Tăng cường chăm sóc một cách toàn diện cho người cao tuổi ở tỉnh Khánh Hòa

Thứ Ba, 29/12/2020 03:26 PM (GMT+7)

Chi cục DS-KHHGĐ Khánh Hòa phối hợp với Trung tâm Y tế TP Nha Trang tổ chức tư vấn, khám sức khỏe và cấp phát thuốc, sữa cho các cụ ông, cụ bà có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn tại các xã, phường.

 Tư vấn, khám sức khỏe và cấp phát thuốc cho người cao tuổi ở Khánh Hòa. Ảnh: T.G

Tư vấn, khám sức khỏe và cấp phát thuốc cho người cao tuổi ở Khánh Hòa. Ảnh: T.G

Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Tại trạm y tế phường, các cụ được các y bác sĩ kiểm tra sức khỏe và khám một số bệnh thường gặp ở người già như bệnh về tim mạch, huyết áp, xương khớp, tiểu đường, bệnh da liễu… Bác sĩ còn tư vấn cho các cụ cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng phù hợp, cách sinh hoạt thường ngày để đảm bảo sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.

Cụ Phạm Dỹ (76 tuổi, xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang) phấn khởi chia sẻ: “Tôi đau chân đi lại khó khăn và đau tim nhưng nhà nghèo, con cái phải đi làm xa nên không ai đưa đi khám bệnh. Hay tin có bác sĩ đến tận xã để khám miễn phí, mừng quá tối qua không ngủ được, mong trời sáng đến trạm để khám”.

Cùng xã với cụ Dỹ, cụ Lê Thị Bốn (71 tuổi) cũng cho hay, cụ bị cao huyết áp và tim mạch, bác sĩ khám tận tình và hướng dẫn cụ cách ăn uống hợp lý, uống thuốc đúng liều lượng, không được làm nặng. “Tôi còn được cấp thuốc và sữa miễn phí thật là vui”, cụ Bốn nói.

Đây là một trong những hoạt động nằm trong Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2025 được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt ngày 10/7/2017. Mục tiêu của đề án nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia về Người cao tuổi, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Phát huy vai trò người cao tuổi trong công tác dân số

Thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ Khánh Hòa thường xuyên phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh thực hiện mô hình Tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Mô hình bắt đầu tháng 7-2012 và thí điểm tại một số địa phương, tiếp đó nhân rộng theo từng năm và đã phủ khắp toàn tỉnh.

Hàng năm, Chi cục DS-KHHGĐ đều phối hợp với Ban Đại diện Hội người cao tuổi tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông, tư vấn, hội thi tìm hiểu các chính sách, pháp luật và kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, vai trò và trách nhiệm của người cao tuổi đối với gia đình. Qua đó, cung cấp thông tin về người cao tuổi cho lãnh đạo chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh. Ngoài ra, tập huấn kỹ năng tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho cụ ông, cụ bà là tình nguyện viên tại các huyện, thị xã, thành phố; cấp phát tài liệu hỏi đáp về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi để từ đó người cao tuổi tự biết chăm sóc bản thân…

Hiện nay, trên toàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 112.000 người cao tuổi, chiếm trên 10% tổng dân số và xu hướng già hóa tăng nhanh. Mặc dù tuổi thọ bình quân nâng lên 73 tuổi nhưng chất lượng cuộc sống còn nhiều hạn chế, đa số người cao tuổi đều mang nhiều bệnh như bệnh đái tháo đường, bênh tim mạch, bệnh đột quỵ, tai biến, loãng xương, huyết áp cao… gây khó khăn vận động, tinh thần mệt mỏi. Bên cạnh đó, số cụ neo đơn, không nơi nương tựa còn rất nhiều, vì thế rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng với những hành động thiết thực để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ Khánh Hòa, người cao tuổi là nhóm đối tượng dễ tổn thương và cần được chăm sóc một cách toàn diện, được Đảng, Nhà nước cũng như chính quyền địa phương quan tâm chăm lo, đặc biệt Chi cục DS-KHHGĐ nhiều năm liền phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh thông qua mô hình Tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng, tổ chức truyền thông, tư vấn và nhiều hoạt động thiết thực nhằm cung cấp kiến thức và mang niềm vui cải thiện cuộc sống tinh thần cho các cụ, bên cạnh đó phát huy vai trò người cao tuổi trong công tác DS-KHHGĐ.

Thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp các Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố tổ chức nhiều hoạt động dành cho người cao tuổi, đặc biệt ưu tiên cho các đối tượng nghèo, có hoàn cảnh neo đơn, vùng sâu vùng xa, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cấp trên giao đạt 15 % về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và góp phần nâng cao chất lượng dân số địa phương.

Lê Thủy

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...