Những lợi ích vượt trội dễ thấy khi nuôi con bằng sữa mẹ

Thứ Hai, 21/08/2023 05:44 PM (GMT+7)

Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ, vì trong sữa mẹ có đủ chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, năng lượng, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ.

Sữa mẹ giúp trẻ sơ sinh phát triển tốt nhất

Sữa mẹ luôn duy trì ở một nhiệt độ ổn định, thích hợp cho bé, do vậy rất an toàn cho bé. Sữa mẹ hoàn toàn tự nhiên và phù hợp với những bà mẹ muốn nuôi và chăm sóc con theo ý mình. Sữa mẹ là cách đáp ứng nhu cầu của bé nhanh chóng và dễ dàng nhất ở mọi lúc mọi nơi mà không phải mất thời gian pha chế, đo lường.

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp hạn chế nguy cơ tấn công của các loại vi khuẩn gây bệnh như: tiêu chảy, nhiễm trùng đường tiết niệu, ho/cảm lạnh, hen suyễn...Trẻ em được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ sẽ có ít nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch lúc trưởng thành…

Nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm nguy cơ về các bệnh dị ứng, chàm và nhiễm trùng tai, thúc đẩy sự phát triển của xương hàm. Chất sắt trong sữa mẹ luôn dễ hấp thu hơn chất sắt trong sữa công thức. Sữa mẹ tốt cho sự phát triển của trí thông minh, thị lực, hệ thần kinh và ruột của bé. Trẻ bú mẹ thường ít bị bệnh hơn trẻ được nuôi bằng sữa công thức. Sữa mẹ cung cấp tất cả các dưỡng chất mà bé cần trong sáu tháng đầu đời.

Sữa mẹ thay đổi trong từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và phát triển của trẻ sơ sinh. Trẻ bú mẹ thường không bị táo bón và phân thải ra không có mùi như của các bé được nuôi bằng sữa công thức.

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp cải thiện tâm lý cho bà mẹ và trẻ. Bà mẹ thường xuyên tiếp xúc, gần gũi con sẽ giúp gắn bó tình cảm mẹ và con, bà mẹ cảm thấy thoải mái tinh thần, yên tâm và giảm được sự lo âu, trầm cảm sau sinh. Việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng khiến trẻ được tiếp xúc gần gũi mẹ, được âu yếm sẽ ít khóc hơn, cảm giác an toàn hơn, tinh thần, trí tuệ trẻ phát triển tốt hơn.

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp người mẹ giảm nguy cơ băng huyết, thiếu máu sau sinh; Giảm nguy cơ ung thư vú, buồng trứng; Chậm có thai trở lại (đặc biệt là giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ đạt hiệu quả cao trong việc tránh thai an toàn); Hồi phục nhanh cân nặng, vóc dáng ban đầu. Nuôi con bằng sữa mẹ chi phí ít hơn so với nuôi nhân tạo, tiết kiệm được kinh tế cho gia đình, cộng đồng và ngân sách quốc gia. Sữa mẹ bảo vệ trẻ không tăng cân quá mức (thừa cân, béo phì) nhất là trong hai năm đầu đời và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khi trưởng thành (tiểu đường, tim mạch, huyết áp …). Do sữa mẹ có các hormone Leptin, Ghrelin, IGF-1 (Insulin Growth Factor 1) tham gia điều chỉnh ăn uống và cân bằng năng lượng.

359849499_784538930034942_7308952650698148559_n

Đặc điểm diễn biến của sữa mẹ

Sự khác nhau giữa sữa non và sữa trưởng thành: Sữa non được hình thành từ tuần thứ 14 - 16 của thai kỳ và được tiết ra trong 1 - 3 ngày đầu sau đẻ, có màu vàng nhạt hoặc trong, sánh đặc. Sau 3-5 ngày, sữa non chuyển thành sữa trưởng thành. Sữa trưởng thành gồm có sữa đầu bữa và sữa cuối bữa.

 Sữa trưởng thành được tiết ra đầu bữa bú (sữa đầu) có màu trắng hơi xanh, chứa nhiều nước và các chất dinh dưỡng khác, vì vậy cần cho trẻ được bú sữa đầu bữa. Sữa trưởng thành được tiết ra cuối bữa bú (sữa cuối) có màu trắng sữa, chứa nhiều chất béo, cung cấp nhiều năng lượng, vì vậy cần cho trẻ bú hết sữa cuối bữa. Vì vậy trẻ phải bú được cả sữa đầu bữa và cuối bữa để có một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và lượng nước cần thiết.

Sữa non có yếu tố tăng trưởng biểu bì giúp cho ruột phát triển hoàn thiện chức năng, phòng tránh dị ứng và không dung nạp thức ăn khác.Sữa non chứa nhiều vitamin A có tác dụng cải thiện tình trạng nhiễm khuẩn của trẻ; giàu natri, kali, vitamin E và kẽm. Vì vậy cần cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ ngay sau đẻ để tận dụng nguồn sữa non.

Ngay sau đẻ cần cho trẻ tiếp xúc da kề da với mẹ, để tạo điều kiện tự nhiên cho trẻ tìm vú mẹ và bắt đầu bữa bú đầu tiên. Theo đặc điểm sinh lý của trẻ, thời gian từ khi trẻ sinh ra được áp vào ngực bà mẹ cho đến khi trẻ tự tìm được bầu vú mẹ và bắt đầu bú vào khoảng 1 giờ. Đây được gọi là hành vi sinh tồn theo bản năng của trẻ. Nuôi con bằng sữa mẹ trong 7 ngày đầu sau sinh: Sữa non dần chuyển thành sữa chuyển tiếp và sữa trưởng thành. Trong 3 ngày đầu thường lượng sữa chưa nhiều (còn gọi là sữa chưa về). Do vậy nhiều bà mẹ thường cho trẻ bú bình vì nghĩ là mình không đủ sữa cho trẻ bú. Trẻ sơ sinh cần được bú thường xuyên và bất cứ khi nào trẻ có biểu hiện đòi bú..

Từ 6 tháng trở đi, sữa mẹ vẫn giữ vai trò quan trọng cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cho trẻ. Trong đó từ 6 tháng đến 12 tháng, sữa mẹ tiếp tục cung cấp trên 1/2 nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Tuy nhiên, sữa mẹ sẽ không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng lên theo sự phát triển của trẻ, vì vậy ngoài sữa mẹ trẻ cần được ăn bổ sung. Trong năm thứ hai, sữa mẹ vẫn đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu năng lượng, 50% nhu cầu protein và 45% - 75% nhu cầu vitamin A cho trẻ, ngoài ra còn cung cấp các yếu tố kháng khuẩn bảo vệ trẻ khỏi mắc nhiều loại bệnh. Bên cạnh đó, giai đoạn này sữa mẹ vẫn tiếp tục đóng vai trò trong phát triển trí tuệ và nhận thức của trẻ. Vì vậy cần cho trẻ bú kéo dài đến 24 tháng tuổi cùng với chế độ ăn bổ sung hợp lý.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....