Những lợi ích của việc sinh thường mà các mẹ bầu nên biết

Thứ Năm, 08/12/2022 05:32 PM (GMT+7)

Hiện nay việc mổ lấy thai có xu hướng bị lạm dụng bởi nhiều mẹ bầu sợ đau khi sinh thường. Sinh thường luôn được WHO, UNICEF và Bộ Y tế khuyến cáo vì những lợi ích sức khỏe mang lại cho cả mẹ và bé. Vậy sinh thường là gì và có những lợi ích vượt trội nào so với sinh mổ?

Sinh thường là gì?

Sinh thường (còn gọi là sinh ngả âm đạo hay sinh tự nhiên) là hình thức sinh con qua đường ống sinh của mẹ mà không có sự hỗ trợ của dụng cụ giúp sinh. Một cuộc “vượt cạn” sinh thường được tính từ lúc mẹ bầu có những dấu hiệu chuyển dạ như đau bụng, ra huyết hồng, vỡ ối, mở cổ tử cung… đến khi em bé được đưa ra ngoài.

Nghiên cứu cho thấy, bình thường cơ thể con người có thể chịu đựng tối đa được 45 đơn vị đau (del unit). Tuy nhiên, khi sinh con mẹ bầu phải chịu đựng lên đến 57 đơn vị đau, tương đương gãy 20 xương sườn cùng một lúc. Chính vì thế, nhiều mẹ bầu e ngại sinh thường bởi sợ đau.

Để giảm bớt cơn đau khi sinh thường, mẹ bầu được cân nhắc chỉ định dùng thuốc giảm đau, phổ biến nhất là gây tê ngoài màng cứng. Thông thường, tổng thời gian của một ca sinh thường từ lúc bắt đầu dấu hiệu chuyển dạ đến khi em bé chào đời kéo dài khoảng 12-14 giờ đối với mẹ bầu sinh lần đầu. Khoảng thời gian này sẽ ngắn hơn ở những lần sinh kế tiếp.

Empty

Những lợi ích khi sinh thường

Bác sĩ khuyến cáo, việc sinh thường hay sinh mổ chỉ nên là chỉ định của bác sĩ Sản khoa dựa trên cân nhắc tình huống thai kỳ cụ thể, không nên xuất phát từ ý muốn chủ quan của mẹ bầu và gia đình như sợ đau, chọn ngày lành tháng tốt, chọn tuổi con hợp với tuổi cha mẹ… 

So với sinh mổ, việc sinh thường mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho cả mẹ và bé, cũng như giảm thiểu được những rủi ro biến chứng do quá trình phẫu thuật mang lại. Cụ thể là:

Đối với mẹ:

 - Thời gian hồi phục sau sinh nhanh (khoảng 1 giờ) giúp mẹ hồi phục sức khỏe và chăm bé tốt hơn.

 - Hạn chế được tình trạng mất máu so với sinh mổ.

 - Không gặp các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến sẹo mổ lấy thai ở những lần mang thai kế tiếp như thai bám sẹo mổ lấy thai, vỡ tử cung, nhau cài răng lược vào sẹo mổ lấy thai…

 - Mẹ sinh thường nhanh tiết sữa hơn mẹ sinh mổ, nhờ đó em bé được tiếp thu nguồn sữa mẹ sớm để phát triển tốt hơn.

 - Khi sinh thường, mẹ bầu sẽ cảm nhận được những diễn biến của cuộc “vượt cạn”, chứng kiến được khoảnh khắc con yêu cất tiếng khóc chào đời.

 - Thời gian nằm viện ngắn, chỉ mất khoảng 2-3 ngày.

 - Mẹ không bị dị ứng từ thuốc gây tê, gây mê của ca phẫu thuật và các loại kháng sinh.

 - Có thể sớm mang thai trở lại.

Đối với bé:

 - Áp lực co thắt của tử cung và ống âm đạo khi sinh thường giúp tống xuất các chất tiết hầu họng, dịch mũi của bé ra ngoài tốt hơn, bé không mắc các bệnh lý ở đường hô hấp, phổi hoạt động tốt hơn, giảm nguy cơ viêm phổi sau sinh.

 - Bé được tiếp xúc với hệ vi sinh có lợi sẵn có trong âm đạo của mẹ, giúp bé có sức đề kháng tốt hơn.

 - Bé sinh thường được bú mẹ sớm hơn, tận dụng được nguồn sữa non có lợi, đồng thời sữa mẹ không bị ảnh hưởng của thuốc gây tê hoặc gây mê.

 - Bé được da kề da với mẹ sớm hơn, giúp phát triển thể chất và cảm xúc của bé, tăng gắn kết tình mẫu tử.

 Việc sinh thường cũng có một vài nhược điểm đáng chú ý 

Mẹ bầu phải chịu đựng cơn đau đẻ và mất nhiều sức lực trong cuộc sinh, kèm theo mất máu trong và sau sinh.

Một vài trường hợp có nguy cơ bị rạch tầng sinh môn.

Quá trình sinh thường có thể gây ra một số tác động đến vùng chậu khiến mẹ gặp các bệnh lý vùng chậu sau sinh như bí tiểu, tiểu không tự chủ.

Mẹ bầu nào phù hợp với sinh thường?

Bác sĩ Sản khoa sẽ chỉ định sinh thường khi mẹ bầu đáp ứng được các tiêu chí như sau: 

 - Sức khỏe mẹ bầu tốt, có đủ sức rặn để đảm bảo quá trình “vượt cạn” thành công.

