Những điều cần lưu ý khi căm sóc bé sơ sinh trong tháng đầu

Thứ Ba, 02/06/2020 05:57 PM (GMT+7)

Chăm sóc trẻ sơ sinh là một việc làm đòi hỏi sự tỷ mỉ, cẩn thận của người mẹ. Để chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách, cần có những kiến thức nhất định về các hiện tượng, các bệnh thường gặp ở trẻ để có cách xử trí thích hợp.

tre-ngu-ngon

Nâng đỡ

Xương sống và xương vùng cổ của trẻ sơ sinh rất yếu, dễ bị tổn thương do chưa phát triển đủ. Vì vậy, bạn cần phải hết sức nhẹ nhàng với đầu và cổ cho bé.

- Khi bế bé, một tay bạn phải luôn để dưới cổ để đỡ lấy cổ và đầu bé. Còn tay kia luồn dưới lưng và mông bé để đỡ phần thân dưới một cách chắc chắn.

- Khi đặt bé nằm, bạn cũng phải nhớ đặt đầu bé xuống trước, trong quá trình đặt, luôn giữ chắc chắn đầu bé. Hoặc dùng hai tay đồng thời nâng đầu và mông bé rồi đặt xuống.

Khi bị lắc mạnh, đầu bé sẽ có khuynh hướng gập tới gập lui hay xoay qua xoay lại một cách không kiểm soát gây sang chấn và hộp sọ của bé cũng sẽ bị tổn thương. Vì vậy không được đung đưa, rung lắc hay tung hứng bé.

Thay tã

Mỗi khi tã lót hay chăn chiếu của trẻ bị ướt hay bẩn, phải thay ngay. Nếu da trẻ bị đỏ, phải thay tã lót luôn hoặc tốt hơn cứ nên để truồng.

Thường xuyên thay tã cho bé (từ 6 đến 8 cái tả mỗi ngày) nhất là ngay sau khi bé đi cầu để tránh hăm tã cho bé.

Khi thay tã phải lau sạch sẽ bộ phận sinh dục, hậu môn, các kẽ bẹn và hai mông bé, sau đó thoa phấn dành cho bé và mặc tã mới vào.

Tắm cho bé

- Tốt nhất nên tắm bé mỗi ngày một lần để giữ vệ sinh cho bé. Nếu bé có da khô có thể tắm bé hai ngày một lần, những ngày không tắm cũng nên lau rửa bé bằng khăn sạch và nhất là phải giữ cho bộ phận sinh dục của bé luôn sạch sẽ.

- Da bé lúc này còn quá mỏng manh và cũng không có gì là bẩn nên không cần phải sử dụng sữa tắm hay xà bông cho bé mà chỉ cần tắm bé bằng nước ấm và sạch là đủ.

- Chỉ nên sử dụng nước sạch để lau mặt bé, không được dùng xà bông hay sữa tắm. Dùng khăn để lau chùi tai bé, không dùng tăm bông. Ngoài ra cũng cần phải gội đầu cho bé trong những lần tắm.

- Sau khi tắm nên cho bé ở trong phòng kín độ 30 phút và tránh gió lùa. Không nên ngâm mình bé trong nước quá lâu bé sẽ bị cảm, đối với bé ở hai tuần tuổi mỗi lần tắm cho bé chỉ cần 7 đến 10 phút là đủ.

Vệ sinh cho bé

Vệ sinh vùng cơ quan sinh dục:

- Vệ sinh vùng cơ quan sinh dục của bé thường xuyên là rất tốt, giúp bảo vệ da của bé, bởi trong phân và nước tiểu có chứa axít và các vi khuẩn gây hại.

- Đối với bé gái cần lau từ trước ra sau. Chất nhầy màu trắng tiết ra từ âm đạo bé gái trong những ngày đầu sau khi sanh là hoàn toàn bình thường.

- Đối với bé trai, bạn cần rửa và lau chùi sạch sẽ dương vật của bé mỗi ngày. Ngoài ra, không chà xát mạnh và không kéo ngược bao quy đầu trên dương vật của bé.

 Vệ sinh cuống rốn: Việc vệ sinh cuống rốn cho bé là rất quan trọng vì vậy cần chú ý vệ sinh vùng này và luôn để thoáng khí để cuống rụng nhanh. Chú ý khi quấn tã, không động đến vùng này và khi cuống rốn rụng, vết sẹo nhỏ sẽ nhanh chóng liền lại.

