Sức sống mới từ những Đề án thiết thực dành cho các dân tộc ít người ở Lai Châu

Thứ Sáu, 25/12/2020 09:33 AM (GMT+7)

GiadinhNet – Những năm qua, những Đề án nâng cao cuộc sống và chất lượng dân số tại các dân tộc ít người của tỉnh Lai Châu đã thu hút sự quan tâm của các cấp ngành và bước đầu mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

Là một trong 4 dân tộc ít người đặc biệt khó khăn của cả nước, với dân số chưa đầy 600 người, một thời người Si La ở xã Kan Hồ (huyện Mường Tè) chỉ biết bám rừng săn bắt thú và hái lượm để sống. Phong tục tập quán lạc hậu, điều kiện sinh sống khắc nghiệt, quan hệ cận huyết... là những nguyên nhân dẫn tới đồng bào nơi đây cận kề với nguy cơ diệt vong. Nhưng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành Dân số, giờ đây người Si La đang dần hòa nhập với cộng đồng các dân tộc trong vùng.

Theo số liệu điều tra, năm 1996 người Si La có 400 người, đến năm 2004 mới tăng lên khoảng 450 người. Huyện Mường Tè đã ra một nghị quyết chuyên đề để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa cho các dân tộc đặc biệt khó khăn, trong đó có người Si La. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khó khăn nên chất lượng cuộc sống và chất lượng dân số của người Si La không cải thiện được là bao. Từ khi có đề án của Chính phủ về bảo tồn và phát triển dân tộc Si La giai đoạn 2006 - 2010 và sau này có dự án tái định cư thủy điện, đời sống người Si La mới dần được cải thiện.

Sức sống mới từ những Đề án thiết thực dành cho các dân tộc ít người ở Lai Châu - Ảnh 2.

Bản tái định cư Sì Thâu Chải, xã Kan Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu - nơi ở mới của người Si La. Ảnh: Sỹ Hào


Bản làng xưa của người Si La nay đã chìm dưới lòng hồ Thủy điện Lai Châu. Dòng sông Đà hung dữ xưa kia đã thành hồ nước mênh mông, đưa bà con sang bên này sông lập bản mới. Có điều kiện thuận lợi về giao thông, địa hình, từ cây, con giống hỗ trợ của Nhà nước, người Si La ngày nay đã biết phát triển sản xuất như các dân tộc khác trong vùng. Diện mạo bản làng giờ đã khang trang, chất lượng cuộc sống được nâng lên nhờ thay đổi nhận thức.

Nhờ các nguồn hỗ trợ, đặc biệt là sự nỗ lực của người dân, đến nay bà con dần đẩy lùi đói nghèo khi tỷ lệ chỉ còn gần 30%. Đặc biệt, nhờ điều kiện giao thông thuận lợi, phong tục tập quán thay đổi và tư tưởng suy nghĩ thông thoáng hơn nên ngày nay đồng bào Si La không bó hẹp bởi kết hôn cùng dân tộc. Làm rể, làm dâu người Si La giờ đã có người Thái, người Hà Nhì, thậm chí có cả người Kinh từ dưới xuôi lên, nên chất lượng dân số cũng dần được cải thiện.

Sức sống mới từ những Đề án thiết thực dành cho các dân tộc ít người ở Lai Châu - Ảnh 3.

Người Si La trong trang phục truyền thống. Ảnh: Nguyễn Huế


Còn với người dân tộc Mảng sinh sống tại huyện Nậm Nhùn với 626 hộ dân tộc, 2.938 nhân khẩu cũng đã có khởi sắc từ việc triển khai chương trình hỗ trợ, mô hình sản xuất, trồng rừng, nâng cao đời sống của bà con.

Nhận thức từ việc người dân tộc Mảng có thói quen uống rượu nhiều dẫn đến đói nghèo và giảm chất lượng giống nòi, chính quyền đoàn thể của tỉnh Lai Châu đã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con chăm chỉ lao động, duy trì phát triển những nét văn hóa truyền thống... Đặc biệt, ưu tiên xây dựng đường giao thông, điện, trường, trạm tại những bản có đồng bào Mảng sinh sống. Ngoài hỗ trợ đồng bào dân tộc Mảng may trang phục, huyện Nậm Nhùn còn tổ chức các Lễ hội truyền thống, nhằm khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc Mảng. Được biết, toàn huyện đã có 332 hộ dân tộc Mảng được hỗ trợ làm nhà ở, 521 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, chuồng trại.

