Những điều cần biết về tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt

Chủ Nhật, 23/10/2022 03:04 PM (GMT+7)

Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt là một căn bệnh nam khoa phổ biến đặc biệt ở nam giới lứa tuổi trung niên. Đây là bệnh không quá nguy hiểm nhưng việc điều trị sớm cũng như có biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bạn đảm bảo sức khỏe của mình được tốt nhất.

1. Thế nào là tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt ? 

Tuyến tiền liệt là một tuyến sinh dục nam, nằm ôm vòng quanh cổ bàng quang và một phần niệu đạo (đường dẫn nước tiểu). Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (trước đây hay gọi là u xơ tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt) là sự phì đại lành tính của tuyến tiền liệt. Bệnh có nguyên nhân từ sự tăng sinh sản lành tính một hay một số loại tế bào cấu thành nên tuyến tiền liệt, làm tăng thể tích và trọng lượng tuyến, gây chèn ép làm hẹp niệu đạo và biến dạng cổ bàng quang, gây ra các rối loạn tiểu tiện.

Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, có trên 50% nam giới ở độ tuổi từ 60 - 70 tuổi bị u xơ tiền liệt tuyến, tỷ lệ này lên đến 88% ở những người 80 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh và mức độ trầm trọng của bệnh thường gia tăng theo độ tuổi.

phi-dai-tuyen-tien-liet

Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt có thể phát triển từ từ trong một thời gian dài mà không gây nên bất kỳ sự nguy hiểm nào. Tuy nhiên, vì tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo nên nếu bị phì đại tuyến tiền liệt sẽ gây cản trở dòng nước tiểu từ bàng quang ra niệu đạo, gây ra xuất hiện các triệu chứng rối loạn về tiểu tiện.

Các triệu chứng của tăng sinh tuyến tiền liệt gây ảnh hưởng đến chất lượng sống, nhất là việc tiểu đêm khiến người bệnh không có giấc ngủ ngon hoặc tiểu nhiều lần, tiểu gấp.... Tại bàng quang, khi bệnh tiến triển lâu, có thể làm giảm chức năng của bàng quang, làm trầm trọng hơn triệu chứng đường tiểu dưới, hoặc gây ảnh hưởng đến chức năng thận.

Nếu nặng có thể gây bí tiểu mạn tính dẫn đến viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu, thậm chí suy thận. Người bệnh cần đi khám khi xuất hiện triệu chứng rối loạn tiểu tiện hoặc bí tiểu cấp tính.

2. Nguyên nhân gây tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt

Đến nay nguyên nhân gây tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt chưa được thống nhất. Tuy nhiên, các nhà khoa học đều thống nhất có yếu tố quan trọng gây tình trạng tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt đó là tuổi càng cao thì nguy cơ mắc phải căn bệnh này càng nhiều.

Khi tuổi trung niên bắt đầu, nội tiết thay đổi và người ta thấy hormon sinh dục nam càng có vai trò tác động mạnh vào tuyến tiền liệt làm cho tuyến tiền liệt phì đại (to ra). Theo nghiên cứu đến độ tuổi trung niên, khoảng 45-50 tuổi, tuyến tiền liệt sẽ to, mặc dù lượng testosterone đã bắt đầu giảm. Chính sự lớn lên của tuyến tiền liệt kèm theo những biến đổi trong cuộc sống, như viêm nhiễm, xuất tinh… gây nên những triệu chứng của bệnh.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, tỷ lệ tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt ở người 40 tuổi là 8%, ở người 90 tuổi là 90%. Một khi u xuất hiện thì nó liên tục phát triển. Người ta ước tính tuyến tiền liệt tăng trung bình 20g trong 10 năm.

Yếu tố thứ hai là vai trò của tinh hoàn, đây có thể là một trong nguyên nhân gây tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt.

3. Triệu chứng bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt?

Bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt gây ra tình trạng rối loạn quá trình đi tiểu biểu hiện bằng hội chứng bế tắc đường tiểu dưới và hội chứng kích thích.

u-xo-tien-liet-tuyen-bi-tieu-6

Hội chứng bế tắc: Gồm các triệu chứng bí tiểu, tia nước tiểu yếu, tiểu phải rặn, tiểu ngắt quãng,… Luôn có cảm giác đi tiểu không hết khi mắc bệnh.

Hội chứng kích thích: Gồm các triệu chứng  tiểu gấp, tiểu đêm, tiểu lắt nhắt (tiểu rắt) có thể không nhịn được đi tiểu, sinh són tiểu… Những triệu chứng này khá giống với các bệnh khác như: Nhiễm khuẩn tiết niệu, ung thư bàng quang...

Sự cản trở đường tiểu gây ra hiện tượng nước tiểu không được thải hết ra ngoài, khiến nó tồn động dẫn đến nhiễm trùng ở đường tiết niệu và gây sỏi bàng quang. Ngoài ra khi áp lực trong bàng quang bị tăng lên có nguy cơ bị phì đại cơ bàng quang, làm ứ nước ở thận và túi thừa bàng quang.

Dưới đây là những điểm ghi nhận xuất hiện ở bệnh nhân tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt.

- Máu trong nước tiểu.

