Những thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên hiện nay

Thứ Bảy, 24/12/2022 02:17 PM (GMT+7)

Sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên được coi là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực. Tuy vậy, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên hiện nay vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách lớn.

Ước tính hàng năm, toàn cầu có ít nhất 777.000 bé gái dưới 15 tuổi sinh con và con số này ở hầu hết các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Có ít nhất 10 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn ở nữ vị thành niên, thanh niên (VTN/TN) trong độ tuổi 15-19 tại các quốc gia đang phát triển. Và có khoảng 3,9 triệu nữ VTN/TN từ 15 đến 19 tuổi phá thai không an toàn.

Tại Việt Nam, theo kết quả Điều tra quốc gia về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của VTN/TN Việt Nam độ tuổi 10-24 cho thấy ngày nay VTN/TN được thụ hưởng chất lượng cuộc sống cao hơn, tiếp cận thông tin ngày càng đa dạng, dễ dàng hơn.

Hơn 90% thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-24 cho biết đã trao đổi và tiếp cận thông tin thông qua các kênh hiện đại như internet, truyền hình và tin nhắn trên điện thoại di động nhưng chỉ có 1/3 số đó sử dụng internet để tìm hiểu thông tin về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.

THANH NIEN VI THANH NIEN 2

Trong khi đó, các chương trình sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục VTN/TN hiện nay vẫn đang tồn tại một số hạn chế, thách thức. Đơn cử như việc cung cấp thông tin về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho VTN/TN vẫn đang sử dụng các cách tiếp cận truyền thống là chính, việc áp dụng một số các hình thức truyền thông sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông như tương tác qua mạng xã hội, đường dây nóng vẫn đang ở quy mô thử nghiệm sáng kiến trong khuôn khổ các dự án và chưa có các bằng chứng thuyết phục về kết quả thay đổi hành vi sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của VTN/TN.

Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong nhà trường vẫn còn đang được thực hiện thí điểm, chưa cập nhật với nội dung cũng như phương pháp tiếp cận giáo dục giới tính và tình dục toàn diện theo Hướng dẫn quốc tế; các hoạt động truyền thông cung cấp thông tin, tư vấn về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục VTN/TN tới các đối tượng VTN/TN ngoài nhà trường cũng đã được thực hiện nhưng tổ chức rời rạc, phạm vi hẹp và thiếu tính đồng bộ.

Ngoài ra, việc cung cấp thông tin và các dịch vụ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho các nhóm ưu tiên như nhóm VTN/TN chưa kết hôn, nhóm VTN trong độ tuổi từ 10 đến 14, nhóm VTN/TN khuyết tật, nhóm VTN di cư, nhóm VTN/TN lao động tại các khu công nghiệp, nhóm dân tộc thiểu số và nhóm VTN/TN có xu hướng tính dục khác nhau còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trong xã hội hiện đại như hiện nay, cùng với sự phát triển của các loại văn hóa phẩm, cũng như mối quan hệ rộng mở, cùng lối sống phóng khoáng, khiến trẻ VTN đứng trước nhiều nguy cơ, đặc biệt là việc mang thai ngoài ý muốn, bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hơn lúc nào hết, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho VTN/TN cần được quan tâm từ các cấp, các ngành tới mỗi người dân.

linhst308 (1)

Trên cơ sở đó, để góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục ở VTN/TN cũng như giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, Nghị quyết 21/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030 giảm 2/3 vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt và ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho VTN/TN. Đây là định hướng của ngành Y tế trong việc phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh để giải quyết những thực trạng về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho VTN/TN.

Gần đây nhất, Bộ Y tế cũng đã ban hành Đề án Chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho VTN/TN giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của VTN/TN thông qua việc đẩy mạnh truyền thông, tư vấn và tăng cường cung cấp dịch vụ chuyên môn kỹ thuật chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục có chất lượng, phù hợp với điều kiện học tập, làm việc và sinh hoạt của các nhóm VTN/TN, góp phần đưa VTN/TN trở thành một lực lượng lao động khỏe mạnh đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...