Sai lầm nguy hiểm thai phụ hay mắc khi bị nước ối đục

Thứ Năm, 14/09/2017 12:00 AM (GMT+7)

Nhiều phụ nữ mang thai khi được chẩn đoán nước ối đục liền tá hỏa “nạp” thật nhiều các loại nước như nước dừa, nước mía hay nước cam với hi vọng có thể làm trong nước ối trở lại. Tuy nhiên, các bác sĩ sản khoa khuyến cáo, việc lạm dụng uống quá nhiều các loại nước này đôi khi không mang lại kết quả như mong muốn mà còn nguy hiểm khiến thai phụ dễ bị đầy bụng, khó tiêu, béo phì ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi trong bụng.

Công dụng không như đồn thổi

Từ bệnh viện trở về, chị Nguyễn Thị Hằng (quê Ninh Bình) không giấu được sự buồn rầu trên khuôn mặt. Chị cho biết, cách đây một tháng, khi mang thai ở tuần 32, các bác sĩ chẩn đoán chị bị nước ối đục hơn bình thường. Sợ con phải “uống” nước bẩn trong bụng mẹ, sau này sinh ra sẽ khó nuôi, chị lo lắng tìm mọi cách để khắc phục. Nghe mọi người mách uống nhiều nước dừa sẽ làm nước ối trong trở lại, chị đã mua cả chùm dừa non về dự trữ và “nạp” hai quả mỗi ngày, có hôm nắng nóng, chị còn uống đến ba quả. Tính đến hiện tại, chị đã uống hơn 60 quả dừa trong vòng một tháng.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thai mới đây (36 tuần) lại không như vợ chồng chị mong muốn. Tình trạng nước ối của chị vẫn… y nguyên, không hề “trong” lên chút nào. “Bác sĩ cho biết, tình trạng nước ối đục của tôi do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó, chủ yếu là do quá trình phát triển và bài tiết của thai nhi trong bụng. Việc tôi uống nước dừa trong thời gian qua gần như không có tác dụng trong việc cải thiện tình trạng ối đục. Ngược lại, bác sĩ còn cho biết, đã có trường hợp do quá lạm dụng uống nhiều nước dừa dẫn đến tình trạng bị lạnh bụng, đi ngoài nhiều và phải nhập viện cấp cứu. Đúng là tiền mất, tật mang, suýt chút nữa thì tôi đã làm hại con mình vì quá tin vào những lời truyền miệng”, chị Hằng than thở.

Theo các bác sĩ sản khoa, nước ối có vai trò như một lớp đệm, bảo vệ và giúp cho thai nhi phát triển. Trong giai đoạn đầu, nước ối được hình thành do sự thẩm thấu của huyết thanh mẹ qua màng ối, hoặc thẩm thấu của huyết thanh con qua da thai nhi. Trong giai đoạn sau, từ lúc thai nhi được 10 - 12 tuần tuổi, nước ối được hình thành do nước tiểu tiết ra từ thận và dịch từ phổi của thai nhi. Khi được 16 - 32 tuần, lượng nước ối đạt từ 250 - 800ml, rồi tăng lên 1000ml và duy trì cho đến khi thai nhi 36 tuần tuổi. Từ thời điểm này đến lúc sinh, lượng nước ối sẽ giảm dần đi và còn lại khoảng 500ml khi sinh.

Theo TS.BS Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), lúc đầu thai kỳ nước ối có màu trắng trong (gần giống nước dừa). Thai nhi càng lớn dần thì màu sắc nuớc ối sẽ trắng đục dần do có chứa nhiều chất gây. Từ tuần thứ 38, nước ối sẽ có màu trắng đục gần giống như nước vo gạo. Do đó, nếu nước ối bị đục là do chất gây từ thai nhi thải vào buồng ối thì hoàn toàn không gây nguy hiểm gì cho thai nhi. Tuy nhiên, nếu nước ối có màu vàng xanh, xanh rêu sền sệt, có lẫn phân su hoặc có mùi hôi khó chịu, các bác sĩ sẽ có hướng xử lý thích hợp vì lúc này, em bé có thể bị nhiễm trùng, chậm phát triển hoặc bị ngạt do thiếu oxy. TS.BS Huỳnh Thị Thanh Thủy cho biết thêm, màu sắc nước ối được nhìn thấy qua soi ối với những trường hợp cổ tử cung mở lớn hơn 1cm hoặc chọc hút bước ối qua thành bụng. Khi bấm ối hoặc vỡ ối tự nhiên thì có thể nhìn màu sắc nước ối một cách chính xác và rõ ràng nhất.