- Phải gắng sức nhiều hơn và cần tạo áp lực nhiều để bắt đầu tiểu.

- Tiểu không được liên tục và bị ngắt quãng.

- Bàng quang có cảm giác không cạn hết sau khi đi tiểu.Không tiểu được đột ngột hay còn gọi là bí tiểu cấp tính.

- Bỗng nhiên mót tiểu gấp.

- Đi tiểu đặc biệt vào ban đêm thường xuyên hơn.

- Nước tiểu bị rò rỉ, đi tiểu không kiểm soát.

4. Chẩn đoán tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt 

Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt tiến triển chậm, rất hiếm khi gây tử vong. Bệnh có tỷ lệ mắc tăng dần theo lứa tuổi, nam giới từ 40 tuổi đã có thể xuất hiện bệnh.

Hiện nay, để chẩn đoán tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định các xét nghiệm cơ bản nhằm thăm dò hệ tiết niệu, tuyến tiền liệt (như siêu âm, X-quang) và đo niệu dòng đồ (thăm dò tốc độ dòng tiểu để đánh giá mức độ tắc nghẽn đường tiểu).

chi-so-psa-va-benh-ung-thu-tuyen-tien-liet--1

Xét nghiệm định lượng PSA huyết thanh (prostatic specific antigen - kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt) sẽ được thực hiện nhằm xác định sơ bộ những rối loạn tiểu tiện là do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt hay trong bệnh cảnh của một ung thư tuyến tiền liệt mà nhiều khi biểu hiện giống nhau.

4. Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt cần phân biệt với bệnh gì?

Với các biểu hiện tiểu nhiều, tiểu khó nên việc chẩn đoán giúp loại trừ và phân biệt với các bệnh cụ thể:

- Ung thư tiền liệt tuyến: Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tiền liệt tuyến đều là bệnh hay gặp ở người cao tuổi. Nếu nghi ngờ sinh thiết để khẳng định chẩn đoán.

- Xơ cứng cổ bàng quang: Đa số người bệnh mắc xơ cứng cổ bàng quang ở độ tuổi trên 60 tuổi với các biểu hiện đái khó, có khi bí đái phải đặt ống thông niệu đạo

- Bàng quang thần kinh: Khi mắc bàng quang thần kinh người bệnh cũng có biểu hiện tiểu khó kèm rỉ nước tiểu. Tuy nhiên, bàng quang thần kinh thường gặp ở người có tiền sử chấn thương cột sống, tai biến mạch não.

- Hẹp niệu đạo: Khi mắc hẹp niệu đạo đa số bệnh nhân có biểu hiện tiểu khó, bí đái. Đa số người bệnh hẹp niệu đạo có tiền sử chấn thương niệu đạo hoặc can thiệp qua đường niệu đạo.

- Viêm hoặc áp xe tiền liệt tuyến: Với căn bệnh này ít gặp ở người già, thường gặp ở tuổi trung niên.

5. Điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt

Hiện nay có 3 phương pháp điều trị bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, đó là điều trị can thiệp, điều trị bảo tồn và điều trị bằng phẫu thuật. Bác sĩ sẽ dựa vào phân loại IPSS để lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả nhất:

20191223_153646_368635_vo-sinh-nam.max-1800x1800_3

- Nếu không có triệu chứng, chỉ cần theo dõi bệnh.

- Nếu tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt có triệu chứng đi kèm rối loạn tiểu tiện mức độ nhẹ, thì sẽ áp dụng điều trị nội khoa.

- Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt đã xuất hiện biến chứng, kèm theo rối loạn tiểu tiện mức độ nặng cần phải tiến hành can thiệp ngoại khoa.

Các thuốc được bác sĩ chuyên khoa sử dụng phổ biến nhất hiện nay là:

- Nhóm thuốc Alpha Blocker, giúp làm giãn cơ trơn ở tuyến tiền liệt và cổ bàng quang hỗ trợ giảm bớt tình trạng tắc nghẽn niệu đạo ví dụ: Doxazosin, alfuzosin (xatral), terazosin (hytrin), prazosin và tamsulosin. Các thuốc alpha blocker không có tác dụng loại bỏ các khối u mà chỉ có tác dụng giúp cho việc tiểu tiện dễ dàng hơn nhờ việc làm cổ bàng quang và niệu đạo mở rộng ra. 

- Nhóm thuốc ức chế 5-ARIs: Các thuốc  5-ARIs đã được đánh giá giá tốt không những giảm triệu chứng mà còn cải thiện tình trạng tuyến tiền liệt bị phì đại hạn chế bí tiểu cấp và việc phải phẫu thuật.

- Ngoài ra, bác sĩ còn có thể chỉ định sử dụng chung một số thuốc có nguồn gốc thực vật như: Protamol, Tadenan,Permixon, cây trinh nữ hoàng cung, vương bảo…

Điều trị phẫu thuật: Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nội soi khi đã xuất hiện các biến chứng, và việc điều trị nội khoa thất bại.

Điều trị can thiệp: Áp dụng các phương pháp tiêm ethanol và botulinum toxin vào tuyến tiền liệt, vi sóng trị liệu, kim đốt bằng dòng điện cao tần qua niệu đạo, đặt stent niệu đạo,...

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....