiêm…, bố mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.

Ngô Thị Hồng Duyên

Cùng chuyên mục

Nhân ngày tránh thai thế giới 26/09, cùng tìm hiểu về màng phim tránh thai

Màng phim tránh thai VCF (còn gọi là film tránh thai hay màng tránh thai) là lựa chọn biện pháp tránh thai. Nhưng màng phim...

Để cuộc nói chuyện về giới tính với con trở nên tinh tế

Giáo dục giới tính cho trẻ giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, có khả năng tránh khỏi nhiều nguy cơ xấu. Song trong...

Những sai lầm của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ

Xung quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ, bản thân cha mẹ vẫn có những hiểu nhầm, từ đó việc làm thế nào...

Con xuất hiện xu hướng đồng tính, phụ huynh cần làm gì?

Mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tính dục. Các...