Thanh Hóa: Nâng cao xã hội hóa giúp người dân chủ động lựa chọn các phương tiện tránh thai, chăm sóc sức khỏe

Thứ Năm, 15/12/2022 03:12 PM (GMT+7)

Nếu trước đây người dân đã quen với việc “bao cấp, miễn phí” phương tiện tránh thai, thì nay đã chủ động hơn, có trách nhiệm tham gia các dịch vụ để bảo vệ, nâng cao sức khỏe sinh sản (SKSS) cho bản thân, xây dựng gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc, góp phần cho dân số ổn định và phát triển bền vững.

Ngày 12/3/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020" (gọi tắt là Đề án 818).

Tại Thanh Hóa, năm 2016, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 818 giai đoạn 2016–2020 trên địa bàn. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân nhằm chia sẻ gánh nặng ngân sách Nhà nước về chăm sóc sức khỏe sinh sản, từ việc sử dụng miễn phí sang tự chi trả, phù hợp với điều kiện kinh tế, sức khỏe.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng truyền thông về sự cần thiết, lợi ích, hiệu quả trong thực hiện xã hội hóa phương tiện tránh thai, tạo dư luận đồng tình khi thực hiện Đề án 818.

Tại Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã thành lập tổ công tác thực hiện Đề án 818; ban hành các kế hoạch, công văn triển khai thực hiện Đề án 818 đến các trung tâm DS-KHHGĐ huyện (nay là Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố).

Tại 27 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 818 gửi đến ban DS-KHHGĐ xã, phường, thị trấn và trạm y tế xã.

Hàng năm, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức các hội nghị triển khai thực hiện đề án cho 27 huyện, thị xã, thành phố; xây dựng các cụm panô tuyên truyền về đề án; sản xuất nhân bản tờ rơi tuyên truyền Đề án 818, phương tiện tránh thai và hàng hóa sức khỏe sinh sản thuộc Đề án 818; tuyên truyền trên báo, tạp chí về hoạt động của đề án.

Đặc biệt, phối hợp với Ban Quản lý Đề án 818 Trung ương tổ chức nhiều cuộc truyền thông trực tiếp cho hàng nghìn phụ nữ từ 15 - 49 tuổi tại 27 huyện, thị xã, thành phố về KHHGĐ/SKSS và các sản phẩm thuộc Đề án 818.

Để thực hiện tốt Đề án 818, Thanh Hóa cũng có kế hoạch tổ chức các buổi tập huấn cán bộ y tế đặc biệt là các cơ sở y tế; cơ sở cung ứng phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ, SKSS được cung cấp, trang bị kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ và tham gia cung ứng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc.

Đại diện lãnh đạo Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đề án 818 không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, mà còn làm thay đổi dần nhận thức của người dân. Nếu trước đây họ đã quen với việc "bao cấp, miễn phí" phương tiện tránh thai, thì nay đã chủ động hơn, có trách nhiệm tham gia các dịch vụ để bảo vệ, nâng cao chất lượng SKSS cho bản thân, xây dựng gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc, góp phần cho dân số ổn định và phát triển bền vững.

Chính vì vậy phụ nữ, nam giới, vị thành niên, thanh niên, người cao tuổi là những người có nhu cầu và khả năng chi trả được tư vấn, chuyển đổi hành vi và được chăm sóc, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ cung cấp trong Đề án.

301057101

Để tiếp tục thực hiện Đề án 818 mở rộng theo Quyết định số 718/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hoá cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hoá và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030, thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa cũng xác định các nhiệm vụ và hoạt động trọng điểm của Đề án như tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin tạo môi trường xã hội đồng thuận thúc đẩy xã hội hóa, phát triển thị trường, hàng hóa SKSS, thị trường cung cấp dịch vụ và triển khai Đề án.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, ngành Dân số Thanh Hóa đề ra mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc SKSS cho nhóm dân cư có nhu cầu và có khả năng chi trả; chú trọng dự phòng, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng theo phương thức xã hội hóa và huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội góp phần giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, tăng tính bền vững của công tác dân số và nâng cao sức khỏe người dân trong tình hình mới.

Để đạt được mục tiêu này, Chi cục DS-KHHGĐ Thanh Hóa cần sự hợp tác của các doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân sản xuất, phân phối, cung ứng phương tiện tránh thai, hàng hóa, dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc SKSS.

Đồng thời, tổ chức cung ứng sản phẩm trong hệ thống dân số bằng cách xây dựng và mở rộng mạng lưới cộng tác viên, nhân viên y tế thôn bản, nhà thuốc, chú trọng người đủ năng lực, điều kiện và có nguyện vọng tham gia, tuyên truyền, tư vấn, cung cấp thông tin về các nội dung chăm sóc và vận động sử dụng sản phẩm tại hộ gia đình và cộng đồng.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...