Những dấu hiệu nhận biết viêm vùng chậu ở phụ nữ

Chủ Nhật, 09/10/2022 07:11 AM (GMT+7)

Viêm vùng chậu là một dạng nhiễm trùng ở hệ thống sinh sản nữ dễ gặp, nếu không được phát hiện sớm để điều trị ngay sẽ dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm trong đó có nguy cơ vô sinh.

1. Viêm vùng chậu là gì?

Viêm vùng chậu là viêm nhiễm cấp đường sinh dục trên của phụ nữ, lây lan từ cổ tử cung đến tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng và các cơ quan lân cận.

Nhiễm trùng cổ tử cung gây ra tiết dịch nhày mủ. Nhiễm trùng các vòi trứng (viêm ống dẫn trứng) và tử cung (viêm niêm mạc tử cung) có xu hướng xuất hiện cùng nhau. Nếu trầm trọng, nhiễm trùng có thể lan đến buồng trứng (viêm buồng trứng) và sau đó là phúc mạc (viêm phúc mạc). Viêm ống dẫn trứng với viêm niêm mạc tử cung và viêm buồng trứng, có hoặc không có viêm phúc mạc, thường được gọi là viêm phần phụ mặc dù các cấu trúc khác có liên quan. Mủ có thể tích tụ trong vòi (ứ mủ vòi trứng), và áp xe có thể hình thành (áp xe vòi - buồng trứng).

viem-vung-chau-3

2. Những dấu hiệu viêm vùng chậu dễ nhận biết

Không phải ở bệnh nhân nào các dấu hiệu viêm vùng chậu cũng xuất hiện rõ ràng. Có những trường hợp dấu hiệu bệnh rất giống với các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa khác nên dễ gây nhầm lẫn. Vì thế, chị em phụ nữ nên chú ý đến những dấu hiệu sau đây:

Bụng dưới bị đau

Cơn đau do viêm vùng chậu thường có tính chất âm ỉ và tăng mức độ theo thời gian, đặc biệt càng đến ngày hành kinh thì cơn đau càng trở nên dữ dội. Những cơn đau này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và công việc hàng ngày của chị em. Ngoài ra, nhiều chị em bị viêm vùng chậu cũng sẽ thấy đau nhức ở thắt lưng, xương chậu, hai bên hông,...

Khí hư có sự bất thường

Đối với nữ giới, trạng thái của khí hư chính là yếu tố xác định sức khỏe sinh sản xấu hay tốt. Bình thường, khí hư chỉ có màu trắng trong giống như lòng trắng trứng và rất ít khi có mùi.

Không giống như bình thường, dấu hiệu viêm vùng chậu là khí hư bỗng nhiên ra nhiều hơn, màu trắng đục hoặc vàng hoặc xanh xám, khí hư có mùi rất hôi và thậm chí còn có lẫn máu. Sự bất thường này cần được quan sát để nhận diện bệnh càng sớm càng tốt.

Âm đạo bị xuất huyết không trong kỳ kinh

Với những người bị viêm vùng chậu thì hiện tượng xuất huyết âm đạo giữa kỳ kinh rất dễ xảy ra. Nguyên nhân của tình trạng ấy là do viêm nhiễm, tổn thương ở vùng chậu. Vì thế, khi thấy dấu hiệu này chị em cũng cần chú ý đến nguy cơ mắc PID.

Quan hệ tình dục cảm thấy đau đớn

Đau đớn khi quan hệ tình dục cũng là dấu hiệu viêm vùng chậu vì lúc này niêm mạc tử cung đã bị tổn thương. Cảm giác đau đớn sẽ tăng lên dữ dội hơn khi ấn vào vùng hạ vị “yêu” với tư thế thô bạo. Càng kéo dài tình trạng ấy chị em càng mệt mỏi và sợ đời sống chăn gối, hạnh phúc gia đình vì thế dễ bị ảnh hưởng theo.

Chu kỳ kinh nguyệt rối loạn

Sở dĩ chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới dễ bị rối loạn khi viêm vùng chậu là bởi vùng này có mối liên hệ mật thiết với ống dẫn trứng và buồng trứng. Khi xảy ra tình trạng này chị em sẽ thấy: kinh nguyệt không đều, ngày hành kinh thay đổi, màu sắc máu kinh tối thẫm hoặc đỏ nhạt, lượng máu kinh lúc thì nhiều lúc thì ít,...

viem-vung-chau-cap-tinh

Một số dấu hiệu khác

Ngoài những dấu hiệu viêm vùng chậu thường gặp trên đây thì chị em cũng có thể xuất hiện một số hiện tượng khác như:

- Chảy máu khi “yêu”.

- Sốt trên 38 độ C.

- Cảm thấy ớn lạnh, mệt mỏi.

- Tiểu tiện đau buốt.

- Buồn nôn.

Về cơ bản, các dấu hiệu của bệnh viêm vùng chậu không giống nhau ở tất cả phụ nữ. Vì thế, khi nhận thấy những bất thường như đã nói đến ở trên và đặc biệt lưu ý các hiện tượng sau để đi khám phụ khoa chẩn đoán bệnh càng sớm càng tốt:

- Có cơn đau dữ dội ở vùng bụng dưới trong nhiều ngày.

- Bị buồn nôn và dễ nôn với mọi thứ.

- Khí hư có mùi hôi.

