Những điều cần biết về ung thư buồng trứng

Thứ Bảy, 21/10/2023 10:23 PM (GMT+7)

Ung thư buồng trứng là loại ung thư xảy ra khi các tế bào trong buồng trứng phát triển và phân chia bất thường. Nó có thể bắt đầu ở nhiều tế bào buồng trứng khác nhau hoặc ở các khu vực xung quanh khác, chẳng hạn như ống dẫn trứng.

1. Ung thư buồng trứng có gây chảy máu không?

Chảy máu bất thường từ âm đạo có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng. Điều này có thể bao gồm bất kỳ loại chảy máu âm đạo bất thường nào, chẳng hạn như:

+ Ra máu giữa kỳ kinh.

+ Ra máu sau khi quan hệ tình dục.

+ Dịch tiết ra thường xuyên có màu từ trong, trắng hoặc lẫn máu.

+ Chảy máu sau mãn kinh.

ung-thu-buong-trung-phat-trien-tu-te-bao-buong-trung

Những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, bao gồm mất kinh, kinh nguyệt không đều hoặc chảy máu nhiều hơn bình thường, cũng có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng.

Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là chảy máu không phải là triệu chứng phổ biến nhất và cũng không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của ung thư buồng trứng. Các nguyên nhân phổ biến có thể bao gồm:

+ U xơ tử cung hoặc polyp.

+ Chảy máu khi mang thai.

+ Ung thư tử cung hoặc nội mạc tử cung.

+ Ung thư cổ tử cung.

+ Ung thư âm đạo.

2. Các triệu chứng khác của ung thư buồng trứng

Các triệu chứng của ung thư buồng trứng thường giống các vấn đề phổ biến của các bệnh ít nguy hiểm hơn. Hiểu được các triệu chứng sẽ mang lại cơ hội tốt hơn để phát hiện sớm. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến khác của ung thư buồng trứng:

+ Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón.

+ Thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang.

+ Ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ.

+ Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân.

+ Liên tục cảm thấy mệt mỏi.

Những triệu chứng này cũng có thể xảy ra ở những người không bị ung thư buồng trứng. Một số triệu chứng có thể xảy ra do bệnh lành tính hoặc các loại ung thư khác. Các triệu chứng của ung thư buồng trứng thường kéo dài và thường nặng hơn.

3. Các yếu tố nguy cơ của ung thư buồng trứng

Mặc dù nhiều phụ nữ vẫn có thể mắc ung thư buồng trứng mà không có nguy cơ mắc bệnh cao, nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

Tuổi: Nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng tăng cao theo tuổi, xuất hiện ở độ tuổi trên 50 và tăng cao ở những phụ nữ trên 60 tuổi.

Béo phì và chỉ số khối cơ thể: Béo phì là yếu tố nguy cơ liên quan đến 13 loại ung thư, bao gồm cả ung thư buồng trứng.

Chế độ ăn: Chế độ ăn nhiều chất béo và thực phẩm chế biến sẵn gây thừa cân, béo phì có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng.

Hút thuốc: Hút thuốc không phải là yếu tố nguy cơ cao của ung thư buồng trứng nhưng có nghiên cứu cho thấy hút thuốc có mối quan hệ liều lượng nguy cơ chặt chẽ với một loại ung thư buồng trứng.

Tiền sử gia đình và bản thân: Những người có quan hệ huyết thống như mẹ, chị, em gái ruột mắc bệnh ung thư buồng trứng. Trong gia đình có người mắc ung thư vú , ung thư đại tràng cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.

Mang thai và sinh con: Những phụ nữ đã từng mang thai và sinh con thì nguy cơ thấp hơn so với những người chưa từng sinh con. Sinh nhiều con thì nguy cơ thấp hơn.

Điều trị hormone thay thế: Điều trị hormone thay thế sau khi mãn kinh tăng nguy cơ.

Bột talc (sử dụng trong mỹ phẩm): Phụ nữ sử dụng bột talc nhiều ở cơ quan sinh dục làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.