Sức sống mới từ những Đề án thiết thực dành cho các dân tộc ít người ở Lai Châu - Ảnh 4.

Tỷ lệ đi học chuyên cần của con em đồng bào Mảng ở huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) ngày càng đạt cao. Ảnh: Hoài Dương


Đáng kể nhất phải nhắc đến Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao" của tỉnh Lai Châu. Nhờ đó đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ và tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc ít người phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường, rừng đầu nguồn và chủ quyền biên giới Quốc gia.

Khi chưa triển khai Đề án, chất lượng dân số của 3 dân tộc trên ở mức rất thấp. Tập quán sinh hoạt, sản xuất không phát triển, thiếu đất sản xuất, năng suất chất lượng cây trồng, vật nuôi thấp. Thu nhập chủ yếu là làm nương, tình trạng thiếu đói diễn ra thường xuyên, nhiều hủ tục lạc hậu còn tồn tại. Chính vì vậy, ngay sau khi Đề án được triển khai, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và giao cho Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện. Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, căn cứ các định mức của chính sách và nhu cầu thực tế để giải ngân theo tiến độ vốn cấp hàng năm. Các địa phương trong tỉnh cũng vận dụng cơ chế linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân để triển khai thực hiện.

Sức sống mới từ những Đề án thiết thực dành cho các dân tộc ít người ở Lai Châu - Ảnh 5.

Tuyên truyền về tác hại tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đến bà con dân tộc. Ảnh: Đặng Hùng


Cùng với đó, hệ thống cung cấp dịch vụ được củng cố và phát triển, hệ thống bệnh viện, phòng khám và cơ sở y tế được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, dụng cụ kế hoạch hóa gia đình. Việc cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đã được triển khai đa dạng, đảm bảo thuận tiện, sẵn có, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng. Đến hết năm 2019, phần lớn các xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cung cấp được các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cơ bản.

Tỉnh Lai Châu cũng hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động của các đội văn nghệ thôn, bản cùng các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao lễ hội truyền thống. Qua đó, làm sống lại giá trị văn hóa của đồng bào 3 dân tộc Cống, Mảng, La Hủ, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi vùng đồng bào các dân tộc ít người.

Sức sống mới từ những Đề án thiết thực dành cho các dân tộc ít người ở Lai Châu - Ảnh 6.

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lai Châu phối hợp tổ chức triển khai chiến dịch nâng cao chất lượng dân số đến đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Đặng Hùng


Trong công tác nâng cao chất lượng dân số, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều Đề án như: Đề án tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; đề án tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số, KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên; mô hình can thiệp giảm tỷ mắc bệnh tan máu bẩm sinh; mô hình tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình can thiệp giảm tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thông tại các dân tộc ít người…

Ông Hoàng Hải Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: "Nâng cao chất lượng dân số không chỉ là nhiệm vụ của những người làm công tác dân số và ngành y tế mà còn là trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương và toàn xã hội. Chúng tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ đối với những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo ... để nâng cao chất lượng dân số. Mặt khác, xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế lồng ghép các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực".

Nhật Tân

Thế Thành

Cùng chuyên mục

Gần 40% đàn ông Việt gặp vấn đề về bệnh nam khoa

GiadinhNet - Với quý ông, chứng “chưa đến chợ đã hết tiền” trở thành nỗi ám ảnh không dễ gì bày tỏ trong...

Khánh Hòa: Nỗ lực chăm sóc người cao tuổi

GiadinhNet - Hiện nay, số người cao tuổi (NCT) từ 60 tuổi trở lên tại Khánh Hòa chiếm trên 10% tổng dân số và có xu...

Những người đàn ông chậm dậy thì

Lấy vợ gần 2 năm không có con, bị vợ giục, anh Thành mới đi khám. Bác sĩ cho biết, hệ sinh sản của anh vẫn như...

Cổ tử cung ngắn - nguyên nhân dễ gây sảy thai

Cổ tử cung ngắn hầu như không ảnh hưởng nhiều đến chức năng sinh lý hay chuyện quan hệ vợ chồng nhưng nó...