Siêu âm thai và những thông tin bà bầu cần ghi nhớ

Thứ Ba, 02/06/2020 03:36 PM (GMT+7)

Hiện nay, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng siêu âm thai không gây hại đối với thai nhi. Tuy nhiên, việc siêu âm với tần suất liên tục có thể “tiềm ẩn” nguy cơ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ bởi năng lượng sóng siêu âm.

 

sieu-am-thai

Siêu âm thai được hiểu như thế nào?

Siêu âm thai là phương pháp chẩn đoán không xâm lấn, sử dụng sóng siêu âm truyền qua tử cung, tái hiện thành các hình ảnh mô tả hình dạng, kích thước, vị trí và cử động của thai nhi trong bụng mẹ. Trong lúc đó, bác sĩ sẽ đồng thời sử dụng các đầu dò có phát sóng siêu âm để nghe, đo nhịp tim của bé. Chính vì vậy, phương pháp này được đánh giá là đóng vai trò hữu ích trong việc thu thập các thông tin có giá trị về sự phát triển của bé yêu cũng như sức khỏe của mẹ.

Hiện nay, mẹ có thể thực hiện siêu âm bằng nhiều loại hình khác nhau như siêu âm 2D, siêu âm 3D hay siêu âm 4D, trong đó, phổ biến nhất là siêu âm 2D và 3D. Mẹ bầu nên thường xuyên siêu âm nếu như mắc các bệnh như tiểu đường, huyết áp hay các biến chứng liên quan đến sức khỏe, người có tiền sử bị sảy thai trước đó,…

Những lợi ích khi thực hiện siêu âm trong suốt thai kỳ mà mẹ nhận được?

Siêu âm thai mang đến nhiều lợi ích đối với mẹ trong suốt quá trình thai kỳ diễn ra, cụ thể như sau:

Khi mang thai, mẹ có thể mang thai ngoài tử cung gây nguy hiểm tới mẹ. Khi thực hiện siêu âm, mẹ sẽ xác nhận được liệu mình có gặp phải vấn đề này hay không, từ đó, đưa ra giải pháp xử lý nếu mắc phải.

Một vài mẹ bầu khi mang đa thai thường không có bất cứ dấu hiệu nhận biết nào. Do đó, việc siêu âm giúp mẹ xác định chính xác tình trạng mang thai của mình.

Theo dõi sự phát triển của bé qua các tuần thai thông qua các chỉ số về cân nặng, chiều dài, nhịp tim,… Từ đó, giúp mẹ điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi nếu bé không đạt hoặc thừa mức tiêu chuẩn.

Đánh giá các dấu hiệu bất thường của bé trong suốt thai kỳ, phát hiện các dị tật bẩm sinh mà bé có thể gặp phải.

Thông qua siêu âm thai, mẹ được đánh giá chính xác nhất tình trạng nước ối của mình với từng giai đoạn của thai kỳ, đặc biệt là vào 3 tháng cuối. Điều này còn giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng sức khỏe của thai nhi trong bụng mẹ.

Thực hiện siêu âm thai vào 3 tháng cuối của thai kỳ giúp mẹ dự đoán được ngày bé yêu chào đời, giảm nguy cơ sinh muộn. Lúc này mẹ có thời gian chuẩn bị về tâm lý và sức khỏe tốt nhất trước khi “vượt cạn”.

Các mốc siêu âm thai mẹ bầu nên ghi nhớ?

Hiện nay, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng siêu âm thai không gây hại đối với thai nhi. Tuy nhiên, việc siêu âm với tần suất liên tục có thể “tiềm ẩn” nguy cơ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ bởi năng lượng sóng siêu âm. Mẹ chỉ nên siêu theo lịch khám do bác sĩ chỉ định hoặc trong các trường hợp thật sự cần thiết.

Theo các chuyên gia, trong suốt quá trình mang thai, mẹ bầu không nên bỏ qua các mốc thời gian siêu âm sau đây:

Tuần thai thứ 4 - 8: Sau các dấu hiệu cho thấy mẹ đã mang thai, lúc này, mẹ nên siêu âm để kiểm tra chắc chắn rằng phôi thai đã là tổ tại tử cung an toàn và đã có tim thai hay chưa.

Tuần thai thứ 11 - 14: Tại thời điểm này của thai kỳ, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm xác định tuổi thai, đo độ mờ da gáy hay kiểm tra sự có mặt của xương mũi nhằm phát hiện các dấu hiệu bất thường liên quan đến nhiễm sắc thể  như Down, Edward, Turner,… Việc siêu âm xương mũi thai nhi sẽ được thực hiện xuyên suốt tới tuần thai thứ 32 để kiểm tra các bất thường liên quan đến hội chứng Down mà bé có thể gặp phải, cũng như theo dõi quá trình phát triển của bé.Ngoài ra, việc siêu âm trong tuần thai này sẽ giúp mẹ biết được mình mang thai đơn hay đa thai.

Tuần thai thứ 21 - 24: Thông thường, tất cả các mẹ bầu đều được chỉ định thực hiện siêu âm vào tuần thai thứ 22. Vào giai đoạn này, các cơ quan nội tạng của bé đang dần được hình thành, do đó, thông qua siêu âm bác sĩ có thể kiểm tra và đánh giá các dấu hiệu bất thường (nếu có). Đồng thời, các chẩn đoán về dị tật bẩm sinh hay bất thường về hình dạng cũng sẽ được tiến hành thực hiện.

Tuần thai thứ 28 - 32: Lúc này, phương pháp siêu âm giúp chẩn đoán các bệnh lý xuất hiện muộn như tim mạch, phổi,… Ngoài ra, các kiểm tra về dây rốn, lượng nước ối, vị trí ngôi thai cũng sẽ được xác định thông qua kết quả siêu âm.

Những lưu ý cho mẹ bầu khi thực hiện siêu âm?

Dưới đây là một số lưu ý mà các mẹ bầu nên quan tâm khi tiến hành siêu âm, gồm có:

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mẹ bầu nên uống nhiều nước và nhịn tiểu với các mốc siêu âm thai đầu tiên. Trường hợp thai lớn hơn có thể bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ bầu đi tiểu sạch trước khi siêu âm. Lúc này, hình ảnh siêu âm sẽ được tái hiện dễ dàng và chính xác hơn.

Mẹ không nên bỏ qua các mốc thời gian siêu âm quan trọng để có thể kịp thời phát hiện ra các dấu hiệu bất thường và có hướng điều trị kịp thời (nếu có).

Để quá trình siêu âm trở nên dễ dàng, mẹ nên giữ cho mình một tâm lý thoải mái, nên mặc đồ rộng rãi, không bó sát vào cơ thể.

Trước khi siêu âm, mẹ có thể chuẩn bị các câu hỏi hay các thắc mắc liên quan đến quá trình mang thai và nhờ đến sự tư vấn, hỗ trợ của bác sĩ thăm khám.

Trần Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....