 - Mẹ bầu không mắc các yếu tố sức khỏe làm cản trở đường ra của thai nhi như nhau tiền đạo, u xơ tử cung khi mang thai…

 - Mẹ bầu không bị các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa như sùi mào gà, lậu, giang mai…

 - Sức khỏe thai nhi tốt để vượt qua ống sinh sản của mẹ, không bị sa dây rốn hay suy thai.

Đối với trường hợp mẹ bầu có tiền sử mổ lấy thai trước đó, bác sĩ Sản khoa chỉ chỉ định sinh thường sau khi thăm khám và kiểm tra kỹ càng, đảm bảo sức khỏe và các yếu tố thuận lợi cho cuộc sinh tự nhiên.

Những trường hợp nào không nên sinh thường?

Mặc dù hình thức sinh thường mang đến nhiều lợi ích và được bác sĩ Sản khoa ưu tiên chỉ định, tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp mang thai đều có thể sinh thường. Trong những tình huống sinh ngả âm đạo không thuận lợi, gặp nhiều khó khăn, bác sĩ Sản khoa buộc chỉ định sinh mổ lấy thai nhằm đảm bảo sức khỏe và tính mạng cả mẹ và bé.

Chỉ định sinh mổ chủ động trong các tình huống sau:

 - Sức khỏe mẹ bầu yếu, không đủ sức để rặn, hoặc có các bệnh lý kèm theo khiến mẹ bầu không đảm bảo sức khỏe và tính mạng trong khi sinh.

 - Mẹ bầu có khung chậu bất thường.

 - Mẹ bầu có vấn đề sức khỏe như nhau tiền đạo, u xơ tử cung làm cản trở đường ra của thai nhi hoặc các bệnh lý lây nhiễm đường sinh dục có thể truyền từ mẹ bầu sang em bé trong khi sinh như sùi mào gà, lậu, giang mai, HIV…

 - Mang đa thai hoặc thai quá to (nặng từ 3,7kg trở lên).

 - Ngôi thai bất thường gây bất lợi cho cuộc sinh như thai ngôi mông, ngôi ngang, ngôi ngược…

 - Có tiền sử sinh mổ hoặc bóc u xơ tử cung.

 - Mẹ bầu đã chuyển dạ nhưng tử cung không co bóp hoặc lực co bóp yếu, cuộc sinh không thuận lợi.

 - Thai nhi có dấu hiệu suy thai, không đảm bảo sức khỏe và tính mạng của thai.

Sinh mổ cấp cứu được chỉ định trong các tình huống sau:

 - Cuộc chuyển dạ sinh thường kéo dài, mẹ bầu có khả năng sẽ kiệt sức sau khi sinh thường.

 - Xuất hiện dấu hiệu suy thai.

 - Nhau bong non, cơn co cường tính hoặc các xuất huyết ồ ạt khác trong khi đang theo dõi sinh thường.

 - Ngôi thai không lọt.

 - Chèn ép rốn, sa dây rốn.

Dù quyết định sinh con theo hình thức sinh thường hay sinh mổ, hay can thiệp các thủ thuật hỗ trợ cần thiết trong khi sinh, mẹ bầu và gia đình cần hợp tác tốt với bác sĩ Sản khoa và ekip cuộc sinh để giúp cuộc sinh nở diễn ra thuận lợi và an toàn.

Empty

Sinh thường không đau, xóa tan nỗi sợ “cơn đau đẻ” của mẹ bầu

Cơn đau trong chuyển dạ sẽ khác nhau ở mỗi mẹ bầu tùy vào tình trạng sinh lý và tâm lý. Thông thường, cơn đau sẽ tăng dần lên trong quá trình chuyển dạ và đạt đến mức tối đa khi thai nhi di chuyển vào khung chậu của mẹ. Lúc này, khoảng 70% mẹ bầu thấy đau dữ dội.

Khi sinh thường mẹ bầu sẽ được giảm đau bằng phương pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc.

Với phương pháp dùng thuốc, Trung tâm Sản Phụ khoa kết hợp chặt chẽ cùng khoa Gây mê hồi sức sử dụng thuốc bằng cách tiêm qua khoang ngoài màng cứng. Bác sĩ Gây mê hồi sức sẽ đưa một lượng thuốc tê vừa phải vào vùng bụng, mẹ bầu vẫn có thể cảm nhận được cơn gò tử cung, tuy nhiên cơn đau sẽ giảm hoặc không thấy đau. Đây là lựa chọn của hơn 50% mẹ bầu trên toàn thế giới giúp cuộc sinh nhẹ nhàng và thoải mái.

Với phương pháp không dùng thuốc, bác sĩ hướng dẫn mẹ bầu một số phương pháp giúp kiểm soát cơn đau như sau:

 - Cố gắng thư giãn bằng cách không tập trung vào cơn đau, có thể trò chuyện cùng người nhà (đối với dịch vụ sinh gia đình) hoặc thì thầm với bé, nghĩ đến khoảnh khắc con yêu chào đời.

 - Hít thở: Tập hít sâu – thở chậm, có thể hít bằng mũi – thở bằng miệng hoặc hít – thở bằng miệng.

Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp mẹ bầu có kiến thức tổng quan và lợi ích của sinh thường, từ đó có cân nhắc hình thức sinh nở phù hợp.

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....