Tầm quan trọng của khám sàng lọc trước khi mang thai

Thứ Bảy, 30/09/2023 10:43 AM (GMT+7)

Để quá trình mang thai thuận lợi, hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra, việc khám sàng lọc, xét nghiệm trước khi mang thai vô cùng quan trọng. Khi khám sàng lọc trước khi mang thai, các cặp vợ chồng cần làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để thu được kết quả chính xác, giúp thai kỳ thành công.

1. Vì sao nên tầm soát trước khi mang thai?

Tầm soát trước khi mang thai là việc nên làm để kiểm tra sức khỏe của người chuẩn bị làm cha, làm mẹ nhằm:

- Xác định sớm bất thường về sức khỏe, bệnh lý có thể di truyền cho con hoặc gây ảnh hưởng tới kết quả thụ thai hay quá trình phát triển của thai nhi và của trẻ sau khi chào đời.

- Có cơ sở để bác sĩ đưa ra lời khuyên phù hợp về thời điểm sinh, phương pháp thụ thai và theo dõi chuyển dạ để có một thai kỳ an toàn. Điều này giúp giảm thiểu được tình trạng thai lưu, thai mắc dị tật bẩm sinh không rõ nguyên nhân.

- Được tư vấn chế độ dinh dưỡng, loại thuốc cần dùng để cơ thể có được trạng thái chuẩn bị tốt nhất cho việc mang thai.

- Với những phụ nữ có tiền sử sinh non, thai lưu, sinh con bị dị tật thì tầm soát trước khi mang thai lại càng cần thiết vì sẽ giúp xác định nguyên nhân gây nên những biến chứng thai kỳ từ các lần mang thai trước để có phương án chuẩn bị tốt nhất cho lần mang thai sắp tới.

2. Các phương pháp khám sàng lọc trước khi mang thai

Đối với người mẹ: Toàn bộ quá trình thụ thai, mang thai đều diễn ra trong cơ thể người phụ nữ. Vì thế, việc tầm soát trước khi mang thai là điều cần thiết để nữ giới có được sự chuẩn bị tốt nhất cho thai kỳ an toàn phía trước. Quá trình tầm soát trước khi mang thai của người phụ nữ thường gồm các vấn đề sau:

- Khám tổng quát, hỏi về tiền sử sức khỏe của bản thân và gia đình, thực hiện đo mạch, huyết áp, nghe tim phổi, kiểm tra chỉ số khối cơ thể (BMI) và khám tổng quát cơ quan sinh dục

- Khám phụ khoa: khám và siêu âm phụ khoa nhằm phát hiện các yếu tố nguy cơ có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của thai phụ và thai nhi trong quá trình mang thai như polyp cổ tử cung, viêm nhiễm đường sinh dục, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung…

- Làm xét nghiệm tổng quát: chụp X-quang phổi, ECG, Siêu âm ổ bụng tổng quát đánh giá về các tạng trong ổ bụng như gan, lách, tụy, thận, tử cung, buồng trứng,...

- Xét nghiệm máu cơ bản: Xét nghiệm huyết học, xét nghiệm đông máu cơ bản, xét nghiệm sinh hóa máu và xét nghiệm nước tiểu…; xét nghiệm nội tiết giúp phát hiện sớm các bất thường của tuyến giáp…

- Xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm có thể gây ảnh hưởng tới thai kỳ: HIV, giang mai, viêm gan B, Rubella, Toxoplasma, cytomegalovirus, herpes, lậu, Clamydia…

Lưu ý, sàng lọc di truyền nhiễm sắc thể rất cần thiết đối với những trường hợp cặp vợ chồng có: Người thân trong gia đình bị vô sinh, sẩy thai, thai lưu; Người thân mắc các dị tật bẩm sinh hoặc các vấn đề về tâm thần như chậm phát triển trí não, tâm thần phân liệt, tự kỷ, trầm cảm… Có vấn đề về đường huyết, tăng huyết áp; Có người thân bị dị tật hở hàm ếch, chân cong, suy giảm thị lực và khả năng nghe; Có người thân mắc hoặc mang gen di truyền các bệnh lý như máu khó đông, tan máu bẩm sinh, u xơ thần kinh …

Phụ nữ dự định mang thai khi đã lớn tuổi cần khám nhũ, khám nha khoa để đánh giá nguy cơ mắc các bệnh răng miệng vì nếu khi mang thai bị bệnh răng miệng có thể dẫn đến nguy cơ sinh non. Tư vấn tiêm phòng trước mang thai như Rubella, thủy đậu, viêm gan…

20191218_223516_734381_lay-mau-xet-nghiem.max-1800x1800

Đối với người cha

Tuổi tác và sức khỏe của người chuẩn bị làm cha có ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thụ thai và sức khỏe của thai nhi. Vì thế, nam giới cũng cần tầm soát trước khi cả hai vợ chồng có kế hoạch về việc mang thai. 

Các xét nghiệm tầm soát trước khi mang thai mà người cha cần thực hiện gồm:

- Xét nghiệm công thức máu: kiểm tra nhóm máu, yếu tố Rh và các vấn đề có liên quan.

- Xét nghiệm tinh dịch đồ : kiểm tra số lượng và đánh giá chất lượng tinh trùng.

- Kiểm tra nội tiết tố: nhằm đánh giá khả năng sản xuất tinh trùng.

- Xét nghiệm nước tiểu: đánh giá tình trạng nhiễm trùng tiết niệu.

- Siêu âm tinh hoàn: kích thước, thể tích tinh hoàn 2 bên hoặc các bệnh lý liên quan như: giãn tĩnh mạch tinh, u tinh hoàn,...

- Xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Xét nghiệm di truyền: xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ, các bệnh lý gen di truyền.

Những điều cần chuẩn bị cho việc khám sàng lọc trước khi mang thai

- Ngay từ khi có ý định sinh em bé, các cặp vợ chồng nên đi khám sàng lọc càng sớm càng tốt. Để có kết quả khám sức khỏe chính xác, thuận tiện cho người mẹ đi tiêm phòng và có sự chủ động trong thai kỳ thì nên thực hiện khám sàng lọc trước khi mang thai khoảng 3 - 6 tháng.

- Một số công việc cần chuẩn bị gồm: Giấy tờ khám sức khỏe: Giấy tiêm chủng, giấy khám sức khỏe gần nhất để bác sĩ chẩn đoán nhanh và chính xác hơn. Lịch sử mang thai: Đối với những phụ nữ đã từng sinh sản trước đây.

- Ghi nhớ tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình để trả lời các câu hỏi của bác sĩ như: Loại vắc-xin từng tiêm, mắc bệnh gì, đã phẫu thuật chưa, bị dị ứng với thành phần gì, lối sống như thế nào, chu kỳ kinh nguyệt, có bệnh di truyền nào,...

- Chuẩn bị trước những câu hỏi để hỏi ý kiến bác sĩ khi đi khám, xét nghiệm trước khi mang thai;

- Tìm hiểu kỹ về những xét nghiệm phải làm để chuẩn bị chu đáo như: Nhịn ăn, nhịn tiểu, thời điểm thăm khám trong chu kỳ kinh nguyệt, việc kiêng quan hệ tình dục, loại trang phục nên mặc, việc ngừng sử dụng các loại thuốc đang dùng,...

Như vậy, khám sàng lọc, xét nghiệm trước khi mang thai là bước quan trọng cần thực hiện của mỗi cặp vợ chồng để hiểu rõ tình trạng sức khỏe của bản thân và có những chuẩn bị tốt nhất cho trẻ trước khi ra đời.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....