Không tự ý “làm trong” nước ối

Các chuyên gia khuyến cáo, nước ối tăng lên hay giảm xuống xuất phát từ vòng tuần hoàn của thai nhi. Điều này có nghĩa, thiếu ối và dư ối liên quan đến khả năng bài tiết nước tiểu và khả năng nuốt nước ối của thai nhi. Do đó, trong trường hợp thai phụ bị thiếu ối, việc uống nhiều nước lọc hay các loại nước khác (nước dừa, nước mía, nước cam…) chỉ giúp cải thiện được một phần tình trạng thiếu ối, không phải là phương pháp giải quyết hữu hiệu nhất. Tình trạng thiếu ối cho thấy thai nhi có thể bị khiếm khuyết về thận hoặc đường tiết niệu. Nếu nước ối quá ít, bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ cần khởi phát chuyển dạ để tránh trường hợp suy thai.

Các bác sĩ khuyến cáo, thai phụ nên kiểm tra thai định kỳ để kịp thời phát hiện những bất thường có thể xảy ra. 

Mặt khác, trong trường hợp dư ối, việc giảm lượng nước uống vào cũng không tác động nhiều đến việc giảm lượng nước ối. Trường hợp này, thai phụ có thể được bác sĩ chỉ định hút bớt lượng nước ối dư thừa bằng phương pháp chọc buồng ối. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thực hiện khi thai phụ thấy khó thở nhiều và phải được tiến hành dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.

Trong trường hợp nước ối bị đục, nhiều mẹ bầu thường lo lắng thai nhi sẽ phải “uống” nước bẩn, dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột. Tuy nhiên, điều này không chính xác vì nước ối là một môi trường sạch (trừ trường hợp bị vi khuẩn xâm nhập do viêm màng ối, viêm nhiễm từ âm hộ, âm đạo, cổ tử cung). Thai nhi chỉ gặp nguy hiểm nếu bị ngạt hoặc sặc nước ối trong quá trình chuyển dạ. Do đó, khi bị nước ối đục, các bà mẹ không nên tùy tiện uống vô tội vạ các loại “nước sạch” để “lọc” bớt độ đục của nước ối bởi lẽ, cơ chế lọc của buồng ối không giống như thận, bàng quang. Vì vậy, phương pháp này hầu như không đem lại nhiều tác dụng trong việc “làm trong” nước ối. Ngược lại, theo các chuyên gia, việc lạm dụng uống quá nhiều nước dừa, nước mía (nhất là uống vào buổi tối) sẽ khiến thai phụ dễ bị lạnh bụng, khó tiêu, béo phì, tăng nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ… ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Để theo dõi những bất thường về nước ối cũng như phòng tránh các tai biến sản khoa một cách hiệu quả nhất, BS sản khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế lao động Thái Hà khuyến cáo, thai phụ cần tuân thủ việc khám thai định kỳ theo chỉ dẫn của các bác sĩ. Bên cạnh đó, duy trì một chế độ ăn uống điều độ, đủ dinh dưỡng trong suốt quá trình mang thai để cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi một cách tốt nhất. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn, tránh căng thẳng; nên ngủ đủ giấc, nằm nghiêng về bên trái để tránh tử cung chèn vào mạch máu, gây khó thở cho mẹ và hạn chế quá trình trao đổi oxy của thai nhi. Trong trường hợp phát hiện bị rò rỉ ối nhiều trong thai kỳ, thai phụ cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và có hướng xử lý kịp thời, tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Một số thông tin về nước ối

- Đa ối: Khi thể tích nước ối trên 2000ml.

- Thiểu ối, vô ối: Khi thể tích dưới 200ml.

- Nước ối có màu vàng xanh: Có thể có hiện tượng tán huyết thai nhi hoặc thai nhi chậm phát triển trong tử cung.

- Nước ối có màu xanh rêu sệt hoặc lẫn phân su của bé: Thai nhi bị suy yếu trầm trọng trong bụng mẹ, có thể đe dọa tính mạng.

- Nước ối xanh đục, có mùi hôi: Là tình trạng nhiễm trùng ối, bé có nguy cơ cao bị nhiễm trùng trong tử cung.

- Nước ối có màu đỏ nâu: Thai nhi đã bị chết lưu.

Theo Gia đình và Xã hội

System

Cùng chuyên mục

Ăn đậu phụ có làm giảm ham muốn tình dục ở nam giới

Đậu phụ là một nguồn thực phẩm phong phú về dinh dưỡng, chứa nhiều protein, canxi, sắt… Vậy ăn đậu phụ...

Quan niệm sai lầm về đặt vòng tránh thai

Nếu đang tìm kiếm một biện pháp bảo vệ an toàn, thuận tiện và lâu dài để tránh mang thai, thì vòng tránh thai có...

Nam giới có thể dùng thuốc tránh thai dành cho nữ giới không?

Thuốc tránh thai của nữ thường chứa các hormone estrogen và progestin, có tác dụng ngăn chặn sự rụng trứng và...

Kết hợp thuốc tránh thai hằng ngày và thuốc tránh thai khẩn cấp để tăng hiệu quả tránh thai?

Nhiều người đang sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày, nhưng sau khi phát sinh quan hệ tình dục, để yên tâm hơn lại...