3. Nguyên nhân viêm vùng chậu

Nhiều loại vi khuẩn có thể gây ra viêm vùng chậu nhưng bệnh lậu hoặc lây nhiễm chlamydia là phổ biến nhất. Con đường lây nhiễm chủ yếu khi quan hệ tình dục không an toàn. 

Nguyên nhân ít phổ biến hơn là vi khuẩn có thể xâm nhập vào đường sinh sản trong thời kỳ kinh nguyệt và sau khi sinh con, sảy thai hoặc phá thai gây nên viêm vùng chậu. 

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm vùng chậu, bao gồm:

+ Quan hệ tình dục trước 25 tuổi

+ Có nhiều bạn tình

+ Đang quan hệ tình dục với một người có nhiều bạn tình

+ Quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su

+ Thụt rửa âm đạo thường xuyên, làm đảo lộn sự cân bằng của vi khuẩn tốt và có hại trong âm đạo

+ Có tiền sử bệnh viêm xương chậu hoặc nhiễm trùng lây qua đường tình dục

+ Có một nguy cơ nhỏ mắc bệnh PID sau khi đặt dụng cụ tử cung (DCTC). Rủi ro này thường được giới hạn trong ba tuần đầu tiên sau khi chèn.

20220108_dau-hieu-viem-vung-chau-3

4. Biến chứng viêm vùng chậu

Bệnh viêm vùng chậu không được điều trị có thể làm cho mô sẹo và áp xe phát triển trong đường sinh sản gây ảnh hưởng tới cơ quan sinh sản.

Các biến chứng có thể bao gồm:

Thai ngoài tử cung

Viêm vùng chậu là nguyên nhân chính dẫn đến thai ngoài tử cung. Mang thai ngoài tử cung có thể xảy ra khi bệnh viêm vùng chậu không được điều trị đã khiến mô sẹo phát triển trong ống dẫn trứng. Các mô sẹo ngăn trứng được thụ tinh đi qua ống dẫn trứng để cấy vào tử cung. Thay vào đó, trứng cấy vào ống dẫn trứng. 

Mang thai ngoài tử cung có thể gây chảy máu ồ ạt, đe dọa tính mạng và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

Vô sinh

Tổn thương cơ quan sinh sản có thể gây vô sinh – không có khả năng mang thai do bệnh để lại sẹo trên ống dẫn trứng, gây tắc ống dẫn trứng và ngăn cản sự thụ tinh.

Đau vùng chậu mãn tính

Bệnh viêm vùng chậu có thể gây đau vùng chậu kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm. Sẹo trong ống dẫn trứng và các cơ quan vùng chậu khác có thể gây đau khi giao hợp và rụng trứng.

Áp xe buồng trứng

Viêm vùng chậu có thể gây áp xe hình thành trong đường sinh sản. Áp xe ảnh hưởng đến ống dẫn trứng và buồng trứng, nhưng chúng cũng có thể phát triển trong tử cung hoặc trong các cơ quan vùng chậu khác. Nếu áp xe không được điều trị, người bệnh có thể bị nhiễm trùng đe dọa tính mạng.

5. Điều trị bệnh viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu hoàn toàn có thể điều trị. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh sẽ không thể phục hồi vết sẹo gây ra trong quá trình nhiễm bệnh. Mặt khác, với tình trạng bệnh không được điều trị, nếu để càng lâu, nguy cơ mắc các vấn đề khác sẽ càng lớn, chẳng hạn như vô sinh.

Để điều trị viêm vùng chậu, đầu tiên bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng kháng sinh đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Kháng sinh dùng một mình có khả năng giải quyết tình trạng viêm nhiễm. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định dùng phối hợp hai hay nhiều kháng sinh cùng lúc. Thông thường bệnh nhân cần phải tái khám sau 2 - 3 ngày để kiểm tra hiệu quả điều trị. Đôi khi các triệu chứng sẽ biến mất trước khi chữa khỏi viêm nhiễm. Khi đó, bạn vẫn nên sử dụng hết số thuốc đã được bác sĩ chỉ định.

thuoc-dieu-tri-viem-vung-chau-top-4-nhom-thuoc-hieu-qua-nhat-21062

Một số trường hợp viêm vùng chậu cần phải nhập viện điều trị:

+ Không có chẩn đoán rõ ràng.

+ Đang mang thai.

+ Phải dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch.

+ Tiên lượng xấu.

+ Buồn nôn và ói mửa.

+ Sốt cao.

+ Áp-xe trong ống dẫn trứng hoặc buồng trứng.

Trong một số tình huống nhất định, chẳng hạn như khi phát hiện áp xe, bệnh nhân có thể cần thực hiện phẫu thuật.

Bên cạnh đó, bạn tình của bệnh nhân cũng phải được điều trị. Phụ nữ mắc bệnh viêm vùng chậu thì người bạn tình rất có khả năng đang mắc bệnh lậu hoặc chlamydia, ngay cả khi không có dấu hiệu bệnh.

103638bac-si-kham-benh

6. Ngăn ngừa bệnh viêm vùng chậu

Để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra viêm vùng chậu, bạn hãy lưu ý những điều sau đây:

+ Sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục. Vẫn nên dùng bao cao su ngay cả khi đã có các biện pháp ngừa thai khác.

+ Chỉ quan hệ tình dục với bạn tình không mắc bệnh và người này không quan hệ bừa bãi.

+ Giới hạn số lượng bạn tình để hạn chế khả năng lây bệnh.

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....