4. Chẩn đoán ung thư buồng trứng

Điều quan trọng cần lưu ý là việc sàng lọc ung thư buồng trứng phần lớn phụ thuộc vào nguy cơ được phân loại của một người. Hiện tại, không có khuyến nghị sàng lọc nào cho những người không có triệu chứng và không có yếu tố di truyền đối với bệnh ung thư buồng trứng.

sang-loc-ung-thu-buong-trung-bang-sieu-am-1697207344369814303542-1697640909050-169764090913699794764

Các phương pháp thường được áp dụng để tầm soát ung thư buồng trứng là:

Khám khung chậu: gồm khám tử cung, âm đạo, buồng trứng, ống dẫn trứng, trực tràng và bàng quang,... Bệnh nhân có thể mắc ung thư buồng trứng nếu: có khối u vùng bụng, có quá nhiều dịch ổ (cổ trướng), hoặc có các dấu hiệu của di căn đến các cơ quan khác như tràn dịch màng phổi, khối u di căn ở gan, phổi...

Siêu âm: Là phương pháp sử dụng sóng âm có tần số cao mà tai người không nghe thấy chiếu vào buồng trứng. Mẫu thu được từ âm thanh dội lại sẽ tạo nên hình ảnh được gọi là biểu đồ âm. Các mô, túi nước, nang khí và khối u sẽ cho các hình ảnh khác nhau trên biểu đồ, giúp bác sĩ chẩn đoán ung thư buồng trứng hiệu quả.

Ngoài ra, siêu âm cũng giúp bác sĩ xem xét mật độ, cấu trúc, kích thước buồng trứng, đặc điểm mạch máu nuôi và các u nang nếu có. Bác sĩ có thể lựa chọn phương án siêu âm đầu dò (siêu âm qua ngả âm đạo, đưa đầu dò siêu âm vào trong âm đạo) hoặc siêu âm bụng để khảo sát cơ quan sinh sản (tai vòi, buồng trứng, tử cung) và các cơ quan khác trong ổ bụng.

Xét nghiệm CA 125: Là phương pháp xét nghiệm máu để đo mức CA-125 – một dấu ấn sinh học ung thư buồng trứng thường được tìm thấy cao hơn bình thường ở những phụ nữ mắc ung thư buồng trứng biểu mô. Tuy nhiên, bác sĩ chẩn đoán không hoàn toàn dựa vào phương pháp xét nghiệm ung thư buồng trứng này vì nhiều nguyên nhân khác cũng làm nồng độ CA-125 trong máu tăng cao như lạc nội mạc tử cung và viêm phần phụ.

Chụp cắt lớp vi tính vùng bụng và vùng chậu hoặc chụp MRI vùng chậu: Có thể cho các hình ảnh chi tiết của vùng bụng và vùng chậu. Phương pháp này có hiệu quả cao trong việc hỗ trợ chẩn đoán ung thư buồng trứng và khảo sát tình trạng di căn hạch và về mức độ lan rộng của ung thư.

Sinh thiết: Lấy một mẫu mô để kiểm tra dưới kính hiển vi nhằm chẩn đoán bệnh ung thư buồng trứng. Để lấy được mô, các bác sĩ thực thiện phẫu thuật mở bụng hoặc phẫu thuật nội soi chẩn đoán, cắt toàn bộ buồng trứng nếu có nghi ngờ ung thư. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết tức thì mẫu mô buồng trứng để có chẩn đoán xác định ung thư buồng trứng ngay lúc mổ và quyết định độ rộng của phẫu thuật tiếp theo.

Nếu chẩn đoán bệnh nhân mắc ung thư buồng trứng, bác sĩ sẽ đánh giá giai đoạn bệnh, xem xét liệu tế bào ung thư đã di căn chưa, nếu di căn rồi thì đã lan tới các cơ quan nào của cơ thể,... Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.

Nguyễn Phương Liên

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....