Vệ sinh mắt: Khi mới sinh, đôi mắt của bé rất yếu ớt, lông mi thường bị dính vào buổi sáng. Dùng một miếng gạc tiệt trùng tẩm huyết thanh sinh học (nước muối sinh lý) để lau sạch mắt cho bé, mỗi bên một miếng riêng biệt. 

Vệ sinh mũi: Thường xuyên lau mũi cho bé bằng những miếng bông nhỏ khử trùng, tẩm nước muối sinh lý mỗi bên lỗ mũi dùng một miếng bông vệ sinh riêng. Hết sức cẩn thận khi đưa miếng bông vào sâu trong cánh mũi, ngoáy thật nhẹ để lấy đi hết các chất nhớt. 

Vệ sinh tai: Đối với tai, không được sử dụng các dụng cụ có đầu nhọn để làm sạch vành và tai giữa. Chọn một miếng bấc bằng cotton khô, làm thật khéo, nhẹ nhàng để không làm thủng màng nhĩ của bé. Khi thao tác, cần giữ đầu của bé thật chắc để tránh bé ngọ nguậy, khiến việc vệ sinh không an toàn.

Vệ sinh móng tay: Kiểm tra tình trạng móng tay của bé nhiều lần trong tuần và chỉ khi bé tròn 1 tháng tuổi thì mới được cắt móng tay. Sử dụng những chiếc bấm móng tay thật sắc, đầu tròn phù hợp, tránh để lại những miếng mẩu móng tay thừa ở hai bên móng.

Cho bé bú

- Sau khi chào đời, bé sẽ không ngừng phát triển. Thức ăn chủ yếu của bé lúc này chỉ là sữa mẹ. Nếu bú mẹ hoàn toàn thì thời gian bú khoảng 10-15 phút, nếu bú bình thì lượng từ 60-90ml, cứ 2-3 tiếng lại cho bé ăn một lần vì sữa mẹ giúp bé tiêu hóa rất tốt.

- Thông thường, lúc nào bé đói, bé sẽ khóc để đòi được bú mẹ. Hầu hết các bé đều có nhu cầu bú vào ban đêm, có bé bú 2 đến 3 lần mỗi đêm nhưng cũng có bé chỉ bú một lần.

- Vào thời gian này, bé chỉ cần bú sữa mẹ là đủ. Lúc này hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn chỉnh, nên ngoài sữa mẹ ra, các loại sản phẩm khác đều không tốt cho bé.

- Trong khi cho bé bú, mẹ nên thể hiện tình cảm mẹ con bằng cách ôm sát bé vào lòng, giữ bé trong đôi tay ấm áp của bạn và nhớ là luôn nâng cao đầu bé hơn thân bé một chút để bé có được tư thế thoải mái trong khi bú và còn tránh được vấn đề sặc sữa. 

Giấc ngủ của bé

- Trong suốt tháng đầu sau sinh, bé ngủ hầu như cả ngày chỉ trừ những lúc bú và đi vệ sinh, bé ngủ khoảng 18 tiếng một ngày. Cứ khoảng 4 tiếng bé thức, bú và chơi khoảng 30 phút sau đó lại ngủ. Bây giờ bé vẫn chưa có khái niệm về thời gian, chưa phân biệt được đêm và ngày và bé cứ ngủ khi có nhu cầu. Vì vậy bé chưa có trình tự giờ giấc về việc ăn và ngủ.

- Việc ngủ, bú chỉ diễn ra theo nhu cầu tự nhiên của bé. Bé còn bú cả vào ban đêm cho đến tận khoảng 1 tuổi và thậm chí thường xuyên tè dầm.

- Luôn cho bé nằm ngủ ở tư thế nằm ngửa cho đến khi bé được ít nhất là 1 tuổi. Nếu bé hay ói có thể cho bé ngủ ở tư thế nằm nghiêng và tuyệt đối không để bé nằm sấp trong lúc ngủ khi trẻ còn quá bé.

- Môi trường trong phòng ngủ của bé cần phải luôn trong lành, không có khói thuốc, bụi bẩn và tiếng ồn.

 - Không ủ bé quá nhiều và chặt cứng đến nỗi bé không thể thở được. Nếu bé ngủ chung với bố mẹ thì nên để ý kẻo người lớn có thể ngủ quên mà đè lên bé.

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....