Phải làm gì khi mang thai lần 2 quá sớm sau sinh mổ?

Thứ Tư, 04/12/2019 10:41 AM (GMT+7)

Sinh mổ là một cuộc đại phẫu với thao tác rạch một đường nhỏ phía bụng dưới và tử cung của người mẹ để lấy em bé ra được dễ dàng. Sinh mổ gây ra nhiều nguy cơ đối với các mẹ trong những lần mang thai sau, nếu khoảng cách giữa các lần sinh mổ quá gần.

sinh-mo

Sinh mổ mấy năm mới sinh lại được?

Bác sĩ Bạch Cẩm An - Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long cho biết, khoảng cách hợp lý giữa các lần sinh mổ nên là 2 năm để cơ thể người mẹ có thời gian hồi phục, vết mổ ở tử cung ổn định để có thể đảm bảo sức khỏe cho lần mang thai kế tiếp. Nếu không, sản phụ và thai nhi có thể bị đe dọa bởi nhiều nguy cơ khác nhau, ảnh hưởng tới tính mạng. 

Tuy nhiên, sự hồi phục ở mỗi thể trạng là khác nhau. Nếu bạn có ý định mang thai lần 2 sớm có thể đi khám sức khỏe, kiểm tra tình trạng vết mổ và tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Có bầu sớm sau khi sinh mổ nguy hiểm như thế nào?

Có bầu sớm sau khi sinh mổ có thể đe dọa tính mạng của sản phụ với các nguy cơ như: bục vết sẹo mổ cũ, thai bám vết sẹo mổ cũ, nhau cài răng lược, trẻ sinh non, trẻ thiếu dinh dưỡng...

Bục vết sẹo mổ cũ

Nếu có bầu quá sớm, vết sẹo ở tử cung chưa kịp lành, sản phụ có thể bị bục vết sẹo mổ cũ. Đây là một trong những nguy cơ phổ biến nhất ở sản phụ đã từng sinh mổ trước đó. Thai to dần, áp lực mà tử cung phải chịu ngày càng lớn, nhất là khi có cơn co chuyển dạ tự nhiên hoặc khi rặn sinh thường, vết sẹo mổ cũ có thể bị bục ra gây nguy hiểm đến tính mạng cho cả sản phụ và thai nhi. Nếu đột nhiên thấy đau nhói ở vùng tử cung hoặc vết mổ cũ, cơn đau ngày càng tăng dần nên đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.

 Thai bám vào vết sẹo mổ cũ

Thai bám vào vết sẹo mổ cũ có thể xếp vào dạng thai ngoài tử cung vô cùng nguy hiểm. Thai có thể làm tổ ở vết mổ cũ và phát triển ngay tại đó khiến sản phụ bị chảy máu hoặc bị nhau cài răng lược, phải bỏ thai Trường hợp nặng hơn là nhau thai ăn sâu vào phần cơ và lớp mô sợi của tử cung tại vết mổ cũ, gây nhau cài răng lược, thậm chí là thai xuyên thủng tử cung, xâm lấn vào các bộ phận bên trong gây chảy máu ồ ạt, khiến sản phụ tử vong.

Ảnh hưởng xấu đến thai nhi

Mang thai quá sớm sau sinh mổ có thể ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của thai nhi như: Bị rau tiền đạo, nhau bám thấp mặt trước, nhau cài răng lược, thai kém phát triển, thai thiếu dinh dưỡng, nguy cơ sinh non, tỉ lệ tử vong sơ sinh cao...

Phải làm gì khi mang thai lần 2 quá sớm sau sinh mổ?

Mặc dù biết mang thai lần 2 sau khi sinh mổ quá sớm có thể gây hại cho sức khỏe của cả mẹ và con, tuy nhiên không phải ai cũng có thể chủ động hoàn toàn trong việc có thai. Khi phát hiện có thai quá sớm sau khi sinh mổ, sản phụ cần lưu ý:

Tới ngay các cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng thai nhi và sức khỏe của bản thân.

Trường hợp thai nhỏ, sản phụ có thể cân nhắc việc bỏ hoặc giữ thai dựa trên sự tư vấn của bác sĩ cũng như sức khỏe, điều kiện kinh tế gia đình.

Trường hợp thai đã lớn quá 12 tuần, việc phá thai có thể gây nguy hiểm cho người mẹ do vết mổ cũ chưa lành hẳn.

Nếu quyết định giữ thai, sản phụ cần liên tục khám sức khỏe, theo dõi sự phát triển của thai nhi, đề phòng nguy cơ bục vết mổ, vỡ tử cung, đặc biệt là ở những tháng cuối của thai kỳ.

Chủ động mổ lấy thai khi thai sang tuần 39 hoặc có những vấn đề bất thường.

Lưu ý khi mang thai lần 2 sau sinh mổ

Khám phụ khoa là làm những gì

Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai lần thứ hai là vô cùng quan trọng

Kiểm tra sức khỏe, tình trạng vết mổ cũ trước khi có ý định mang thai.

Khi có các dấu hiệu mang thai cần tới bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.

Thông báo với bác sĩ về tình trạng sinh mổ của lần mang thai trước, lý do sinh mổ là gì, diễn biến sức khỏe của bản thân sau sinh mổ, tiền sử bệnh án (nếu có)...

Khám sức khỏe, siêu âm định kỳ, theo dõi sự phát triển của thai nhi.

Theo dõi vết mổ cũ thường xuyên, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường, đặc biệt là các cơn đau ở vết mổ cũ hoặc phần xương mu.

Giữ gìn sức khỏe, có chế độ ăn uống hợp lý, kiểm soát cân nặng.

Chủ động mổ lấy thai hoặc liên tục tới bệnh viện kiểm tra trong thời gian vài ngày trước sinh để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng cả mẹ và con.

Duyen

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....